Cuối cùng thì cơ chế kinh tế thị trường cũng đột phá được chút đỉnh vào hệ thống công vụ, công chức vốn kiên cố và bảo thủ với những giá trị truyền thống của nó ở nước ta.
Trước đây từng nghe nói ở những nước kinh tế phát triển thường có hiện tượng người tài khu vực công bị khu vực tư thu hút, do đó nhà nước phải có những biện pháp giữ chân người tài. Giờ đây, đến lượt Việt Nam ta đối mặt với hiện tượng người nhà nước rời nhà nước.
Chúng ta vốn quen với chuyện con người ta bằng mọi giá vào được cơ quan nhà nước, kể cả bỏ tiền “chạy” cho con, cháu học hành xong vào được biên chế. Rồi từ hơn chục năm nay, nhiều cơ quan lại hô hào thu hút người tài vào công vụ, kết quả mới rất khiêm tốn, thì nay lại có hiện tượng công chức, viên chức thôi việc, ra đi tìm bến đỗ mới.
‘Bình thường’ theo góc độ ra vào thuần túy
Theo số liệu được công bố, trong hơn 2 năm qua đã có gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) thôi việc, chiếm 2% tổng số biên chế được giao của cả hệ thống chính trị, trong đó có hơn 4.000 công chức, hơn 35.000 viên chức. Số nghỉ việc trong ngành giáo dục là hơn 16.400 người, ngành y tế hơn 12.000 người.
Riêng TP.HCM từ tháng 1/2020 đến tháng 6 vừa qua có gần 6.700 CBCCVC thôi việc, trong đó có gần 700 CBCC, gần 2.500 viên chức ngành giáo dục, hơn 2.000 viên chức ngành y tế…
Có ý kiến cho rằng CBCCVC thôi việc như vậy là một điều bình thường trong bối cảnh kinh tế thị trường. Anh đang trong khu vực công nay chuyển sang khu vực tư hoặc ngược lại là hoàn toàn bình thường. Sự liên thông này không có gì đáng lo ngại. Với các quy định về đóng và hưởng BHXH, cho dù có chuyển từ công sang tư thì chế độ BHXH tính cho về hưu về cơ bản không ảnh hưởng gì. Điều này càng tạo điều kiện cho hiện tượng thôi việc ở khu vực công để vào khu vực tư.
CBCCVC thôi việc là hoàn toàn bình thường và nói như nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn là “anh ra thì lại có chị vào“. Người ra khỏi nhà nước cứ ra, sẽ lại có tuyển mới người vào và biết đâu người mới tuyển vào lại chẳng “ngon” hơn nhiều so với người đã ra.
Đấy là nhìn theo một góc độ ra vào thuần túy. Nhìn ở góc độ khác thì sao, có chuyện gì không và nếu có thì nhà nước cần ứng xử ra sao cho phù hợp? Nói cách khác, gần 40.000 CBCCVC thôi việc để lại những hệ lụy gì?
Hồi chuông báo động về lương
- Hệ lụy thứ nhất liên quan tới chính sách của nhà nước về đội ngũ CBCCVC. Có thể nói gần 40.000 người thôi việc là hồi chuông báo động không nhỏ đối với các cơ quan hoạch định chính sách.
Trước hết là chính sách về lương. Ai cũng biết lương của CBCCVC về cơ bản là không đủ cho họ và gia đình. Con người ta đi làm để làm gì nếu không phải là kiếm tiền nuôi sống bản thân, gia đình.
Lương ở cơ quan không đủ sống thì buộc phải kiếm sống ở khu vực tư. Lương khu vực tư bao giờ cũng cao hơn khu vực công. Những người có năng lực, thực tài sẽ được trả lương tương xứng trong khu vực tư. Một trong những hấp dẫn của khu vực tư chính là coi trọng thực tài, trả lương theo kết quả công việc.
Tiếp đến là chính sách về thăng tiến. Cơ hội bình đẳng thăng tiến trong khu vực công, trong từng cơ quan, tổ chức nhà nước là rất hạn chế do nhiều lý do. Cho dù từ nhiều năm nay đã có những thử nghiệm về thi một số chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, nhưng như vậy vẫn dường như chưa đủ sức hấp dẫn để giữ chân những người muốn ra đi.
Người có năng lực, kết quả công việc luôn xuất sắc, được đồng nghiệp quý trọng và đánh giá cao, nhưng sao không thể được bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan? Con đường thăng tiến mù mờ. Không được như vậy thì giải pháp rời đi là hoàn toàn hợp lý.
- Hệ lụy thứ hai gắn với môi trường làm việc tại các cơ quan, tổ chức nhà nước.
Dĩ hòa vi quý, thủ tiêu cạnh tranh, tất cả dàn đều cùng tiến, ai cũng được đánh giá ít nhất là hoàn thành nhiệm vụ. Thêm vào đó là lãnh đạo yếu kém, gia trưởng, trù dập… Tất cả những câu chuyện này khiến cho một phận CBCCVC có năng lực, thực sự muốn cống hiến, đóng góp dần chán nản, nếu không rời bỏ môi trường làm việc kiểu như vậy thì e rằng lâu dần họ cũng bị tha hóa, xuống cấp. Giải pháp tốt nhất là ra đi.
- Hệ lụy thứ ba là nhà nước mất đi một khoản tiền không nhỏ đã đầu tư vào CBCCVC kể từ lúc họ vào công vụ.
Sơ bộ có thể kể đến chi phí để tổ chức thi tuyển, xét tuyển, rồi khi họ trở thành người nhà nước là chi phí đào tạo, bồi dưỡng. Chỉ tính riêng cho công chức thì khoản này bao gồm chi phí cho đào tạo tiền công vụ, chi phí cho bồi dưỡng bắt buộc hàng năm, bồi dưỡng chứng chỉ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, ngạch chuyên viên chính… Đấy là chưa kể đến khoản tiền nhà nước bỏ ra để đào tạo bậc sau đại học trong và ngoài nước cho một bộ phận CBCCVC.
Và dễ dàng nhận thấy 4.000 công chức thôi việc không phải mới vào công vụ độ 3, 4 năm. Chi phí đào tạo, bồi dưỡng nhân lên với năm tháng trong công vụ của họ lớn đến chừng nào. Tương tự như vậy là chi phí cho hơn 35.000 viên chức thôi việc.
- Hệ lụy thứ tư phải kể đến là nhà nước lại phải tuyển mới bù trở lại số người đã thôi việc. Lại là tiền nhà nước bỏ ra cho công tác tuyển dụng, đào tạo tiền công vụ, chi cho các khóa đào tạo, bồi dưỡng…
Không biết liệu Bộ Nội vụ, rồi Bộ Giáo dục và Bộ Y tế đã sơ bộ tính ra được các khoản chi phí này chưa?
Cần tìm giải pháp thỏa đáng
-Hệ lụy thứ năm cũng hết sức đáng lưu ý, đó là trình độ, năng lực của gần 40.000 CBCCVC đã thôi việc.
Khách quan mà nói, không CBCCVC nào còn độ mươi năm nữa nghỉ hưu sẽ thôi việc để tìm cơ hội ở khu vực tư. Độ rủi ro quá cao, tốt nhất cứ làm nốt mươi năm rồi hưu cho khỏe.
Tiếp đến là câu hỏi liệu những người năng lực trung bình, trong công vụ cũng thường chỉ đạt mức đánh giá bình thường có can đảm thôi việc? Chắc cũng có, nhưng chỉ là số ít.
Bộ Nội vụ và các bộ có liên quan đương nhiên có những thông tin cụ thể về gần 40.000 người thôi việc này. Nhưng sơ bộ có thể suy luận rằng trong số đó, có một phần không nhỏ là những người có năng lực thực sự, đã từng có đóng góp đáng kể cho cơ quan nhà nước. Nếu suy luận này là đúng thì câu chuyện CBCCVC thôi việc quả là đại vấn đề.
Tinh giản biên chế bao nhiêu năm hầu như không đưa được người không đủ năng lực ra khỏi biên chế, giờ người có năng lực lại ra đi. Lâu dài, bộ máy công quyền chỉ còn lại đa phần là những người năng lực trung bình. Thật đáng buồn làm sao, bởi nếu vậy thì biết đến bao giờ mới đạt mục tiêu có một đội ngũ CBCCVC có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và phục vụ tốt người dân, xã hội?
- Hệ lụy thứ sáu muốn đề cập cuối cùng ở đây là câu chuyện suy giảm chất lượng dịch vụ công bởi gần 40.000 người thôi việc.
Công chức giỏi về quản lý nhà nước ra đi dẫn đến chất lượng thể chế, chính sách bị ảnh hưởng; bác sỹ, điều dưỡng viên ra đi dẫn đến trước hết là thiếu hụt lực lượng làm việc, kế đến là sự xuống cấp của dịch vụ y tế; giáo viên ra đi các nhà trường vốn đã thiếu người do siết biên chế lâu nay, giờ lại thiếu trầm trọng hơn và đương nhiên ảnh hưởng tới chất lượng của nhà trường…
Nói 6 hệ lụy này cũng chính là nói 6 vấn đề nổi lên qua chuyện thôi việc của gần 40.000 CBCCVC thời gian qua và do đó rất cần được nghiên cứu tìm ra giải pháp xử lý thỏa đáng trong cả hệ thống chính trị nước ta.
Bỏ việc nhà nước ra làm ngoài: Người tài ra đi, người ở lại nghĩ gì?
Bác sĩ ở Đức có nghĩa vụ nghỉ dưỡng sức, không thể làm thêm vô tội vạ