Hoạt động của mỗi gia đình truyền thống ngày xưa (thường là nghèo khó), con cái đang trong tuổi lao động sẽ có trách nhiệm, nghĩa vụ và tình cảm phụng dưỡng thế hệ bố mẹ, ông bà đã già yếu. Nên cổ nhân có câu "đông con nhiều phúc" là vì thế. Gia đình nào có nhiều con thì cơ hội cao là khi về già có đứa con đủ khả năng chăm sóc bố mẹ. Hoặc ngay cả khi cuộc sống khó khăn quá thì mỗi con góp một phần nuôi dưỡng bố mẹ cũng khả dĩ hơn.
Hệ thống hưu trí hiện đại được quản lý bằng những quy định chi tiết, phức tạp, nhưng cơ bản vẫn vận hành theo phương thức này trên quy mô toàn xã hội, những người đi làm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) để chăm sóc những người đã nghỉ hưu.
Thực tế, tiền của những người đang đóng BHXH không phải là tích lũy một chỗ quỹ nào đó để dành sau này rút ra trả lương hưu cho bản thân mình khi về già. Số tiền đóng vào ở thời điểm hiện tại được sử dụng ngay để chăm lo cho chính nhóm người cao tuổi hưu trí của đất nước.
Thỉnh thoảng lại rộ lên trên mạng xã hội bài viết đo đếm tiền đóng bảo hiểm của mỗi người lao động, so sánh với lãi suất tiết kiệm gửi ngân hàng rồi ngồi tính số tiền lương hưu sau này sẽ được hưởng. Thậm chí, cả ý kiến kết luận là đóng bảo hiểm để lấy lương hưu là thiệt về tài chính cho người đóng mà quên cái gốc vận hành của quỹ BHXH là người đi làm nuôi người nghỉ hưu.
Tất nhiên, vẫn có những khoản chi của BHXH cho chính lực lượng lao động hiện hành như chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn... nhưng nguồn chi chủ yếu vẫn là chi vào lương hưu. "Team" đang đi làm hiệu suất lao động càng cao thì "team" hưu trí càng được chăm sóc nuôi dưỡng chất lượng.
Một điều mà những người share bài viết tính toán số tiền đóng BHXH với số tiền gửi lãi suất ngân hàng quên không tính là lương hưu luôn được Nhà nước điều chỉnh theo mặt bằng giá cả của xã hội. Việc này để đảm bảo khoản lương hưu dù thấp so với tiền lương người đang đi làm, nhưng vẫn đủ cho các khoản chi phí sinh hoạt cơ bản, điều mà tiền gửi ngân hàng hưởng lãi suất không bao giờ có được.
Những người đi làm (như cá nhân tôi) đang đóng mức phí BHXH ở mặt bằng thu nhập bình quân đầu người Việt Nam gần 4.000 USD/năm, nhưng ở thời điểm nghỉ hưu, giả sử thu nhập bình quân đầu người khi đó là 20.000 USD/năm thì bọn trẻ con (ở thời điểm hiện tại) đang đi làm khi đó vẫn tính lương hưu cho tôi đủ để sống với mặt bằng giá khi đó, chứ không chỉ trả cho tôi số tiền tương ứng với bình quân khoảng thời gian tôi đóng bảo hiểm 4.000 USD.
Một thí dụ trực quan khác là thế hệ bố mẹ tôi nghỉ hưu thời kỳ đất nước còn kinh tế bao cấp, khi thu nhập bình quân đầu người Việt Nam chưa đầy 200 USD/năm, nhưng Nhà nước không trả lương hưu cho các cụ ở mức hồi đó mà vẫn bù trượt giá để tiền hưu đủ trang trải chi phí sinh hoạt cơ bản của thời điểm 4.000 USD hiện tại. Chưa kể một phần rất quan trọng là chi phí y tế, người già là rất lắm bệnh và tiền khám chữa bệnh cao hơn hẳn so với các lứa tuổi trẻ hơn.
Hiện tượng những người rút BHXH một lần khá phổ biến trong thời gian vừa qua tất nhiên là có những lý do cá nhân cụ thể để quyết định việc đó. Còn nói họ làm đúng hay sai cũng chỉ là một khái niệm tương đối. Nhưng về bản chất, đó là nhóm người đang trong tuổi lao động từ bỏ nghĩa vụ nuôi dưỡng những người đang nghỉ hưu.
Cái thiệt thòi là khi họ về già, thế hệ lao động khi đó cũng không có nghĩa vụ hay trách nhiệm phải chăm sóc họ.
Nước Pháp đang có làn sóng phản ứng vì luật lao động nâng tuổi nghỉ hưu thêm 2 năm nữa có rất nhiều nguyên nhân phức tạp, nhưng vẫn không ra khỏi cái gốc trong chuyện này là dân số Pháp đang già hóa, số người nghỉ hưu ngày một nhiều. Muốn duy trì được mức sống của nhóm người hưu trí thì nhóm người đi làm cần phải chăm chỉ kéo dài thời gian lao động của mình thôi. Có điều nhóm đi làm không cảm thấy thế là hợp lý, vẫn muốn được nghỉ hưu ở thời điểm như thế hệ trước, nên mới biểu tình như hiện nay.
Hoàng Trọng Hiếu