Bộ Tư pháp Canada cho biết trong một email rằng họ chưa nhận được yêu cầu dẫn độ từ phía Mỹ. Ngày 30/1 sẽ là thời hạn cuối cùng để Mỹ gửi yêu cầu dẫn độ tới chính phủ Canada. Sau đó, bộ Tư pháp Canada sẽ có thêm 30 ngày để quyết định liệu có đáp ứng yêu cầu dẫn độ của Mỹ hay không.
Trước thông tin trên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh yêu cầu phía Mỹ rút bỏ đề nghị dẫn độ và chỉ trích hiệp ước dẫn độ Mỹ -Canada đã vi phạm “sự an toàn cùng với quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Trung Quốc”.
Bà Mạnh Vãn Châu hiện được bảo lãnh tại ngoại. Thời hạn bắt giữ bà sẽ kết thúc vào ngày 30/1. Ảnh: Bloomberg. |
Bà Mạnh hiện là Giám đốc tài chính của tập đoàn viễn thông Huawei và là con gái của người sáng lập công ty ông Nhậm Chính Phi. Bà đã bị bắt tại Vancouver, Canada vào tháng 12/2018 theo yêu cầu từ phía Mỹ với lý do vi phạm các lệnh trừng phạt của Washington nhằm vào Iran. Sau 2 tuần xét xử, bà đã được cho tại ngoại sau khi nộp gần 7,5 triệu USD và cam kết một số điều kiện.
Ngày 16/1, sau nhiều năm im lặng, ông Nhậm Chính Phi, người sáng lập tập đoàn Huawei, đã lên tiếng phủ nhận những cáo buộc Huawei làm việc cho chính phủ Trung Quốc. Ông nói rằng công ty của mình không hề có mối liên hệ ràng buộc với chính phủ, và đang ở trong giai đoạn khó khăn nhất từ ngày thành lập.
Sau vụ bắt giữ bà Mạnh, quan hệ ngoại giao giữa Canada và Trung Quốc đã trở nên căng thẳng. Trong cuộc tiếp xúc báo chí ở Đại sứ quán Trung Quốc tại thủ đô Ottawa ngày 17/1, Đại sứ Lư Sa Dã chỉ trích việc Canada bắt giữ bà Mạnh là hành động “đâm sau lưng”.
Theo South China Morning Post, ông Lư cũng đưa ra lời cảnh báo Bắc Kinh sẵn sàng đáp trả nếu chính phủ Canada ngăn cản Huawei triển khai dự án mạng 5G. Về phía Trung Quốc, nước này sau đó đã bắt giữ cựu viên chức ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor.
Hiện tại, Bộ Tư pháp Mỹ chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.