Thông tin trên được Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM cung cấp tại buổi họp báo chiều 3/8.
Theo ông Hà, Công an thành phố đang cung cấp, áp dụng 124 dịch vụ công trực tuyến theo quyết định của Bộ Công an, trong đó có thủ tục đăng ký thường trú, tạm trú.
Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến của lực lượng Công an là quyết tâm chính trị, là một cuộc cách mạng chuyển đổi từ quản lý, theo dõi, tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính bằng hồ sơ giấy sang tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Đây là việc nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn và phục vụ công tác quản lý Nhà nước của lực lượng Công an theo hướng hiện đại.
Theo quy định, hàng ngày, Công an các phường, xã, thị trấn phải đăng nhập vào tài khoản dịch vụ công để tiếp nhận hồ sơ cư trú của người dân nộp qua cổng dịch vụ công.
Sau khi tiếp nhận, xem xét đối chiếu, nếu hồ sơ đảm bảo thành phần, đúng quy định sẽ tiến hành các bước giải quyết, không yêu cầu người dân phải nộp bản giấy. Nếu hồ sơ không đảm bảo quy định thì sẽ được hướng dẫn và phản hồi trực tiếp trên cổng dịch vụ công, người dân có thể đăng nhập vào cổng dịch vụ công Bộ Công an bằng tài khoản của mình để bổ sung hồ sơ theo hướng dẫn.
“Tuy nhiên, qua khảo sát, Công an thành phố ghi nhận một số khó khăn về lĩnh vực đăng ký, quản lý cư trú dẫn đến một số người dân chưa thực sự hài lòng khi thực hiện dịch vụ trên cổng dịch vụ công”, theo ông Hà
Thượng tá Lê Mạnh Hà cũng cho biết, hiện nay, TP.HCM chưa triển khai xong dịch vụ chứng thực văn bản điện tử từ bản chính và chưa liên thông dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu về đất đai, môi trường.
Do đó, cơ quan công an gặp khó khăn trong việc đối chiếu, xác định giá trị pháp lý của giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở...) do người dân chỉ chụp hình gửi qua cổng dịch vụ công.
Việc nộp, theo dõi, bổ sung hồ sơ trực tuyến, người dân, doanh nghiệp phải tự tìm hiểu quy trình, thủ tục nên bước đầu sẽ cảm thấy khó khăn trong thao tác thực hiện.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất thực hiện dịch vụ công trực tuyến chưa hoàn thiện, có lúc hoạt động chưa ổn định nên có thời điểm việc thao tác gặp khó khăn, dẫn đến người dân có phản ánh kiến nghị.
Tuy nhiên, theo ông Hà, khi đã thực hiện nộp hồ sơ trên dịch vụ công trực tuyến sẽ đem lại lợi ích lâu dài cho người dân.
Cụ thể, các giấy tờ đã nộp có thể sử dụng được nhiều lần, giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí “sao y” hoặc “pho to” giấy tờ.
Người dân có thể theo dõi được tiến độ giải quyết thủ tục hành chính tại nhà, không phải đi đến cơ quan Nhà nước.
Trên môi trường điện tử, hồ sơ đã được số hóa, lưu trữ do đó rất thuận lợi cho người dân và cơ quan công an trong việc tra cứu, tìm kiếm, chia sẽ dữ liệu phục vụ các yêu cầu giải quyết của người dân được nhanh chóng thuận lợi.
Nguyên nhân chậm xử lý việc trốn đóng BHXH
Tại buổi họp báo, Thượng tá Lê Mạnh Hà cũng nêu các nguyên nhân chậm xử lý các doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH cho người lao động.
Theo ông Hà, việc nợ, trốn đóng BHXH vừa làm ảnh hưởng khả năng chi trả của ngành bảo hiểm, vừa xâm phạm đến quyền lợi của người lao động.
“Hiện tại, Công an TP.HCM đang xác minh, củng cố tài liệu, chứng cứ để xử lý các vụ việc liên quan đến các doanh nghiệp trốn đóng BHXH theo quy định của pháp luật”, ông Hà thông tin.
Tuy nhiên, theo ông Hà, quá trình xác minh tin báo, kiến nghị khởi tố liên quan việc trốn đóng BHXH còn chậm với nhiều nguyên nhân như:
Hồ sơ BHXH khi chuyển giao cho cơ quan điều tra chưa đảm bảo giá trị pháp lý. Hồ sơ chuyển giao không có chứng từ tài liệu thể hiện hành vi cố tình trốn tránh không đóng bảo hiểm, các biện pháp cưỡng chế của cơ quan BHXH đã áp dụng đối với đơn vị vi phạm…
Trong các kiến nghị khởi tố của cơ quan BHXH, nhiều trường hợp có hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động lần đầu, chưa bị xử phạt vi phạm hành chính nên hành vi không đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan bảo hiểm diễn ra đã lâu (có hồ sơ trước thời điểm năm 2017).
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đã không còn hoạt động hoặc đã chuyển sang địa phương khác.
Trong nhiều trường hợp, tổ chức, cá nhân có biểu hiện vi phạm lợi dụng kẽ hở của pháp luật để thay đổi pháp nhân hoặc tuyên bố phá sản để tránh né các nghĩa vụ phải thực hiện đối với người lao động, gây nhiều khó khăn cho quá trình điều tra, xác minh.
Để phục vụ công tác điều tra, xác minh, theo ông Hà, cơ quan điều tra cần phải thu thập toàn bộ hồ sơ thanh tra; các quy định liên quan đến BHXH cũng như bản kết luận của hội đồng giám định chuyên môn... Tuy nhiên, việc cung cấp thông tin phục vụ điều tra của các cơ quan này còn chậm, làm ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ giải quyết vụ việc.
Một khó khăn khác là trong quá trình giải quyết các kiến nghị khởi tố liên quan đến tội phạm trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cần tiến hành làm việc, xác minh với nhiều người và nhiều tài liệu như bảng lương, hồ sơ, chứng từ cần đối chiếu nhiều hồ sơ. Do đó, thời gian giải quyết các kiến nghị khởi tố thường chậm và khó khăn.
Ngoài ra, ông Hà nhắc tới một số nguyên dân dẫn tới tình trạng nợ, trốn đóng BHXH: Do ý thức chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN của một số đơn vị sử dụng lao động chưa cao; Nhận thức của người lao động còn hạn chế, tâm lý sợ mất việc làm nên không dám đấu tranh đòi quyền lợi hợp pháp; Do tác động của suy thoái kinh tế, dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm ăn thua lỗ, một số doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, phá sản.