Công bố danh tính trùm băng đảng LockBit
Hôm 7/5, một liên minh thực thi pháp luật do Cơ quan tội phạm quốc gia Anh (NCA) dẫn đầu thông báo công dân Nga, Dmitry Yuryevich Khoroshev, 31 tuổi, là người đứng sau biệt danh LockBitSupp, quản trị viên kiêm nhà phát triển ransomware LockBit.
Bộ Tư pháp Mỹ cũng công bố bản cáo trạng đối với Khoroshev, cáo buộc hắn phạm tội máy tính, gian lận và tống tiền.
Theo Bộ Tư pháp Mỹ, Khoroshev đến từ Voronezh, một thành phố ở Nga cách Moscow khoảng 300 dặm về phía nam.
Liên minh thực thi pháp luật đã công bố danh tính của LockBitSupp trong các thông cáo báo chí, cũng như trên trang web đen gốc của LockBit mà chính quyền đã thu giữ vào đầu năm nay.
Trên trang web này, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố phần thưởng trị giá 10 triệu USD cho thông tin có thể giúp chính quyền bắt giữ và kết án Khoroshev.
Vụ tấn công ransomware vào hệ thống VNDirect hồi cuối tháng 3 được các cơ quan chức năng xác định do nhóm LockBit đứng sau. Sự cố đã làm cho toàn bộ dữ liệu của doanh nghiệp thuộc top 3 thị trường chứng khoán Việt Nam bị mã hóa và gây gián đoạn hoạt động của công ty trong suốt một tuần lễ.
Phát hiện sự cố sau ca cấy chip vào não người
Công ty về chip não Neuralink của Elon Musk cho biết thiết bị dùng để cấy ghép vào bệnh nhân đầu tiên đã gặp sự cố, thông báo được đưa ra hôm 9/5.
Neuralink của Elon Musk cho biết thiết bị cấy ghép gặp vấn đề cơ học, khi một số sợi gắn điện cực nằm trong mô não bắt đầu tự tách khỏi mô, ảnh hưởng đến cơ chế hoạt động của thiết bị.
Neuralink đã khắc phục vấn đề thông qua bản cập nhật phần mềm mới. Một số chuyên gia cho rằng vấn đề của Neuralink đã được dự đoán trước.
Trước khi cấy ghép thiết bị này cho bệnh nhân Noland Arbaugh, Neuralink đã có các thử nghiệm trên động vật. Tuy nhiên, ông Eric Leuthardt - bác sĩ giải phẫu thần kinh tại Trường Đại học Washington ở St Louis cho rằng bộ não của động vật nhỏ hơn, vì vậy các sợi điện cực không dịch chuyển nhiều như ở người.
Thông báo về biến chứng trên được đưa ra khi Neuralink đang chuẩn bị cấy ghép cho nhiều bệnh nhân khác.
TikTok kiện Chính phủ Mỹ
Ứng dụng video ngắn TikTok đâm đơn kiện Chính phủ Mỹ vì đạo luật mới, buộc ByteDance phải thoái vốn khỏi ứng dụng nếu không sẽ bị cấm tại Mỹ.
Trong đơn kiện nộp hôm 7/5, TikTok cho biết Quốc hội đã "thực hiện bước đi chưa từng có là chọn ra và cấm TikTok một cách rõ ràng" và gọi động thái này là "vi hiến".
Đơn khiếu nại lập luận rằng việc ByteDance bán TikTok là không thể và luật pháp sẽ "buộc (TikTok) đóng cửa" vào ngày 19/1/2025.
Tháng trước, Tổng thống Joe Biden đã ký một đạo luật cho ByteDance 9 tháng để thoái vốn TikTok hoặc ngừng hoạt động tại Mỹ, với lý do lo ngại an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, đơn khiếu nại cáo buộc rằng chính phủ vẫn chưa cung cấp bằng chứng về việc chính phủ Trung Quốc lạm dụng TikTok.
TikTok lập luận lệnh cấm ở Mỹ sẽ không khả thi vì nó sẽ buộc TikTok phải chuyển "hàng triệu dòng" mã phần mềm từ ByteDance sang chủ sở hữu mới. Bên cạnh đó, những hạn chế từ chính phủ Trung Quốc sẽ không cho phép bán TikTok kèm thuật toán.
TikTok đang yêu cầu tòa án đưa ra phán quyết kết luận luật của chính quyền ông Biden vi phạm Hiến pháp Mỹ. Họ cũng muốn có một lệnh ngăn chặn tổng chưởng lý thực thi luật pháp.
Mỹ thu hồi giấy phép bán chip cho Huawei
Trong một tuyên bố hôm 7/5, Bộ Thương mại Mỹ cho biết họ liên tục đánh giá để các biện pháp kiểm soát xuất khẩu “có thể bảo vệ tốt nhất an ninh quốc gia và lợi ích chính sách đối ngoại”. Phát ngôn viên của bộ xác nhận đã thu hồi một số giấy phép xuất khẩu cho Huawei.
Huawei bị đưa vào danh sách đen thương mại của Mỹ vào năm 2019, theo đó cấm các công ty Mỹ bán công nghệ - bao gồm cả chip 5G - cho “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc vì lo ngại an ninh quốc gia.
Theo nguồn tin của Reuters, Mỹ thu hồi các giấy phép cho phép các hãng, trong đó có Qualcomm và Intel, bán chip dùng trong laptop và thiết bị cầm tay cho Huawei. Các công ty được thông báo vào ngày 7/5 và quyết định có hiệu lực ngay lập tức.
Trong một tuyên bố, nữ nghị sĩ Đảng Cộng hòa Elise Stefanik nhận xét quyết định thu hồi giấy phép của Bộ Thương mại Mỹ sẽ tăng cường an ninh quốc gia và giảm khả năng nâng cấp công nghệ của Trung Quốc.
Động thái có thể ảnh hưởng đến Huawei vì hãng này vẫn phụ thuộc vào chip Intel trong các laptop của mình, cũng như tác động đến các nhà cung ứng Mỹ đang làm ăn với hãng.