- ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) nhắc món nợ với cử tri trong vai trò ĐBQH của mình.

Tại phiên thảo luận tổ về các báo cáo nhiệm kỳ của QH, Chính phủ, các cơ quan nhà nước, nhiều ĐB bộc lộ tâm tư nhiệm kỳ ĐB của chính mình, trong đó có món nợ với cử tri.

Bà Phạm Khánh Phong Lan cho hay nhiều vấn đề muốn giúp cử tri giải quyết thỏa đáng vì lòng tin của dân nhưng lực bất tòng tâm. 

"Họ đến khóc với tôi thì tôi cũng chỉ biết khóc với họ chứ không biết làm thế nào, vì thấy vai trò của mình chẳng qua chỉ là chuyển thư", bà nói.

{keywords}
ĐB Phạm Khánh Phong Lan: Cử tri khóc chỉ biết khóc với cử tri

Theo bà, có thực trạng ĐB chưa được tranh luận thực sự trong quá trình làm luật. Trong khi, cơ chế tiếp thu của UBTVQH cũng khiến ĐB cũng không còn gì mà cãi vì "trước sau cũng thông qua". 

"Vì còn vài ý kiến chưa thống nhất mà không bấm nút thông qua toàn luật thì băn khoăn, nhưng bấm nút thông qua toàn luật thì thấy có tội. Từ ngày làm ĐBQH về ăn không ngon ngủ không yên, nghe cử tri mắng là đẻ luật sòn sòn nhưng không có chất lượng", bà nói.

Bấm nút mà áy náy

Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đồng tình rằng quy trình làm luật vẫn còn hình thức, thiếu cầu thị là nguyên nhân khiến ĐB "không bấm nút thông qua luật thì không hoàn thành trách nhiệm, bấm nút thì áy náy trăn trở suốt cả thời gian sau đó, vì có những điều luật mình không đồng ý, thấy không thể đi vào thực tiễn".

{keywords}
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm: Làm luật còn hình thức

ĐB Võ Thị Dung cho rằng, nguyên nhân "nợ" là do sự quan liêu của các cơ quan nhà nước: "Mình tâm huyết, đi giám sát vụ việc khiếu nại, nhưng gửi đến Tòa án thì được trả lời 'không có gì mới' vì họ không đọc".

Bà Dung cho hay, kết thúc nhiệm kỳ có những vụ việc đeo đuổi không hoàn thành được nên tự đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ ĐB. 

"Thủ tục quan liêu trong hệ thống hành pháp, tư pháp là rào cản đối với những ĐB tâm huyết, muốn giải quyết bức xúc cho dân", bà cho hay.

Đâu phải cứ đại học, tiến sĩ là chất lượng

ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) trăn trở việc "muốn nâng cao chất lượng nhưng vẫn phải đảm bảo cơ cấu, thành phần, tính đại diện".

"Có phải cứ đại học, tiến sĩ là chất lượng đâu, nông dân chế tạo đủ các loại máy. Nghĩa là ĐB cần có kinh nghiệm cuộc sống, bản lĩnh, dám nói và nói đúng vấn đề", ông Đương nói.

Nhưng theo ông, có nhiều ĐB có tuổi nhưng phát biểu mạnh dạn, tư duy trẻ trung (như ĐB Trần Du Lịch) nhưng nhiều ĐB trẻ phát biểu rất ít. ĐB chuyên trách địa phương cũng phát biểu nhiều, chất lượng vì họ nắm bắt và va chạm thực tiễn...

{keywords}
ĐB Đỗ Văn Đương: ĐB "đầu xanh nhưng từ duy già cỗi, máy móc" viết ra văn bản luật dài dòng văn tự

Theo ông Đương, chính những ĐB "đầu xanh nhưng tư duy già cỗi, máy móc" mới viết ra những văn bản luật dài dòng văn tự, "trong khi luật phải như câu ca dao, dễ nhớ, dễ vận dụng".

ĐB TP.HCM tha thiết đề nghị QH coi trọng và khuyến khích nhưng người thực sự có đóng góp: "Làm người đều muốn có danh gì với núi sông, không phải là chức vụ mà là đóng góp cho dân, cho nước, khi nắm mắt xuôi tay không có gì ân hận".

Tại tổ Hà Nội, Phó chủ nhiệm UB Tư pháp QH Nguyễn Đình Quyền cũng mong khóa tới sẽ có những người "tử tế, bản lĩnh, năng lực" được bầu vào QH.

{keywords}
ĐB Nguyễn Đình Quyền: ĐBQH phải tử tế, bản lĩnh, thực sự vì dân

"Chúng ta ý thức được rằng đằng sau mỗi ĐB là 200 nghìn người dân, 500 ĐB đại diện cho gần 100 triệu người dân, trách nhiệm không hề nhỏ", ông Quyền nói.

"Bài học đầu tiên với QH là bài học về nhân sự. Nhiệm kỳ qua vẫn để những ĐB không xứng đáng vào QH, phải bãi nhiệm, chúng tôi thấy đau lòng, xót xa", ông nói và mong QH khóa tới phải chọn người cho trúng, cho đúng, chọn những người thực sự vì dân.

C.Hoàng - H.Nhì - T.Hạnh - Ảnh: Phạm Hải