Tín hiệu vui ở thị trường khách du lịch
Theo Vietnam Report, điểm nổi bật trong năm 2023 là sự bùng nổ của thị trường khách nội địa và quốc tế. Thị trường khách quốc tế ước tính đạt 11,2 triệu lượt khách chỉ trong 11 tháng đầu năm, vượt xa mục tiêu lần 1 và đạt trên 85% mục tiêu mới. Trong khi đó, thị trường du lịch nội địa trong 11 tháng đầu năm đạt 103,2 triệu lượt khách, vượt qua con số cả năm 2019. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 616,0 nghìn tỷ đồng; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 34,0 nghìn tỷ đồng, tăng 50,5% so với cùng kỳ năm trước.
Mức tăng trưởng này đạt được nhờ nhu cầu du lịch của người dân tăng cao sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chính sách thị thực được nới lỏng. Bên cạnh đó, Việt Nam vừa đón nhận “cơn mưa” giải thưởng tại lễ trao giải World Travel Awards 2023; được Tổ chức Du lịch Thế giới đánh giá cao về mức độ an toàn và giá cả chi tiêu, cùng với nhiều sự kiện và hoạt động nổi bật diễn ra trong thời gian qua (như các kỳ nghỉ dài ngày, các hoạt động/ lễ hội tại địa phương…).
Theo khảo sát của Vietnam Report, 78,6% số doanh nghiệp ghi nhận doanh thu tăng lên so với năm 2022, trong đó 14,3% doanh nghiệp có mức tăng đáng kể. Đối với chỉ tiêu về lợi nhuận, 71,4% số doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng; trong đó 85,7% doanh nghiệp thuộc nhóm khách sạn ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận cao hơn. Đánh giá về triển vọng ngành trong năm tới, 66,7% số doanh nghiệp cho rằng sẽ khả quan hơn một chút.
Dự đoán xu hướng du lịch năm 2024
Du lịch bền vững lên ngôi
Kết quả khảo sát người tiêu dùng của Vietnam Report cho thấy, có đến 96,7% người trả lời đã nghe về du lịch bền vững. Dù có xu hướng chi tiêu tiết kiệm hơn, nhưng nhiều du khách sẵn sàng chi trả thêm cho các dịch vụ góp phần bảo vệ thiên nhiên và di sản văn hóa địa phương.
Cụ thể, có 78,7% du khách sẵn sàng chi trả thêm cho dịch vụ lưu trú, 75,4% cho dịch vụ tham quan và 73,8% cho dịch vụ ăn uống. Trong đó, du khách đặc biệt quan tâm đến các cơ sở lưu trú được cấp nhãn Du lịch bền vững Bông Sen Xanh.
Du lịch chăm sóc sức khỏe và làm đẹp - “mỏ vàng” chưa được khai thác
Theo Business Insider, nền kinh tế chăm sóc sức khỏe toàn cầu được dự báo sẽ đạt 6.000 tỷ USD trong năm nay. Grand View Research cũng nhận định thị trường du lịch chăm sóc sức khỏe toàn cầu dự kiến vượt 1.000 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng hàng năm gần 10%.
Giới chuyên gia đánh giá Việt Nam có đủ tiềm năng để phát triển loại hình này, bởi sở hữu bờ biển dài hơn 3.200km cùng nhiều bãi tắm đẹp, hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, khoảng 400 nguồn nước khoáng nóng được phát hiện… phù hợp cho du lịch nghỉ dưỡng, chữa lành. Đón đầu xu hướng này, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng, khu du lịch suối khoáng nóng với nhiều dịch vụ kết hợp như: mở lớp thiền định, yoga chữa lành, cung cấp thực phẩm lành mạnh và có nguồn gốc địa phương…
Du lịch MICE: Kết hợp hội nghị, hội thảo với tham quan, nghỉ dưỡng
Du lịch MICE (Meetings, Incentives, Conferences, Exhibitions) rất phổ biến trên thế giới. Tại Đông Nam Á, Singapore là nước đi đầu về loại hình du lịch này.
Tuy loại hình du lịch này còn khá mới mẻ ở Việt Nam, nhưng cũng đang được chú trọng và có nhiều tiềm năng phát triển. Những năm gần đây, nhiều địa phương đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phục vụ phát triển du lịch MICE. Ngoài Hà Nội và TP.HCM là hai trung tâm du lịch lớn của cả nước, Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc… là những địa điểm được nhiều doanh nghiệp lựa chọn.
Du lịch trải nghiệm, mạo hiểm
Mô hình du lịch mạo hiểm đang có sự tăng trưởng mạnh về lượng khách nội địa. Khi đã đi gần hết các tỉnh/ thành, du khách sẽ có xu hướng tìm hiểu và trải nghiệm sâu hơn về hệ sinh thái, văn hóa, ẩm thực, đời sống địa phương tại một địa điểm nào đó. Hiện đã có nhiều công ty du lịch phối hợp với ban quản lý điểm đến để tạo ra các sản phẩm du lịch trekking, mạo hiểm mới như đu dây trượt thác.
Chiến lược trọng tâm của các doanh nghiệp ngành du lịch - khách sạn
Theo khảo sát của Vietnam Report, 5 chiến lược trọng tâm của các doanh nghiệp ngành du lịch - khách sạn trong ngắn hạn bao gồm: tăng cường ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tiếp thị bán hàng; nâng cao hình ảnh doanh nghiệp, đẩy mạnh marketing trên Facebook, website…; tăng cường quản lý rủi ro; khai thác thị trường du lịch nước ngoài; cải thiện cơ cấu chi phí.
Hiện nay, công nghệ được ứng dụng trong lưu trữ thông tin khách hàng qua hệ thống quản lý quan hệ khách hàng (CRM) giúp doanh nghiệp có thể truy xuất dữ liệu, đặc điểm tiêu dùng và mua sắm… Không chỉ ứng dụng CRM, để tăng tương tác, giảm thời gian chờ đợi và gia tăng trải nghiệm cho khách hàng, nhiều doanh nghiệp Du lịch - khách sạn còn sử dụng công nghệ chatbot, ứng dụng IoT (cài đặt các thiết bị thông minh trong phòng khách sạn như điều chỉnh ánh sáng, nhiệt độ thông minh, cài đặt kênh TV ưa thích…).
Bên cạnh đó, tình trạng dịch chuyển lao động trong ngành diễn ra mạnh mẽ, do tâm lý của người lao động e ngại về tính bấp bênh của ngành trước những “cú sốc lớn” từ bên ngoài. Để khắc phục khó khăn này, nhiều doanh nghiệp đã điều chỉnh chế độ lương thưởng, xây dựng lộ trình nghề nghiệp và môi trường làm việc thân thiện, triển khai các buổi trao đổi kinh nghiệm giữa bộ phận nòng cốt và nhân viên mới để nâng cao kỹ năng và tăng cường văn hoá doanh nghiệp…
(Nguồn: Vietnam Report)