Tập thể cư dân ‘phố cà phê đường tàu’ lần thứ 3 có đơn kêu cứu gửi cơ quan Trung ương và lãnh đạo UBND TP Hà Nội, quận Hoàn Kiếm với phản ánh những khó khăn trong việc mưu sinh, sinh hoạt sau khi tuyến phố này bị ‘đóng cửa’.
Nhóm cư dân thuộc địa phận bị rào chắn từ đường Trần Phú đến đoạn Phùng Hưng (phường Cửa Đông và phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm) mong muốn chính quyền các cấp tìm ra giải pháp hợp lý để hỗ trợ người dân, không phải xóa bỏ địa điểm du lịch đang thu hút khách quốc tế, đồng thời bảo đảm an toàn đường sắt.
Trong đơn kêu cứu, nhóm cư dân phố cà phê này cho biết, họ hiểu rõ những nguy cơ khi sống cạnh đường tàu. Cụ thể như sự nguy hiểm, không an toàn khi tàu chạy qua, ô nhiễm khói bụi, xả thải từ tàu hỏa. Nhưng cuộc sống vẫn cần đảm bảo nên họ vẫn phải tiếp tục sinh sống ở ‘xóm cà phê đường tàu’.
Nhắc lại thời điểm khi hình thành khu ‘phố cà phê đường tàu’, người dân ở đây chia sẻ, lúc đầu cũng thấy phiền hà vì nhiều nhóm khách du lịch ngồi ngay trước cửa nhà. Họ ngồi rất lâu, ngồi phơi nắng, phơi mưa để mong chờ được nhìn thấy tận mắt đoàn tàu chạy qua.
Sau đó, nhiều nhà có hiên rộng hơn đã cho du khách mượn ghế, cho mượn quạt, mời uống nước miễn phí, mời vào nhà ngồi cho đỡ mưa nắng. Nhiều nhà có con cháu nói được tiếng Anh bắt đầu bắt chuyện với họ, trong lúc chờ tàu.
Từ đó, ‘phố cà phê đường tàu’ ở quận Hoàn Kiếm dần hình thành. Đầu năm 2022, ‘phố cà phê đường tàu’ đông du khách ghé thăm hơn.
“Từ khi xóm đường tàu được đưa lên tạp chí du lịch National Geographic về một nét đẹp độc đáo và cuộc sống thường nhật của người dân Hà Nội, cuộc sống của chúng tôi có sự thay đổi mang tính tích cực”, cư dân ‘phố cà phê đường tàu’ chia sẻ.
Trong đơn, cư dân nêu ra các giải pháp đảm bảo an toàn cho du khách nếu ‘phố cà phê đường tàu’ được mở cửa trở lại. Cụ thể như phát tờ rơi hướng dẫn an toàn bằng tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp… yêu cầu du khách đọc kỹ và ký cam thực hiện kết trước khi vào ‘phố cà phê đường tàu’.
Theo cư dân ở đây, ngành đường sắt cũng có thể đưa ra các biện pháp kỹ thuật như giảm tốc độ tàu chạy, cảnh báo sớm bằng chuông, đèn tín hiệu chạy dọc tuyến có nhà dân, đóng chắn sớm trước khi tàu chạy để hạn chế khách vào khu vực ‘phố cà phê đường tàu’.
Người dân tại đây cũng mong chính quyền phường Cửa Đông và phường Hàng Bông bố trí thêm lực lượng dân phòng nhắc nhở khách du lịch thực hiện các biện pháp an toàn khi vào ‘phố cà phê đường tàu’.
“Nếu những biện pháp đó được chính quyền xem xét áp dụng, chúng tôi xin cam kết thực hiện nghiêm túc mọi quy định đề ra”, người dân ‘phố cà phê đường tàu’ cam kết.
Trước đó, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam gửi văn bản kiến nghị UBND TP Hà Nội và Cục Đường sắt Việt Nam xử lý dứt điểm tình trạng buôn bán, chụp ảnh tại các tụ điểm cà phê đường tàu đang ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đường sắt.
Sau khi có văn bản trên, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cho biết, tất cả các hộ dân đang kinh doanh ở khu vực đường tàu đều vi phạm hành lang an toàn đường sắt. Quận Hoàn Kiếm sẽ thu hồi toàn bộ giấy phép đăng ký kinh doanh đã cấp cho các hộ ở khu vực đường tàu.
Lực lượng chức năng quận Hoàn Kiếm cũng đã lập hàng rào phong tỏa 'phố cà phê đường tàu’, đồng thời chính quyền các cấp vào cuộc vận động du khách và người dân không tập trung đông đúc tại 'phố cà phê đường tàu’.
Trao đổi với P.V VietNamNet, ông Nguyễn Xuân Tân, nguyên Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, tính mạng người dân và tài sản là vô cùng quan trọng. Do vậy, phải nhất quán quan điểm là dù buôn bán, kinh doanh ở đâu cũng phải chấp hành trật tự an toàn giao thông.
“Chúng ta phải ủng hộ quan điểm của quận Hoàn Kiếm là dẹp phố cà phê đường tàu. Việc này được làm càng triệt để càng tốt”, ông Nguyễn Xuân Tân nói.
Theo ông Tân, việc người dân buôn bán ở ‘phố cà phê đường tàu’ và du khách đi lại lộn xộn trên đường ray để ‘check-in’ thực sự là mạo hiểm tính mạng. Sự mạo hiểm đó không chỉ với những cá nhân trực tiếp liên quan mà còn uy hiếp đến sự an toàn của những chuyến tàu, kéo theo đó là hàng trăm sinh mạng.
Lắp chuông cảnh báo khi tàu chạy qua Cư dân ‘phố cà phê đường tàu' cho biết, nhiều chuyên gia giao thông tư vấn cho họ các biện pháp an toàn cho người dân và du khách mà vẫn đảm bảo hoạt động du lịch. Cụ thể, kẻ đường vạch ranh giới hạn an toàn, gắn biển cảnh báo về các khu vực nguy hiểm để người lạ hiểu rõ độ nguy hiểm, lắp chuông cảnh báo tại các quán, hoặc chỉ kinh doanh trong một thời gian nhất định khi tàu chạy qua. |