Trong một thập kỷ qua, các nhà sản xuất ô tô đã liên tục giới thiệu một loạt các công nghệ hỗ trợ lái xe an toàn, giúp tài xế giảm thiểu được các rủi ro va chạm giao thông. Mặc dù hữu ích như vậy nhưng kết quả khảo sát mới đây của IIHS đối với các tài xế tại Mỹ đã cho thấy, không ít tài xế lại cảm thấy khó chịu với các tín hiệu cảnh báo bằng âm thanh. Nhiều tài xế cho rằng những cảnh báo này khiến họ mất tập trung khi lái xe.

Ví dụ đối với tính năng cảnh báo lệch làn đường, tỷ lệ tài xế xe Hyundai và KIA bật tính năng cảnh báo lệch làn đường chỉ chiếm lần lượt là 37% và 44%. Đây là các mẫu xe sử dụng tín hiệu âm thanh để cảnh báo.

Trong khi đó tài xế xe Ford, Honda, Mazda và Volvo bật tính năng này chiếm từ 75-99%. Các hãng xe này trang bị tính năng cảnh báo thông qua rung động vô lăng.

the dangers of drowsy driving.jpg
Vẫn có một bộ phận người dùng xe cảm thấy không thoải mái khi sử dụng các hệ thống hỗ trợ lái xe. Ảnh: Getty Images

Các hệ thống cảnh báo bằng phản hồi xúc giác như rung vô lăng hoặc ghế ngồi đang chứng tỏ hiệu quả hơn trong việc khuyến khích người lái xe sử dụng tính năng an toàn.

is there any way to turn off the audio alert for lane assist v0 y5f5ccatgfad1.jpg
Nhiều xe yêu cầu người dùng phải truy cập menu cài đặt mới có thể tắt các tính năng hỗ trợ lái xe. Ảnh: Toyota

Với công nghệ hỗ trợ cảnh báo tốc độ thông minh, có tới hơn 70% tài xế bật cảnh báo tốc độ bằng hình ảnh, còn cảnh báo bằng âm thanh khi chạy quá tốc độ chỉ được bật ở trên 14% số xe được trang bị tính năng này.

Hơn 3/4 lượng tài xế được khảo sát cho biết họ sẽ chấp nhận cảnh báo bằng âm thanh khi xe chạy quá tốc độ từ 16 km/h trở lên, trong khi chỉ có 30% số tài xế được hỏi chấp nhận cảnh báo bằng âm thanh khi xe chạy quá từ 3-5 km/h.

High_speed_alert_traffic_sign_recognition.jpg
Các nhà sản xuất ô tô đang nỗ lực tìm cách giúp người lái giảm bớt sự mất tập trung khi lái xe. Ảnh: Babydrive

Một phát hiện quan trọng khác từ nghiên cứu của IIHS còn chỉ ra rằng, cách thức tắt các tính năng hỗ trợ lái xe an toàn có ảnh hưởng không nhỏ đến việc người lái sử dụng chúng.

Các tính năng đòi hỏi phải truy cập qua menu cài đặt mới có thể vô hiệu hóa sẽ có tỷ lệ sử dụng cao hơn. Trong khi các tính năng chỉ cần bật, tắt thông qua nút bấm đơn giản thường có xu hướng bị vô hiệu hóa thường xuyên hơn.

Điều này đặt ra câu hỏi cho các nhà sản xuất ô tô làm thế nào để thiết kế hiệu quả hệ thống ADAS trên các mẫu ô tô một cách thuận tiện và thoải mái nhất cho người lái xe sử dụng.

Chỉ khi đáp ứng được đúng nhu cầu, phù hợp với hành vi và tâm lý của tài xế, các tính năng hỗ trợ lái xe an toàn tiên tiến mới thực sự được đón nhận và trở thành một phần không thể thiếu trong trải nghiệm lái xe của người dùng.

Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!