Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển và Xây dựng Thành Đô (Tập đoàn Empire Group) - chủ đầu tư Tổ hợp Cocobay Đà Nẵng tuyên bố dừng chi trả lợi nhuận với các shophouse, căn hộ khách sạn (condotel) từ đầu năm 2020 dù mới thực hiện hơn 2 năm, trong khi cam kết ban đầu là 8 năm. Việc Cocobay Đà Nẵng chính thức thừa nhận “vỡ trận” cam kết lợi nhuận khủng 10-12,5% tại siêu dự án khiến những tranh cãi xung quanh câu chuyện về cam kết lợi nhuận condotel suốt nhiều năm qua lại bùng lên.

Ông Michael Piro, Giám đốc điều hành Indochina Capital Corporation trong một diễn đàn bất động sản du lịch biển Việt Nam từng cho rằng, cam kết lợi nhuận đầu tư condotel lên tới 8-12% là không tưởng, không ai trên thế giới dám đưa ra cam kết như vậy.

{keywords}

Câu chuyện đầu tư condotel không giống như nhiều loại hình bất động sản khác có thể lướt sóng, cam kết lợi nhuận gấp 2-3 lần lãi suất tiết kiệm là phi lý.

Hay mới đây, tại cuộc họp báo Chính phủ ngày 2/12, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho rằng, việc cam kết lợi nhuận chi trả condotel 12-15%/năm là vô lý.
“Lợi nhuận chỉ ngang lãi suất tiết kiệm. Nếu cam kết lợi nhuận gấp 2-3 lần lãi suất tiết kiệm là phi lý. Ngân hàng cũng sẽ có kiểm soát chặt tín dụng cho đầu tư loại hình này”, ông Hùng nói.

Còn Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đánh giá, việc các chủ đầu tư đưa ra cam kết trả lợi nhuận rất cao, phổ biến từ 8-12%/năm, cá biệt lên đến 15%/năm, trong 8-12 năm như “thủ thuật” và cũng là “miếng mồi” đối với khách hàng. Nhưng ngay từ chính “miếng mồi” cam kết lợi nhuận “chót vót” ấy đã đẩy rủi ro cho “khách hàng - nhà đầu tư thứ cấp”, vì trong các hợp đồng bán căn hộ condotel, các chủ đầu tư đã không hề đưa ra giải pháp để đảm bảo thực hiện đúng cam kết trả lợi nhuận cho khách hàng.

Thực tế, cam kết lợi nhuận từng là con "át chủ bài" của các chủ đầu tư trong quá trình bán hàng, tạo nên các "cơn sốt" condotel kể từ khi sản phẩm này nở rộ tại Việt Nam. Nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, cam kết lợi nhuận không có lỗi mà vấn đề chủ đầu tư cam kết ở mức nào.

Theo ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương cho rằng, mức cam kết lợi nhuận 4 – 6% là mức hợp lý để đảm bảo lợi nhuận cho thuê ổn định, trong trường hợp này người mua vẫn được sử dụng một số ngày nghỉ miễn phí và có cơ hội tiềm năng đạt được lợi nhuận thoái vốn trong trung đến dài hạn, đặc biệt đối với sản phẩm ven biển.

Trong khi đó, nhìn nhận từ thực tế, Phó Tổng giám đốc một công ty bất động sản tiết lộ, việc kinh doanh khách sạn trong 1 đến 3 năm đầu thậm chí có nơi đến 5 năm, chưa thể có lãi, mức chi trả lợi nhuận cho khách hàng trong một số trường hợp là âm. Nếu khách hàng đối diện với mức này sẽ không hài long. Vì vậy, việc các chủ đầu tư cam kết lợi nhuận giúp khách hàng tự tin hơn với sản phẩm đầu tư của mình.

“Câu chuyện đầu tư condotel không giống như nhiều loại hình bất động sản khác có thể lướt sóng. Rõ ràng đã là nhà đầu tư thì ai cũng muốn lợi nhuận cao nhưng nhiều nhà đầu tư họ không làm rõ được câu chuyện, mua bất động sản nghỉ dưỡng là mua cả một hệ sinh thái nghỉ dưỡng. Chính những giá trị gia tăng từ hệ sinh thái đó sẽ góp phần gia tăng giá trị sản phẩm. Sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng khác với sản phẩm bất động sản để ở là ở chỗ đó. Nếu không có hệ sinh thái thì bất động sản nghỉ dưỡng khó có thể thành công trong vận hành” – vị lãnh đạo doanh nghiệp phân tích.

Đặt vấn đề về việc cam kết lợi nhuận bao nhiêu là hợp lý vị này cho rằng, theo tính toán của các chuyên gia trong ngành khách sạn, lợi nhuận trong hoạt động kinh doanh khách sạn chỉ ở mức 5-6%.

“Đối với các dự án phải thuê đơn vị quản lý chi phí phải chi trả lên đến 3-4%. Vì vậy, nếu một doanh nghiệp nào đó chào bán sản phẩm condotel phải thuê đơn vị vận hàng mà cam kết lợi nhuận lên đến trên 10% là có bất thường. Ngược lại, đối với những đơn vị có tiềm lực, có khả năng đặc biệt trong việc tự quản lý, khái thác phát triển khách sạn thì mức cam kết 10%/năm là hợp lý và chấp nhận được. Nhưng dù cam kết lợi nhuận hay không, chủ đầu tư dự án bất động sản nghỉ dưỡng cũng không thể rũ bỏ trách nhiệm với khách hàng” – vị Phó Tổng Giám đốc công ty bất động sản nói.

Sau cú sốc “vỡ trận” ở Cocobay, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan đề nghị sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý quản lý condotel, đảm bảo quyền lợi của khách hàng.

Theo đó, HoREA đề nghị Bộ Xây dựng có biện pháp yêu cầu các chủ đầu tư dự án condotel có trách nhiệm công bố đầy đủ thông tin về dự án, về quyền sở hữu căn hộ condotel và quyền sử dụng đất có thời hạn khi bán căn hộ condotel cho nhà đầu tư thứ cấp để tránh nhầm lẫn. Yêu cầu chủ đầu tư dự án condotel phải công bố các biện pháp bảo đảm thực hiện cam kết lợi nhuận theo hợp đồng mua bán căn hộ condotel, đồng thời công bố minh bạch các chi phí trang bị căn hộ, chi phí quản lý trong quá trình kinh doanh, các quyền lợi mà “khách hàng-nhà đầu tư thứ cấp” được hưởng.

Trước đó, để hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường công tác quản lý nhà nước hiệu quả đối với hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh các dự án du lịch nghỉ dưỡng, condotel, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và nhiều lần yêu cầu Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, chậm nhất đến cuối năm 2019 phải trình Chính phủ xem xét ban hành các quy định pháp luật để tạo hành lang pháp lý phát triển condotel minh bạch, lành mạnh và bền vững.

Hồng Khanh

Condotel thành nhà ở, nhồi dân cư vào đất du lịch là tai hoạ quy hoạch

Condotel thành nhà ở, nhồi dân cư vào đất du lịch là tai hoạ quy hoạch

- Theo HoREA, đất du lịch mà nhồi vào khu dân cư sẽ làm biến dạng, giảm giá trị phát triển du lịch. Điều chỉnh quy hoạch từ condotel sang chung cư mà không có căn cứ khoa học thực tiễn là bóp méo quy hoạch, tai họa về quy hoạch.