Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 10/4, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 3.
Ông Bình cho biết, cử tri và Nhân dân cả nước lo lắng về tình trạng nhiều doanh nghiệp cắt giảm lao động, số lượng người muốn rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng ảnh hưởng đến mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân và gây ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội; giải pháp bình ổn giá, kiểm soát lạm phát có khả năng xảy ra khi thực hiện tăng lương cơ sở từ ngày 1/7.
Ban Dân nguyện cũng nhắc đến vụ việc ông Lã Văn Tân, trú tại thôn Quỳnh Cao, xã Cam Thượng, huyện Ba Vì, TP Hà Nội, đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội do đã có thời gian tham gia đóng được hơn 20 năm.
Theo Ban Dân nguyện, đây là vụ việc kéo dài từ năm 2016 cho đến nay, nguyên nhân là do việc Sở LĐ-TB&XH và Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội chưa giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho ông Tân theo chỉ đạo của Bộ LĐ-TB&XH và UBND TP Hà Nội.
Ngày 27/2 vừa qua, Ban Dân nguyện đã có đã có công văn chuyển đơn của ông Lã Văn Tân đến Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Tổng GĐ Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Chủ tịch UBND TP Hà Nội để xem xét, chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền, đúng quy định pháp luật.
Ngày 22/3, Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội đã có công văn về việc báo cáo xem xét tính thời gian công tác đối với ông Lã Văn Tân. Theo đó, ngày 6/3, Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội tổ chức cuộc họp liên ngành với Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội. Hai bên đã thống nhất báo cáo UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ LĐ-TB&XH,, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét cho tính thời gian công tác để giải quyết chế độ BHXH đối với ông Lã Văn Tân.
Ban Dân nguyện đề nghị UBND TP Hà Nội đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan có liên quan giải quyết dứt điểm chế độ bảo hiểm xã hội đối với ông Lã Văn Tân.
Đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động
Ông Bình nhắc đến vụ việc liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng lao động với công nhân của Công ty TNHH PouYuen Việt Nam ở phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP.HCM. Mặc dù Công ty PouYuen đã tổ chức 17 đợt gặp mặt với 2.350 công nhân lao động (vắng 8 công nhân) trong diện bị chấm dứt hợp đồng để tiến hành thỏa thuận các phương án hỗ trợ, trợ cấp, thanh toán tiền lương, thưởng và các chế độ chính sách bảo hiểm sau khi chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đạt sự đồng thuận giữa các bên.
Lợi dụng việc người lao động bị mất việc bị khấu trừ 10% trợ cấp mất việc, một số đối tượng đã xuyên tạc, kích động, kêu gọi công nhân, người lao động của Công ty PouYuen đình công để phản đối về việc giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động gây tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự.
Vì vậy, Ban Dân nguyện đề nghị Chính phủ chỉ đạo UBND TP.HCM chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan phối hợp chặt chẽ với Công ty PouYuen để giải pháp đồng bộ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động bị giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động.
Cùng với đó là kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng sự việc để xuyên tạc, kích động người lao động đình công gây phức tạp về an ninh, trật tự trên địa bàn.
Theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam, trong giai đoạn 2016 - 2021, cả nước có hơn 4 triệu người lao động đề nghị và được giải quyết hưởng BHXH một lần. Như vậy, bình quân mỗi năm có gần 700 nghìn người hưởng BHXH một lần, số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước, với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 11,6%. |