Nhiều loại hình sinh kế mới được giới thiệu
Với tinh thần chuyển đổi số và không đứng ngoài xu thế của cuộc cách mạng thông tin, Cổng hông tin điện tử chia sẻ tri thức thuộc Dự án hỗ trợ kỹ thuật cho Dự án chống chịu biến đổi khí hậu và sinh kế bền vững đồng bằng sông Cửu Long (GEF-ICRSL) cũng được triển khai theo cơ chế đồng tài trợ của Hiệp hội phát triển quốc tế (IDA) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF).
Ý tưởng ra đời từ cuối năm 2022, nhưng tới nay Cổng thông tin điện tử chia sẻ tri thức mới bắt đầu vận hành và nhanh chóng trở thành người bạn thân thiết của nhà nông và các doanh nghiệp ở miền Tây, nhất là ở 3 tỉnh: Kiên Giang, Cà Mau và Bạc Liêu - 3 tỉnh nằm trong vùng dự án (dự án GEF-ICRSL) thuộc vùng bán đảo của đồng bằng sông Cửu Long. Người dân tham gia chuyển đổi sinh kế được lựa chọn loại hình sản xuất phù hợp, tham gia đào tạo, nâng cao năng lực về sản xuất nông nghiệp bền vững...
Lướt qua giao diện bắt mắt dễ thấy, Cổng thông tin điện tử chia sẻ tri thức hướng đến đa dạng đối tượng, từ nông dân, nhà khoa học, các cơ quan quản lý và nhóm quản trị hệ thống. Kiến trúc thông tin của Cổng bao gồm: Bản tin, thư viện, loại hình sinh kế, liên kết nông dân, đổi mới sáng tạo, quản lý nước…
Theo kĩ sư Đỗ Bá Truyền, cán bộ dự án, để phát huy tối đa các tính năng của Cổng thông tin điện tử chia sẻ tri thức đang rất cần các bên có sự chủ động hơn, tích cực, kịp thời và hiệu quả, không chỉ cung cấp thông tin một chiều mà còn tiếp nhận, tương tác thông tin, giới thiệu những cách làm hay, những điển hình tiên tiến để người dân có thể hiểu hơn về dự án. Ví dụ, với các mô hình nuôi cua biển ở Cà Mau, kiến thức của các nhà khoa học phải nên được “thực chứng” với kinh nghiệm của người dân.
Bên cạnh đó, với kho tàng tri thức khổng lồ, gồm tin tức, bản đồ vùng dự án, thông tin về các loại hình sinh kế được triển khai trong dự án, kết quả nghiên cứu chính của dự án GEF-ICRSL, video bản tin, phóng sự, phim tài liệu, sổ tay kỹ thuật sản xuất, cẩm nang hướng dẫn các loại hình sinh kế và dữ liệu từ các trạm quan trắc tự động cũng như các đo đạc chất lượng nước nội đồng phục vụ sản xuất, mọi đối tượng quan tâm đến dự án đều có thể nhanh chóng tìm thấy thông tin một cách hiệu quả.
“Rất nhiều loại hình/mô hình sinh kế mới được giới thiệu trên Cổng nhằm chia sẻ tri thức, phát huy tối đa vai trò trong thời đại số, tuy nhiên việc từ các kiến thức được đưa vào thực tiễn giúp người dân áp dụng để thoát nghèo sẽ cần thời gian trả lời. Tuy nhiên, kho tri thức chia sẻ trên Cổng thực sự hữu ích, sẽ được phổ biến rộng rãi đến cộng đồng, qua đó giúp người dân miền Tây nói chung, nhân dân 3 tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu nói riêng thoát nghèo”, anh Truyền nói.
Trên Cổng chia sẻ tri thức có gì?
Trên thực tế, ở vùng bán đảo 3 tỉnh miền Tây của vùng dự án dễ thấy, điều kiện tự nhiên và tiềm năng cho phát triển kinh tế nông nghiệp và ngư nghiệp là rất lớn. Theo đó, các mô hình chuyên canh, thâm canh hay nuôi trồng thủy hải sản/ nuôi biển được coi là những thế mạnh. Tuy nhiên, để phát huy được thế mạnh đó thì những nghiên cứu về dòng chảy, canh tác rừng sú vẹt, đồng quản lý rừng ven biển, các giải pháp phi cấu trúc như xây dựng hàng rào tre (hình chữ T), quy hoạch cảnh quan, nuôi tôm sinh thái… phải được phát triển theo quy hoạch và có sự điều tiết.
Tại sao lại cần theo quy hoạch và phải điều tiết, bởi nếu để nông dân làm tự phát sẽ gây khó khăn cho đầu ra sản phẩm, tình trạng dịch bệnh cho vật nuôi và những sự mất cân đối trong quy hoạch. Ví dụ mô hình nuôi sò huyết dưới tán rừng tại Kiên Giang đang được triển khai ở một số huyện cho thấy, việc chuyển đổi những diện tích lúa 2 vụ sang nuôi thủy sản (tại các vùng đang chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn-PV), việc tuân thủ các bộ quy tắc căn bản nhằm chống chịu với biến đổi khí hậu kết hợp phục hồi rừng ngập mặn là việc không thể “ăn xổi”.
Điều thú vị của Cổng thông tin điện tử chia sẻ tri thức là ngoài giới thiệu các mô hình sinh kế, những nông dân được khuyến khích thử nghiệm các mô hình sinh kế dựa vào những gì tự nhiên vốn có để khai thác giá trị, để cân bằng giữa duy trì sinh kế và bảo vệ môi trường. Ví dụ ở Cà Mau, hiện bán đảo đã bị xói lở bờ biển nghiêm trọng và sụt lún đất do trong nhiều năm nông dân phá rừng ngập mặn để nuôi tôm, khai thác quá mức nước ngầm và gây ô nhiễm nước mặt. Theo đó, chuyển đổi sang mô hình nuôi thủy sản kết hợp (vọp, ốc len, sò huyết) hay tôm nhưng dưới tán rừng ngập mặn (được phục hồi) nhằm phát triển bền vững.
“Giải thích với nông dân hệ sinh thái rừng ngập mặn phong phú là môi trường lý tưởng cho các loài thủy sản, cung cấp nguồn thức ăn tự nhiên và bảo vệ chúng khỏi bệnh tật. Tôm sinh thái thường được bán với giá cao hơn ở các thị trường Liên minh châu Âu vì đáp ứng những tiêu chuẩn hữu cơ. Nhưng để nông dân làm theo thì phải có vốn mồi, cán bộ kĩ thuật và “cầm tay chỉ việc” để thực hiện phương pháp sạch và sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn. Ví dụ, người dân Bạc Liêu đã áp dụng mô hình nuôi tôm sú kết hợp với cá rô phi – mô hình rất mới - giúp cải thiện chất lượng nước, giảm ô nhiễm môi trường và đang mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho người nuôi tôm”, anh Truyền chia sẻ thêm.
Nam Phương