“Với một triệu đôla và đầy đủ những thông tin nội gián cần thiết, bạn có thể trở nên khánh kiệt chỉ trong vòng một năm”.

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, các nhà đầu tư thường nói với nhau rằng: tin đồn là tin… chính xác nhất. Quả thực điều này đã xảy ra nhiều lần, do đó càng khiến cho người ta tin tưởng vào tin đồn và hình thành một chiến lược đầu tư gọi là đầu tư theo tin.

Từ khi thị trường chứng khoán ra đời đến nay, hiện tượng cổ đông nội bộ, cổ đông lớn, đội lái dùng thông tin nội gián và thao túng giá chứng khoán đã không ít lần làm cho thị trường chao đảo.

Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng từng thừa nhận việc điều tra, xử phạt hành vi vi phạm này rất khó. Mức phạt thấp, khung pháp lý chưa đầy đủ và nhất là giơ cao đánh khẽ đã khiến những vụ thao túng, giao dịch nội gián vẫn có đất sống. Cũng phải thừa nhận rằng, càng ngày cơ quan quản lý càng phát hiện ra nhiều vụ thao túng giá và áp những mức phạt hành chính cao nhất dù kết luận “không có khoản thu trái pháp luật từ hành vi vi phạm”.

Nhưng thực tế là có những người đã sử dụng thông tin nội gián để kiếm tiền tỷ. Chính vì vậy, chiến lược đầu tư theo tin không thể nói là không hiệu quả.

Song, ai là kẻ bất hạnh bị kẹt tại đỉnh khi sử dụng chiến lược này? Thông thường, họ là những người chậm chân - những người không thuộc “đội lái” để biết tin sớm hơn và khi thông tin đã được vô số người biết rồi mới đến lượt họ, chính là lúc chuẩn bị đi “đổ vỏ”.

Vì vậy, nếu quyết định đầu tư theo tin, bạn đừng quên nguyên tắc số 6 của Steve Lee: Hãy tự mình phân tích, quên đi những lời rỉ tai.

{keywords}

Nguyên tắc đó nói rằng, khi nghe được tin đồn nội gián, trước khi mua, bạn nên tự hỏi 4 câu hỏi sau:

1. Đã có bao nhiêu người đựơc nghe tin này trước khi đến tai bạn. Nếu nhiều người biết trước bạn, thì tin này đã quá trễ và giá đã lên cao rồi.

2. Tin này đã lan truyền bao lâu trước khi đến tai bạn. Mấy ngày rồi?

3. Ai mách tin này cho bạn? Người trong ban quản trị công ty? Hay chỉ là bè bạn?

4. Liệu bạn có khả năng nhận định tin đó xác thực không? Thông thường, tin nội gián thì không được tiết lộ.

Trả lời những câu hỏi này trước khi quyết định xuống tiền, để hạn chế phần nào việc tiền của bạn chảy vào túi kẻ khác.

Ngoài ra, câu chuyện về các huyền thoại đầu tư như George Soros và Warran Buffett có thể khiến bạn thấy việc đầu tư theo tin nội gián không cần thiết như thế nào.

George Soros từng được mệnh danh là “Người phá sập ngân hàng Anh” khi ông giành được chiến thắng trong vụ đầu tư trị giá 10 tỷ đôla vào đồng bảng Anh.

Thật ra không phải chỉ có mình ông biết điều đó, và ông cũng không phải là người duy nhất thu lãi lớn trong vụ đầu tư này. Bất cứ nhà đầu tư nào biết xem xét và phân tích vấn đề đều sẽ nhận ra những dấu hiệu chứng tỏ đồng bảng Anh sắp mất giá. Hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng ngàn doanh nhân khác cũng có thể kiếm được món tiền lớn như thế khi đồng bảng Anh thật sự mất giá so với đồng đôla. Thế nhưng chỉ có Soros biết nắm bắt cơ hội này và biến cơ hội đó thành 2 tỷ đôla lợi nhuận.

Dựa vào danh tiếng và uy tín sẵn có mà hiện nay cả Buffet và Soros đều dễ dàng tiếp cận với những người có địa vị cao trong giới tài chính, kinh doanh và cả các nhân vật quan trọng trong xã hội. Và người ta cho rằng nhờ vậy, họ có nhiều thông tin nội gián để kiếm những món tiền khổng lồ từ đầu cơ.

Tuy vậy, khi mới bước chân vào lĩnh vực đầu tư, họ chỉ là những người bình thường và không nhận được sự bất kỳ sự đón tiếp đặc biệt nào. Và thậm chí các khoản lãi từ cái thuở “hàn vi” đó còn nhiều hơn khi họ đã nổi tiếng.

Vì thế, việc trông chờ vào nguồn thông tin nội gián dưới bất cứ hình thức nào đều không giúp ích gì nhiều cho các nhà đầu tư.

Buffett cũng nói: “Với một triệu đôla và đầy đủ những thông tin nội gián cần thiết, bạn có thể trở nên khánh kiệt chỉ trong vòng một năm”.

(Theo Trí thức trẻ)