Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, muốn các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào nhiều hơn đối với việc phát triển nhà ở xã hội, xóa nhà tạm, nhà dột nát, quan trọng nhất có lẽ là vấn đề công khai minh bạch và tạo niềm tin.
Ngày 27/12, Báo Lao Động và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) phối hợp tổ chức tọa đàm "Đa dạng hóa nguồn lực để xóa nhà tạm, nhà dột nát".
Phát biểu tại tọa đàm, TS. Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho biết, trong năm 2025, có mục tiêu hoàn thành 3 nhiệm vụ: Hỗ trợ nhà ở cho người có công khó khăn về nhà ở (khoảng 200 nghìn căn) do ngân sách Nhà nước bảo đảm; hỗ trợ nhà ở cho người dân theo các chương trình mục tiêu quốc gia (khoảng 88.000 căn nhà); xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân.
Theo thống kê của các địa phương, ngoài 2 nhóm đối tượng đã được hỗ trợ theo ngân sách nhà nước và chương trình mục tiêu quốc gia, cả nước còn 153.881 căn nhà tạm, nhà dột nát của hộ nghèo, hộ cận nghèo với kinh phí tối thiểu để thực hiện là 6.500 tỷ đồng.
Theo ông Chức, để làm được điều này đòi một nguồn lực tài chính và nhân lực rất lớn. Tuy nhiên, khi ý Đảng hợp với lòng dân thì khó khăn mấy cũng phải vượt qua, khó đến mấy cũng làm thì chúng ta sẽ có một năm 2025 trọn vẹn.
Trao đổi về vấn đề làm thế nào để thu hút các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào việc xây dựng nhà ở bền vững, đặc biệt đối với việc xóa nhà tạm, nhà dột nát, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, cho rằng, vấn đề quan trọng nhất có lẽ là vấn đề công khai minh bạch và tạo niềm tin.
“Thực tế, nhiều doanh nghiệp muốn đến tận nơi để khảo sát tình hình, xây dựng nhà ở vì họ có suy nghĩ đồng tiền họ bỏ ra phải đúng đối tượng, đảm bảo chất lượng nhà ở, đảm bảo uy tín của doanh nghiệp. Nếu đầu tư xây dựng không đúng đối tượng hoặc xây dựng chất lượng nhà ở không tốt, ồ ạt sẽ rất dễ xảy ra tình trạng người đáng được ở thì không được ở, làm xói mòn lòng tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư, tư nhân”, ông Thịnh nói.
Cũng theo ông Thịnh, việc kết nối từ địa phương đến trung ương, giữa doanh nghiệp và mạnh thường quân cũng rất quan trọng. Bản thân các thôn, bản, làng, xã phải chủ động thống kê, dự toán… Doanh nghiệp xây dựng có kế hoạch, có hỗ trợ của chính quyền địa phương và sự giúp đỡ của chính người dân. Sự kết hợp này sẽ khiến cho việc xây dựng nhà ở và sự đầu tư từ doanh nghiệp tư nhân nhiều hơn, doanh nghiệp tư nhân bỏ tiền xây dựng không phải thu lợi nhuận cho họ mà là vì sự phát triển của địa phương.
Đa dạng hoá nguồn lực
Trao đổi tại toạ đàm, TS. Nguyễn Minh Phong, nguyên trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội, cho biết, theo báo cáo mới đây, chúng ta đang có 1,7 triệu căn nhà đã được xóa và cần xóa khoảng 443.000 căn. Tổng mức kinh phí để xóa nhà tạm, nhà dột nát khoảng 6.500 tỷ đồng, hiện đã huy động được khoảng 6.000 tỷ đồng.
“Đứng trước khối lượng công việc lớn, để gia tăng nguồn lực xóa nhà tạm, nhà dột nát, nguyên tắc xã hội hóa là nguyên tắc số 1”, ông Phong nhấn mạnh.
Theo TS Nguyễn Minh Phong, Thủ tướng đã nói “nguồn lực từ tư duy, động lực từ đổi mới, sức mạnh từ nhân dân”. Để xây nhà cũng cần nhiều yếu tố nguồn lực như đất, tài chính, đóng góp công sức, kinh nghiệm, ngân sách trung ương, 5% ngân sách tiết kiệm, địa phương có nguồn quỹ, doanh nghiệp lớn có truyền thống về thiện nguyện, nguồn vốn FDI, Việt kiều...
Hướng đến mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát, TS Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh, cần phải có cơ chế tuyên truyền, công khai minh bạch, từ đó khơi gợi tinh thần “bầu ơi thương lấy bí cùng”, kết nối tình cảm cộng đồng mạnh mẽ.
Đặc biệt, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát không làm tự phát mà phải có quy hoạch, có định hướng cụ thể, phân cấp rõ ràng, có quy trình, có đánh giá, có tôn vinh, khen thưởng các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp.
Trên cả nước còn khoảng 315.000 hộ có khó khăn về nhà ở (bao gồm các đối tượng người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo,…) cần được hỗ trợ để cải thiện nhà ở đảm bảo an toàn, ổn định để "an cư, lạc nghiệp", yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng tại chương trình “Mái ấm cho đồng bào tôi” vào đầu tháng 10/2024, Petrovietnam đã trao 150 tỷ đồng hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các địa phương trên cả nước.
Trong 2 năm 2024-2025, Tập đoàn và các đơn vị thành viên dành nguồn kinh phí an sinh xã hội là 138 tỷ đồng để tài trợ xây dựng 2.760 căn nhà đại đoàn kết, nhà cho người nghèo.
Bắc Giang nỗ lực xóa nhà tạm cho đồng bào khó khănNăm 2024 tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh triển khai hoạt động xóa nhà tạm, nhà dột nát, giúp đồng bào dân tộc thiểu số đảm bảo an toàn và phát triển đời sống.