Việt Nam vẫn đang xuất siêu trái cây sang Trung Quốc, nhưng lượng trái cây nhập khẩu từ quốc gia này về Việt Nam cũng tăng mạnh từng năm. Nhưng suốt thời gian dài, hàng Trung Quốc chỉ hiện diện ở chợ đầu mối, sau đó gần như biến mất trên thị trường bán lẻ.
Hầu hết các loại trái cây Trung Quốc ra đến chợ truyền thống hay xuất hiện trên các tuyến phố đều “núp bóng” đặc sản Việt Nam, hay “khoác mác” hàng Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc,... Nguyên nhân một phần là bởi người tiêu dùng Việt e ngại chất lượng hàng Trung Quốc.
Thế nên, nhiều loại trái cây như “táo đá Hà Giang”, “đào mỏ quạ Sa Pa”, “lựu đặc sản Việt Nam”,... mà dân Việt mua ăn suốt cả thập kỷ. Song, thực chất, đó đều là hàng Tàu, 100% xuất xứ Trung Quốc. Cách đây 3-4 năm, cơ quan chức năng xác nhận nước ta không có những mặt hàng này.
Đến nay, rau quả, trái cây Trung Quốc vẫn ồ ạt về chợ Việt, số lượng ngày càng tăng. Theo thống kê, tính đến hết tháng 7/2022, giá trị nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc lên tới gần 400 triệu USD, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhiều loại trái cây Trung Quốc như đào, mận, dưa lưới, lựu, táo, nho,... được các xe tải lớn nhỏ ùn ùn chở về các chợ đầu mối ở Hà Nội. Hoạt động buôn bán diễn ra tấp nập. Các mối sỉ có người chỉ lấy vài rành hàng, cũng có người lấy vài chục rành, thậm chí cả trăm rành trái cây Trung Quốc đưa về chợ hoặc cửa hàng của mình để bán lẻ.
Ở các chợ đầu mối online, hoạt động mua bán trái cây Trung Quốc diễn ra càng nhộn nhịp hơn. Chị Thuý Quỳnh - đầu mối đổ sỉ trái cây ở Lào Cai và Hà Nội, rao bán 2.000 thùng đào Bắc Kinh. Song, chỉ sau nửa ngày đã hết hàng.
Gần đây, trên thị trường bán lẻ, các mẩu quảng cáo đào tiên Bắc Kinh, nho sữa Vân Nam, hồng táo tàu,... xuất hiện tràn ngập mạng xã hội. Chủ hàng sau khi công khai thừa nhận nguồn gốc xuất xứ còn giới thiệu tường tận tới cả vùng trồng cũng như chất lượng sản phẩm của nước bạn - khác hoàn toàn với cách bán hàng trước đây.
Anh Nguyễn Đức Kiên - chủ một xe ô tô tải chở dưa lưới vàng, dưa lưới xanh, lựu và nho bán trên đường Giải Phóng (Hoàng Mai, Hà Nội) - khi khách hỏi nguồn gốc của loại dưa lưới vàng bắt mắt, trái nặng tới vài ký, liền nói: “Dưa lưới này nhập bên Trung Quốc về. Cuối vụ quả già đanh, ngọt lừ”.
Ngay sau đó, anh Kiên cũng tiện giới thiệu luôn loại “lựu Mông Tự” vỏ mỏng, hạt nhiều nước, ăn ngọt và loại dưa lưới vỏ xanh cũng giống như dưa vàng chất lượng đều tốt.
“Trước kia dân Việt không tích hàng Trung Quốc vì sợ chất lượng không đảm bảo. Giờ nói rõ hàng Trung Quốc họ vẫn mua nên khách hỏi tôi giới thiệu đúng nguồn gốc xuất xứ”, anh nói. Anh chia sẻ, xe tải này của anh chuyên chở hoa quả bán rong trên phố Hà Nội. Có những dịp anh chỉ bán trái cây Việt, nhưng dạo gần đây trái cây Trung Quốc dội chợ, nhiều loại ngon nên anh nhập về bán.
“Túc tắc đứng đây từ 9 giờ sáng đến 8 giờ tối hàng ngày, tôi bán hết vài tạ hàng”, anh Kiên tiết lộ.
Vừa đặt mua một thùng nho sữa Vân Nam với giá 350.000 đồng/thùng 2 chùm trọng lượng nặng gần 3kg, chị Văn Ngọc Bích ở Trung Kính (Cầu Giấy, Hà Nội) thừa nhận, trước kia chị không hay mua trái cây Trung Quốc vì không tin vào chất lượng. Mỗi lần đi mua, chị đều hỏi rõ nguồn gốc xuất xứ.
Nhưng gần một năm lại đây, chị thấy người bán bắt đầu quảng cáo trái cây Trung Quốc công khai trên chợ mạng, nói rõ về vùng trồng, sản phẩm lại bắt mắt, mới lạ, được đóng hộp đẹp. Mua về ăn thấy ngon nên lâu dần, chị thường xuyên mua các loại trái cây Trung Quốc.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội trái cây Việt Nam, trái cây Trung Quốc nhiều năm trước về Việt Nam đa phần đều xuất hiện với hình ảnh hàng đại trà và giá rất rẻ. Cùng với đó, nhiều lần cơ quan chức năng kiểm tra và phát hiện nhiều loại rau củ và trái cây Trung Quốc có dư lượng thuốc bảo vệ vượt ngưỡng cho phép. Vậy nên, người tiêu dùng Việt có tâm lý e ngại, không thích hàng Trung Quốc.
Chính vì thế, tiểu thương các chợ thường nói tránh, rằng đó là hàng Mỹ, hàng Úc, Hàn Quốc,... để đánh lừa người tiêu dùng an tâm mua sản phẩm. Một thời, rất nhiều loại quả Trung Quốc "đội lốt" hàng ngoại nhập xịn.
Vài năm trở lại đây, Trung Quốc bắt đầu nâng cao tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các loại hàng hoá, nông dân của quốc gia này buộc phải thay đổi thói quen sản xuất, làm hàng chất lượng tốt hơn để đáp ứng tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Bên cạnh đó, họ chú trọng hơn vào dòng sản phẩm chất lượng cao để phục vụ phân khúc khách hàng cao cấp. Nhờ vậy, hình ảnh trái cây Trung Quốc trong mắt người tiêu dùng cũng tốt dần lên.
Còn ở thị trường Việt, thông tin về rau quả nhập khẩu Trung Quốc không đảm bảo an toàn thực phẩm gần như vắng bóng. Do đó, dân buôn bán tự tin công khai nguồn gốc, người tiêu dùng Việt cũng ngầm mặc định trái cây Trung Quốc an toàn hơn.
Theo ông Nguyên, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra vấn đề an toàn thực phẩm đối với hàng hoá nhập khẩu ngay từ cửa khẩu cũng như trên thị trường. Khi có kết quả, cần công khai để người tiêu dùng biết và nắm được thông tin về mức độ an toàn của sản phẩm.