Sáng nay (23/5), tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp, Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho hay, cử tri và nhân dân bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và sự chỉ đạo, điều hành có hiệu quả của Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến. Ảnh: Quốc hội

Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân cũng bày tỏ sự bất bình, phẫn nộ trước những hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân, tổ chức lợi dụng các chính sách của Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 để trục lợi.

Cử tri mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức sai phạm, không bỏ lọt tội phạm.

Cử tri cũng bày tỏ mong muốn được biết tình hình kết quả nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng, chống Covid-19 hiện nay như thế nào, bởi thực tế Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm, đầu tư nguồn kinh phí khá lớn để thực hiện.

Cử tri bày tỏ sự quan tâm và lo lắng về áp lực lạm phát gia tăng, nhất là do giá đầu vào tăng như: xăng, dầu, thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu, vật tư nông nghiệp... Thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp còn tiềm ẩn rủi ro, xảy ra một số sai phạm nghiêm trọng có thể dẫn tới lũng đoạn thị trường cần được các cơ quan chức năng tập trung xử lý.

Những mong muốn được cử tri đề cập đó là Nhà nước sớm có giải pháp hữu hiệu, kịp thời hơn nữa để thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh, ổn định. Cần theo dõi và kiểm soát chặt chẽ lạm phát nếu giá cả tiếp tục tăng lên, giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu để tránh đầu cơ trục lợi, gây tổn hại cho nền kinh tế và đời sống của nhân dân cả nước...

Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri còn băn khoăn, lo lắng về việc nếu đưa môn Lịch sử là môn học tự chọn ở bậc THPT có thể sẽ gây ra hậu quả, hệ lụy khó lường; việc đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ; công tác quản lý, nghiên cứu khoa học chưa nghiêm túc, chưa bảo đảm chất lượng rất đáng lo ngại.

Phẫn nộ về tình trạng tham nhũng, tiêu cực

Về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cử tri bày tỏ tin tưởng vào quyết tâm của Đảng và Nhà nước đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm; đồng tình về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh...

Nhân dân ghi nhận Đảng và Nhà nước tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử công khai các vụ án tham nhũng lớn, xử lý nghiêm khắc cán bộ sai phạm, kể cả cán bộ cấp cao, như vụ án nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19 tại Công ty cổ phần công nghệ Việt Á; vụ án “Nhận hối lộ” khi tổ chức các chuyến bay đưa người Việt Nam ở nước ngoài về nước trong đại dịch Covid-19; vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán” ở Tập đoàn FLC; “đấu giá đất bất bình thường” và phát hành trái phiếu trái pháp luật của Công ty Tân Hoàng Minh; vụ buôn lậu xăng giả ở Đồng Nai, Quảng Ngãi…; xem xét kỷ luật nhiều cán bộ, đảng viên có chức vụ cao đang công tác hoặc đã nghỉ hưu “hạ cánh cũng không an toàn” như ở Học viện Quân y, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam.

Song, cử tri cũng bất bình, lên án mạnh mẽ, phẫn nộ về tình trạng tham nhũng, tiêu cực, mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp tục triển khai quyết liệt hơn nữa công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là với những cán bộ, đảng viên có chức, có quyền; thực hiện hiệu quả, thu hồi tối đa tài sản tham nhũng, giám sát chặt chẽ việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức…

Cử tri và nhân dân mong muốn cần sớm xem xét, xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức có hành vi thao túng, lũng đoạn thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản…

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam kiến nghị với Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo một số nội dung.

Theo đó, tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các chương trình phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội; theo dõi, giám sát chặt chẽ chỉ số lạm phát, giá cả một số mặt hàng chiến lược như xăng, dầu, vật tư sản xuất nông, lâm nghiệp; điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng.

Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét một cách thận trọng, đánh giá khách quan, toàn diện chương trình cải cách giáo dục phổ thông, nhất là việc đưa môn Lịch sử ở bậc THPT là môn học tự chọn. Cần đổi mới cách dạy và học như thế nào, để nâng cao chất lượng, chứ không nên để môn Lịch sử là môn học tự chọn…

Hương Quỳnh

Kinh tế xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, củng cố niềm tin của nhân dânKinh tế xã hội những tháng đầu năm có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân.