Vụ tai nạn liên hoàn nghiêm trọng giữa 3 ô tô trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng hôm 11/7 khiến 2 người tử vong và nhiều người bị thương để lại nhiều dư âm đau xót về văn hóa ứng xử và kỹ năng lái xe.

Đặc biệt, tình huống tai nạn đã dẫn đến làn sóng gây tranh cãi mạnh mẽ trong cộng đồng về hệ thống hỗ trợ người lái nâng cao ADAS được trang bị trên chiếc xe thứ ba- một chiếc SUV 7 chỗ. 

Nhiều người đặt dấu hỏi về tính năng phanh tự động khẩn cấp có thực sự hiệu quả như các hãng xe quảng cáo?

Trong trường hợp chạy với tốc độ 120km/h, xe có tự phanh khi có xe phía trước ở khoảng cách gần như tình huống xe SUV đâm vào xe khách dừng đỗ và có nhóm người đứng cãi nhau trên cao tốc?

Theo cách hiểu thông thường, nhiều người cho rằng, nếu xe ô tô có tính năng này thì sẽ tránh được cú đâm kinh hoàng và cứu được mạng người.

Vậy, thực tế phanh tự động khẩn cấp trong hệ thống ADAS hoạt động ra sao?

Cơ chế phát hiện chướng ngại vật của hệ thống phanh tự động khẩn cấp AEB trên xe ô tô 

Hiểu đơn giản, hệ thống phanh tự động khẩn cấp (Automatic Emergency Braking - AEB) sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ va chạm bằng cách tự động kích hoạt phanh khi phát hiện nguy hiểm có thể xảy ra.

Các cảm biến trong hệ thống ADAS, hỗ trợ cho phanh tự động khẩn cấp có thể phát hiện được những đối tượng như người, xe đạp, xe gắn máy, ô tô,... trong trạng thái di chuyển hoặc đứng yên.

Tuy nhiên, để xác định chính xác đối tượng, hệ thống AEB sẽ sử dụng camera quét và phân tích hình ảnh, trong khi radar đo khoảng cách và cảm biến lidar tạo bản đồ 3D của môi trường xung quanh, phát hiện đối tượng chuyển động. Các thông tin này được hệ thống tổng hợp để xác định đối tượng phía trước và tiến hành kích hoạt phanh khẩn cấp khi cần thiết.

phanh khan cap tu dong aeb 1.jpg
Hệ thống AEB dùng camera, cảm biến lidar và radar để nhận biết đối tượng. Ảnh: Volvo

Các cảm biến này liên tục quét môi trường xung quanh để phát hiện các phương tiện, người đi bộ hoặc chướng ngại vật. 

Khi phát hiện nguy cơ va chạm, phanh tự động sẽ được kích hoạt.

Thông thường, tính năng này sẽ có 3 cấp độ. Đầu tiên, cấp độ 1, hệ thống sẽ cảnh báo bằng âm thanh và tín hiệu trên bảng đồng hồ. Nếu người lái vẫn không phản ứng, cấp độ 2, hệ thống AEB sẽ tiếp tục cảnh báo và tác động lực phanh.

Cuối cùng, khi nguy cơ va chạm cao, ở cấp độ 3, hệ thống sẽ tự động phanh gấp để tránh hoặc giảm thiểu va chạm.

Dải tốc độ và các tình huống khiến phanh tự động khẩn cấp không hoạt động

Dù vậy, hệ thống phanh tự động khẩn cấp vẫn không hoạt động trong một số tình huống như tốc độ xe quá cao, điều kiện thời tiết xấu ảnh hưởng hoạt động của camera và cảm biến radar trong việc nhận diện đối tượng trước xe. Ngoài ra, sự xuất hiện của các vật cản như cây cối, biển quảng cáo hay các phương tiện khác cũng có thể làm giảm hiệu suất hoạt động của hệ thống AEB. 

Tuỳ theo từng thương hiệu và mẫu xe khác nhau, hệ thống phanh tự động khẩn cấp sẽ được thiết lập hoạt động trong từng dải tốc độ khác nhau nhưng đa phần đều nằm trong khoảng từ 5-140km/h. Chẳng hạn, hệ thống AEB trên xe VinFast VF 9 hoạt động trong dải tốc độ 5-130km/h, Volvo XC60 hoạt động trong dải 4-80km/h,...

Đa phần, hệ thống phanh tự động khẩn cấp sẽ hoạt động trong mọi tình huống, kể cả khi đang sử dụng tính năng điều khiển hành trình tự động (ACC - Adaptive Cruise Control). Tuy nhiên, trên một số mẫu xe, hệ thống AEB sẽ tự động tắt khi hệ thống ACC đang được sử dụng, chẳng hạn như trên các mẫu xe BYD.

phanh khan cap tu dong aeb 2.jpeg
Hệ thống AEB có thể nhận diện người, xe đạp, xe máy, ô tô,... Ảnh: Volvo

Dù vậy, hệ thống này vẫn có những sai sót và nhầm lẫn nguy hiểm, đơn cử như gần đây, một chiếc SUV Trung Quốc chạy trên cao tốc nhầm hình ảnh xe ô tô trong biển quảng cáo trên đường là xe thật và tự động phanh khẩn cấp, khiến phương tiện phía sau tông vào đuôi xe.

Người dùng thường tắt tính năng phanh tự động chỉ vì... phiền

Thông thường, hệ thống phanh tự động khẩn cấp sẽ luôn tự động bật khi khởi động xe nhưng người dùng vẫn có thể chủ động tắt hệ thống này khi cần. Tuy vậy, một số mẫu xe khác được nhà sản xuất cài đặt chế độ luôn bật đối với hệ thống phanh tự động, người dùng không thể tắt.

Với điều kiện giao thông phức tạp tại Việt Nam, khi đi trong đường đô thị hỗn hợp, việc hệ thống cảnh báo của phanh tự động liên tục phát ra tín hiệu sẽ gây ra sự khó chịu đối với người ngồi trên xe.

Ngoài ra, một số mẫu xe có cảm biến hoạt động quá nhạy, tự động phanh dù tình huống luôn nằm trong tầm kiểm soát của người lái xe.

Điều này khiến các phương tiện phía sau không giữ đúng khoảng cách dễ đâm vào đuôi.

Ngoài ra, hệ thống phanh tự động thường phanh gấp và tương đối gắt thay vì rà và phanh nhẹ nhàng. Cơ chế này cũng góp phần tạo ra sự khó chịu và giật mình đối với người điều khiển ô tô.

Về lý thuyết, phanh tự động có nhiều ưu điểm, giúp ngăn chặn được va chạm nguy hiểm khi tham gia giao thông nhưng vì nhiều lý do khác nhau, không ít người dùng lại tắt hệ thống này.

Tuy nhiên, khi điều khiển xe trong khu vực đông đúc, mật độ giao thông lớn, khiến hệ thống cảm biến nhận diện không chuẩn xác, hệ thống này cũng dễ "tác dụng ngược".

Bạn có góc nhìn nào về nội dung trên? Hãy gửi ý kiến dưới phần bình luận của bài viết. Mọi câu hỏi tư vấn về sử dụng, mua bán xe xin gửi tới Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!