Việc 4 bác sĩ (BS) của bệnh viện TP Thủ Đức đi làm thêm tại phòng khám tư ở Tiền Giang làm dấy lên nhiều vấn đề đáng tranh luận và xem xét.
Chúng ta cùng tham khảo các quy định khá chặt chẽ của nước Đức về việc làm thêm mà BS công phải tuân thủ.
BS Trần Văn Phúc, bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn trong bài viết của mình ‘Cởi trói‘ để BS đàng hoàng đi làm thêm đã nói đúng một sự thật là BS ở ta đi làm thêm ngoài giờ vì đói. Từ ngữ không hoa mỹ, lột tả đúng bản chất sự việc. Đói thì phải làm gì đó để no chứ không thì chết đói à!
Ông cũng dẫn ra thực tế là tại một loạt các nước như Áo, Irland, Anh, Phần Lan, Thụy Điển, Na Uy, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Mỹ và Trung Quốc, nhà nước vẫn cho phép BS công làm thêm ngoài giờ.
Tôi không có tài liệu nói cụ thể hơn câu chuyện làm thêm ngoài giờ của BS ở các nước vừa nêu nên cũng không dám đi sâu bàn chuyện này ở những nước đó. Cái mà tôi muốn chia sẻ là chuyện BS công làm thêm tại nước Đức như thế nào.
Phải được bệnh viện cho phép
Trước hết là quan niệm chung về làm thêm. Làm thêm là bất kỳ công việc/hoạt động nào được trả tiền hoặc không trả tiền mà người lao động thực hiện ngoài quan hệ lao động chính đã có. Như vậy, hoạt động vì cộng đồng, hoạt động từ thiện cũng thuộc khái niệm làm thêm. Việc làm thêm về cơ bản là được phép vì người lao động chỉ có nghĩa vụ làm việc cho chủ lao động trong thời gian đã thỏa thuận.
Làm thêm của BS công tại Đức được pháp luật quy định rất rõ. Khoản 2 điều 2 về quyền tự do cá nhân và khoản 2 điều 12 về quyền tự do nghề nghiệp của luật Cơ bản (tức Hiến pháp) của Cộng hòa Liên bang Đức là các quy định hiến định tạo cơ sở pháp lý về quyền làm thêm của BS thuộc các bệnh viện công.
Làm thêm đối với BS không chỉ là cơ hội kiếm thêm tiền, mà còn là khả năng sử dụng vốn hiểu biết chuyên môn vượt ra khỏi khuôn khổ việc làm tại bệnh viện công của mình.
Tuy nhiên, việc làm thêm của BS công tại Đức cũng phải tuân thủ các quy định khá chặt chẽ.
Các BS muốn làm thêm tại một cơ sở y tế nào đó như bệnh viện, kể cả bệnh viện tư, phòng khám tư đều phải báo cáo trước đó một cách kịp thời bằng văn bản cho bệnh viện nơi mình làm việc. Chỉ khi được bệnh viện cho phép, BS mới được làm thêm và thông thường việc cho phép là khá dễ dàng, thuận tiện.
Chỉ làm thêm không quá 1/5 thời gian làm việc chính thức
Vậy khi nào thì bệnh viện nơi BS công làm việc sẽ không cho phép làm thêm như đề nghị của BS?
Các quy định hiện hành về không cho phép làm thêm của BS thường tập trung vào 3 trường hợp sau:
- Việc làm thêm của BS sẽ gây tổn hại lớn đến lợi ích của bệnh viện. Ví dụ như một BS phẫu thuật chuyên về tai nạn của bệnh viện công sẽ không được phép làm thêm tại một cơ sở y tế tư nhân chuyên về phẫu thuật tai nạn ở gần bệnh viện. Quy định này nhằm bảo đảm lợi ích kinh tế của bệnh viện công đó.
- Không cho phép làm thêm nếu sức lao động của BS bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi việc làm thêm. Ví dụ thường được nêu ở đây là một BS phẫu thuật sẽ không được phép làm thêm nếu điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe khiến cho khó có thể bảo đảm rằng BS sẽ thực hiện tốt công việc phẫu thuật tại bệnh viện công.
- Cũng tương tự trường hợp thứ hai, cụ thể là không cho phép nếu làm thêm vượt quá thời gian cho phép. Theo quy định chỉ được phép làm thêm không quá 1/5 thời gian làm việc chính thức.
Cụ thể, nếu BS làm việc ở bệnh viện công 40 giờ/tuần thì trong tuần BS đó chỉ được làm thêm không quá 8 giờ. Nếu BS đề nghị làm thêm quá 8 giờ/tuần thì sẽ không được bệnh viện cho phép. Ngoài ra, còn có quy định nếu BS làm thêm vào ban đêm và ngay ngày hôm sau làm việc tại bệnh viện công thì khoảng thời gian giãn cách để nghỉ ngơi phải là 11 tiếng.
Khiển trách, cho thôi việc nếu vi phạm
Các biện pháp xử lý khi BS công vi phạm các quy định về làm thêm:
- Khiển trách nếu làm thêm khi không được phép hoặc gây tổn hại lợi ích của bệnh viện.
- Cho thôi việc sau khi đã khiển trách, ví dụ một BS giả vờ ốm để nghỉ việc ở bệnh viện công, rồi đi làm thêm ở một cơ sở y tế khác. Cũng có thể cho thôi việc nếu sử dụng trái phép tài sản của bệnh viện công vào việc làm thêm.
- Cho thôi việc ngay, không cần áp dụng hình thức khiển trách trước đó, ví dụ trường hợp BS làm thêm tại một cơ sở y tế cạnh tranh với chính bệnh viện công của mình. Nếu qua đó gây ra thiệt hại cho bệnh viện công thì bệnh viện có thể đòi bồi thường thiệt hại. Trường hợp này xảy ra khi BS đó mệt mỏi do làm thêm và gây ra những thiếu sót trong điều trị bệnh nhân.
Một số quy định khác:
- BS công có nghĩa vụ nghỉ ngơi hoặc phục hồi sức khỏe. Vì vậy, nếu BS trong thời gian nghỉ phép hoặc nghỉ ốm mà đi làm thêm là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý.
- BS công làm thêm tại một cơ sở y tế công thì phải nộp một phần thu nhập thêm cho bệnh viện của mình nếu lương của BS đó đã đến một mức nhất định.
- Trong trường hợp cho rằng việc bệnh viện không đồng ý cho làm thêm là không chính đáng thì BS có thể đưa vụ việc kiện ra tòa án xem xét.