Trao đổi với VietNamNet về tình trạng nhiều doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho biết, BHXH là sự đảm bảo thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ BHXH.

Tuy nhiên, tình trạng trốn đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) có diễn biến ngày càng phức tạp. Nếu để tình trạng này kéo dài cùng với việc số lượng lớn người lao động gần đây rút BHXH một lần, sẽ gây hệ lụy tiêu cực rất lớn cho xã hội, đi ngược lại các mục tiêu trong chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

Ông Diệp Năng Bình thông tin, Luật BHXH 2014 nghiêm cấm những hành vi chậm, trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN.

Về mức xử phạt vi phạm hành chính, tại khoản 5 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền 12%-15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BHTN tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính.

Số tiền phạt vi phạm tối đa không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN; đóng BHXH, BHTN không đúng mức quy định mà không phải là trốn đóng…

Doanh nghiệp trốn đóng BHXH gây ra khó khăn cho người lao động. (Ảnh minh họa: Thành Tùng)

Nghị định 12 cũng quy định phạt tiền 50-75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, các doanh nghiệp trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động còn có thể bị xử phạt hình sự theo Điều 216 Bộ luật Hình sự, phạt tù từ 1 -5 năm tùy thuộc mức độ vi phạm.

Chưa có vụ việc nào đưa ra truy tố, xét xử

Theo luật sư Diệp Năng Bình, hành vi gian dối để không đóng, không đóng đầy đủ tiền BHXH là trường hợp cố ý không kê khai hoặc kê khai không đúng thực tế việc đóng BHXH cho người lao động của người sử dụng lao động với cơ quan có thẩm quyền. Thời gian của hành vi trốn đóng BHXH là từ 6 tháng trở lên.

Người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 216 Bộ luật Hình sự trong trường hợp đã bị xử phạt hành chính về hành vi trốn nợ, không đóng BHXH nếu thỏa mãn điều kiện: Trốn đóng bảo hiểm từ 50 triệu đồng đến dưới 30 triệu đồng; Trốn đóng bảo hiểm từ 10 người đến dưới 50 người lao động.

Tuy nhiên, theo luật sư, thực tiễn áp dụng lại vướng mắc trong việc xác định thủ đoạn khác và phân biệt với trường hợp chậm đóng BHXH vì lý do khách quan.

Hơn nữa, Điều 216 quy định dấu hiệu bắt buộc để xử lý hình sự với cá nhân là đã bị xử phạt hành chính về hành vi trốn đóng BHXH mà còn vi phạm, do vậy đến nay chưa có vụ việc nào được đưa ra truy tố, xét xử.

Theo ông Bình, tuy đã có mức hình phạt cụ thể đối với từng trường hợp nợ, trốn đóng BHXH của doanh nghiệp, nhưng có một vấn đề mà các cơ quan nhà nước cần phải cụ thể về việc xác định hành vi “Gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác” của người có nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động.

Qua đó, cần tạo điều kiện cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội trong quá trình xử lý hình sự.

Việc phạt tiền đối với tổ chức vi phạm là chưa có tính răn đe, cần phải có quy định rõ việc phạt tiền đối với người đứng đầu hoặc người đại diện theo pháp luật của tổ chức đó ở mức độ nhất định,… từ đó làm căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự đối với cá nhân khi có yếu tố xác định phạm tội tại Điều 216.

Một chuyên gia lao động cho rằng, các cơ quan Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý BHXH. Do vậy cần có sự rà soát, thanh tra thường xuyên về việc đóng BHXH cho người lao động của các doanh nghiệp. Có như vậy mới phát hiện được lỗ hổng trong khâu quản lý cũng như quy chế làm việc của các doanh nghiệp hiện nay.

Việc rà soát, thanh tra giúp cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt được tình hình hoạt động của các doanh nghiệp có đảm bảo quyền lợi của người lao động hay không. Chỉ như vậy người lao động mới yên tâm làm việc, cống hiến và đảm bảo sự ràng buộc pháp luật giữa người lao động và người sử dụng lao động.