Ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam đã có bề dày lịch sử phát triển. Tuy nhiên, hiện, lực lượng doanh nghiệp cơ khí làm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ vẫn còn hạn chế.

Chất lượng sản phẩm cơ khí của DN trong nước hiện vẫn còn thấp, giá thành sản xuất lại cao nên thiếu sức cạnh tranh. Một nguyên nhân lớn là trình độ cơ khí chế tạo, nhất là cơ khí chính xác - trụ cột của sản xuất công nghiệp vẫn lạc hậu so với nhiều nước.

DN gặp không ít thách thức trong cải tiến công nghệ, bắt kịp xu hướng, nâng cao trình độ lao động, chất lượng hạ tầng… để có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và những áp lực cạnh tranh lớn đến từ các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.

{keywords}
Nhiều khâu sản xuất tại doanh nghiệp cơ khí nhỏ còn chưa hiện đại (ảnh: Băng Dương)

Ông Đặng Quang Thiện – PGĐ TT Khuyến công và Tư vấn Phát triển Công nghiệp, Bộ Công Thương đánh giá: "Trong thời gian vừa qua ngành cơ khí của Việt Nam có bước phát triển đáng kể. Các doanh nghiệp đã đầu tư tăng về quy mô cũng như đầu tư các thiết bị, máy móc để nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hiện nay, ở một số địa phương đã hình thành các cụm liên kết trong quá trình sản xuất ngành cơ khí".

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cơ khí xuất phát từ cơ sở sản xuất mang tính gia đình nên hạn chế về công nghệ. 

Ngoài ra, theo ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam: Luật Đấu thầu 2005 quy định DN Việt Nam tham gia đấu thầu phải có kinh nghiệm, đã từng làm qua những dự án thành công… Trên thực tế, "đấu thầu" chỉ tập trung "đấu giá", nên DN nước ngoài đã thắng thầu hầu hết các dự án đầu tư. Điều này dẫn tới mỗi năm Việt Nam vẫn nhập siêu hàng tỷ USD máy móc, thiết bị về xây dựng, phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp, hàng tiêu dung… trong khi ngành cơ khí lại có mặt ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế.

Chính cơ chế này khiến các doanh nghiệp cơ khí nhỏ của Việt Nam khó chen chân được các dự án lớn và có cơ hội cung ứng các đơn hàng lớn.

Việt Nam tới đây sẽ triển khai nhiều dự án quan trọng, có tổng mức đầu tư lớn như: Quy hoạch điện giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 133 tỷ USD, đường sắt tốc độ cao 50 - 60 tỷ USD, các tuyến đường sắt nội đô, các công trình giao thông, thủy lợi, dầu khí, kinh tế biển, đóng tàu, ô tô, xe máy…. Đây là cơ hội lớn cho ngành cơ khí tận dụng những lợi thế, kết hợp ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất.

Để phát huy được vai trò của DN trong nước vào những đại dự án, các chuyên gia cho rằng, cần có quy định chặt chẽ tỷ lệ hợp lý trong khối lượng và giá trị dự án, để bảo đảm dành cho DN cơ khí nội địa tham gia như thông lệ quốc tế, không nên cái gì cũng đi mua của nước ngoài mà khuyến khích nhận chuyển giao công nghệ để tự làm.

{keywords}
Trung tâm nghiên cứu R&D của Thaco ứng dụng robot hàn trong sản xuất xe bus (ảnh: Băng Dương)

Đơn cử như các Công ty CP Ô-tô Trường Hải, Công ty CP Xe lửa Gia Lâm (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) đều cho biết, ngoài các toa xe khách, xe hàng cho đường sắt quốc gia, nhà máy hoàn toàn có thể tự đóng được các toa xe nhẹ cho đường sắt đô thị (metro) nếu được yêu cầu.

Bà Trương Thị Chí Bình - Phó chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam cho rằng, DN cơ khí, CNHT đang đứng trước cơ hội lớn khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Các hiệp định này có hiệu lực sẽ giúp DN trong nước ưu thế hơn khi xuất khẩu, đồng thời thu hút đầu tư nước ngoài vào.

Tuy nhiên, trước thực trạng về trình độ, năng lực của đội ngũ kỹ sư thiết kế DN ngành cơ khí còn hạn chế thì cần thiết phải có chương trình hỗ trợ đầu ra bằng cách kết nối với người mua tiềm năng của mỗi ngành; ưu đãi cho công ty CNHT cỡ vừa hiện nay đầu tư mở rộng sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ về tài chính… giúp DN thêm điều kiện tiếp cận công nghệ mới.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu Việt Nam/ASEAN gắn với tỷ lệ nội địa hóa ở cả khu vực DN FDI cũng như cơ khí trong nước, tránh tình trạng chuyển giá, nâng khống giá trị sản xuất khi thật sự chưa đạt yêu cầu để hưởng các chính sách ưu đãi.

Để phát triển bền vững công nghiệp cơ khí trong nước, Nhà nước cần có chính sách đặc thù vì nếu DN đầu tư cho cơ khí có trang thiết bị trình độ công nghệ 3.0, 4.0 mà phải vay với lãi suất như các ngành kinh tế khác, sẽ khó thực hiện được mục tiêu nâng cao nội lực cho cơ khí Việt Nam, chứ chưa nói đến việc cạnh tranh với các nước.

Một số vấn đề quan trọng khác cần được Nhà nước chỉ đạo và thực hiện mạnh mẽ là dùng hàng rào kỹ thuật, xuất xứ hàng hóa,… để bảo vệ hợp lý thị trường trong nước như các quốc gia trên thế giới đã và đang chủ động thực hiện.

Thu Uyên