Có thể coi năm 2020 là năm Tây Ninh khởi động nhận thức về chuyển đổi số; năm 2021 là năm bắt đầu triển khai, trải nghiệm về chuyển đổi số trong bối cảnh đại dịch và năm 2022 là năm đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện.
Lộ trình, đến năm 2025 là giai đoạn tỉnh tăng tốc chuyển đổi số với những hành động triển khai cụ thể theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.
Tây Ninh phấn đấu đến năm 2030 vào nhóm các tỉnh, thành phố thực hiện chuyển đổi số khá; hình thành đầy đủ nền tảng phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Với tinh thần đó, Tỉnh uỷ Tây Ninh đã ban hành Nghị quyết 02-NQ/TU; UBND tỉnh ban hành Quyết định số 713/QĐ-UBND về chuyển đổi số tỉnh Tây Ninh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Nghị quyết 02 được ban hành ngay sau thành công của Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Tây Ninh là một trong số ít địa phương trong cả nước sớm ban hành nghị quyết của Tỉnh uỷ về chuyển đổi số.
Căn cứ Nghị Quyết 02-NQ/TU ngày 26/01/2021 của Tỉnh ủy Tây Ninh về chuyển đổi số tỉnh Tây Ninh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; Căn cứ Quyết định số 713/QĐ-UBND ngày 29/3/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc Ban hành Chương trình chuyển đổi số tỉnh Tây Ninh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 và Kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số của các bộ, tỉnh - DTI 202 1 do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, cuối năm 2022, UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Kế hoạch số 3892/KH-UBND thúc đẩy nâng cao các chỉ số về Chuyển đổi số của tỉnh đến năm 2025.
Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, chỉ số DTI của tỉnh vào nhóm khá.
Để đảm bảo đạt mục tiêu đã đặt ra, tỉnh uỷ, UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân và doanh nghiệp; chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ, tiên phong các công nghệ số, dữ liệu số trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền, phương thức sống, làm việc, sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Tính đến nay, chuyển đổi số giúp định hình tổng thể và toàn diện về cách sống, cách làm việc, tiêu thụ và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số; là nhu cầu tất yếu trong lãnh đạo, điều hành kinh tế - xã hội của địa phương và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong cuộc cách mạng 4.0.
Đáng chú ý, 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính được số hóa, trên 50% người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến từ xa. Trên 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận dùng thử các nền tảng chuyển đổi số, sàn giao dịch thương mại điện tử… quyết tâm thực hiện chiến lược phát triển “Chuyển đổi số” giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030.
Hoà Thành