Theo thông cáo báo chí ngày 3/4, WHO khẳng định, phát hiện mới nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải tăng khả năng tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sinh sản chất lượng cao, giá cả phải chăng.
WHO cũng thông tin, các ước tính mới cho thấy có sự khác biệt về tỷ lệ vô sinh giữa các khu vực và có thể so sánh được giữa tất cả các quốc gia và mức thu nhập.
Theo Reuters, báo cáo đã phân tích các nghiên cứu được thực hiện từ năm 1990 đến năm 2021. Kết quả cho thấy khoảng 17,5% người trưởng thành trên toàn thế giới bị ảnh hưởng bởi việc không thể có con ít nhất một lần trong đời (tương đương 6 người trưởng thành có 1 người vô sinh).
Khoảng 17,8% người trưởng thành ở các nước có thu nhập cao từng bị vô sinh. Con số này ở các nước có thu nhập thấp và trung bình là 16,5%.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, cho biết: “Tỷ lệ những người bị ảnh hưởng cho thấy sự cần thiết phải mở rộng khả năng tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sinh sản và đảm bảo các chính sách và nghiên cứu không bỏ qua vấn đề này”.
WHO định nghĩa vô sinh là bệnh liên quan hệ sinh sản của nam hoặc nữ được xác định bởi việc không thể mang thai sau 12 tháng khi quan hệ tình dục thường xuyên không dùng biện pháp phòng tránh thai.
James Kiarie, người đứng đầu bộ phận Tránh thai và Chăm sóc Khả năng sinh sản của WHO, cho hay, không có bằng chứng nào về việc gia tăng tỷ lệ vô sinh từ năm 1990 đến năm 2021. "Dựa trên dữ liệu hiện có, chúng tôi không thể nói rằng vô sinh đang gia tăng hay không đổi", ông Kiarie nói.
Báo cáo nhấn mạnh sự cần thiết của các quốc gia trong việc thu thập và chia sẻ dữ liệu nhất quán về vô sinh, phân tách theo độ tuổi và nguyên nhân cũng như thông tin về những người cần chăm sóc khả năng sinh sản.