Cuộc thi này nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên, qua đó thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đồng thời, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển đổi số  trong các cơ sở giáo dục.

Cuộc thi cũng nhằm tạo môi trường để học sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, giải pháp, dự án khởi nghiệp mang lại giá trị để giải quyết các vấn đề của cộng đồng, xã hội, giúp tìm kiếm và hỗ trợ các dự án, ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên.

Đối tượng tham dự là học sinh, sinh viên đang học tại các trường cao đẳng, đại học, học viện; học sinh các trường THPT và khuyến khích học sinh các trường THCS tham dự.

Cuộc thi lần thứ 4 năm 2021 có 8 lĩnh vực gồm: Khoa học, công nghệ; Công nghiệp, chế tạo sản phẩm; Nông, lâm, ngư nghiệp; Giáo dục, y tế; Dịch vụ, du lịch; Tài chính, ngân hàng; Kinh doanh tạo tác động xã hội; Các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh khác. Năm nay, Bộ GD-ĐT đưa ra 5 lĩnh vực dự thi: Công nghiệp, chế tạo sản phẩm; Nông, lâm, ngư nghiệp; Giáo dục, du lịch, dịch vụ, tài chính; Y tế, chăm sóc sức khỏe, công nghệ làm đẹp; Kinh doanh tạo tác động xã hội. 

Như vậy, công nghệ làm đẹp là một lĩnh vực mới được bổ sung ở cuộc thi lần này.

Một gian hàng tại cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” (SV_STARTUP) lần thứ 4 năm 2021

Các thí sinh sẽ trải qua các vòng thi cơ sở, vòng bán kết và chung kết (cuối tháng 3/2023). Tại vòng cơ sở, các trường tổ chức thi hoặc thành lập hội đồng xét chọn dự án. Mỗi cơ sở đào tạo lựa chọn tối đa 5 dự án. Sau đó, các sở GD-ĐT tổ chức thi hoặc thành lập hội đồng xét chọn dự án. Mỗi sở lựa chọn tối đa 5 dự án (mỗi lĩnh vực tối đa 1 dự án). Thời gian nộp hồ sơ dự án về Bộ GD-ĐT từ ngày 15/11 đến 12h ngày 5/2/2023.

Các đội vượt qua vòng đào tạo tham dự Vòng chung kết sẽ tham gia trưng bày các sản phẩm, ý tưởng, dự án khởi nghiệp của đội tại các gian hàng theo các chủ đề do Ban tổ chức bố trí tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia lần thứ 5.