Rõ ràng đất nước đang quá cần một quy hoạch tổng thể quốc gia. Các bộ, ngành cần ngồi lại với nhau để có tiếng nói chung. Còn cứ tình trạng dự thảo luật trình ra QH mà còn nói ngược, “phản pháo” giữa các bộ, ngành, thiết nghĩ “tư lệnh” các bộ, ngành cần nhìn lại để sớm chấn chỉnh!
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH - ĐT) Nguyễn Chí Dũng trong cuộc họp trình ra trước UBTVQH hôm qua về Luật Quy hoạch, rất bức xúc khi các bộ, ngành vẫn “phản pháo” lại với nhiều ý kiến khác nhau!
Vì sao việc làm Luật Quy hoạch được bàn nhiều, đã lấy ý kiến của đủ các thành viên Chính phủ mà khi trình ra QH xem xét vẫn có những tiếng nói ngược chiều như thế?
Rõ ràng quy hoạch đang là vấn đề rất nóng bỏng! Quy hoạch cần phải đi trước, phải xây dựng cho được một quy hoạch tổng thể chuẩn chỉ mang tầm quốc gia.
Quy hoạch ấy phải được xây dựng bằng những trí tuệ sáng tạo và thông minh, bằng con mắt chiến lược dài xa, bài bản. Bộ KH - ĐT chính là cơ quan soạn thảo, là “linh hồn”, là người “thiết kế” cho bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước, không chỉ cho hôm nay mà cho cả những xa dài mai sau!
Trách nhiệm nặng nề đặt lên vai của bộ trụ cột, cần có những chuyên gia am tường, những nhà khoa học chuyên sâu để đủ tầm vóc trí tuệ mới có thể xây dựng tổng thể quy hoạch cho đất nước có bài, có bản.
Muốn đạt được mục tiêu ấy, phải bắt đầu từ xây dựng Luật Quy hoạch sao cho chặt chẽ, chỉn chu. Nhìn lại tất cả các quy hoạch ở các bộ, ngành, các địa phương, đủ các lĩnh vực đang là vấn đề “đẻ” ra quá nhiều bất cập. Quy hoạch nào cũng như bị làm méo mó, bị “băm nát”, phải chỉ thẳng vì đâu, do đâu?
Vì sao có tình trạng làm quy hoạch chồng chéo, cát cứ? Liệu có lợi ích nhóm vụ lợi chen vào từ khi làm quy hoạch không? Rõ ràng là có, một con đường mới mở của Thủ đô là đã có “xi nhan” chỉ trỏ bán mua đất đai loạn xạ.
Đất nước đã từng bỏ ra tới 8.200 tỷ đồng để làm quy hoạch mà vẫn chả đâu vào đâu, Bộ KH - ĐT phải coi đó là quá xót xa.
Nhìn lại xem hệ thống ngân hàng một thời cho mở loạn có nằm trong quy hoạch tổng thể quốc gia không? Các trường ĐH cho mở ra như nấm sau mưa, ai vẽ ra quy hoạch, ai nghĩ ra những chỉ tiêu tuyển sinh của trường này, trường kia? Chỉ tiêu tuyển sinh vẽ ra trên cơ sở nào hay là chuyện xin - cho? Tình trạng đô thị hóa quá nhanh, cả nước 500 đô thị, giờ là con số 800 đô thị mà hạ tầng như chạy theo, đuổi theo, vắt chân không lo kịp, Bộ Xây dựng và Bộ KH - ĐT, lãnh đạo các tỉnh, thành nói gì?
Nghẽn tắc ở hai thành phố lớn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, gây ô nhiễm không khí kiểm soát không nổi, thì việc cấp phép xây cao ốc vút cao có tôn trọng quy hoạch không, hay quyền uy ký tá tùy hứng? Nhìn quanh các đô thị lớn nhỏ là các khu công nghiệp, các nhà máy với công nghệ thiết bị cũ mèm vài thế hệ, thế giới họ bỏ đi, sao chúng ta cứ cố “bê về”? Rồi sông hồ ô nhiễm, nước ngầm, nước mặt cũng ô nhiễm, Bộ TN - MT có hay, liệu đã có giải pháp nào chặn lại?
Phải nhìn rõ không có quốc gia nào người ta quy hoạch các khu công nghiệp, xây dựng các nhà máy bao vây các đô thị, chen vào sống chung với cả khu dân cư như ở nước ta?
Vậy phải có quy hoạch tổng thể, phải có Luật Quy hoạch “để soi”, để giám sát cách làm quy hoạch ngẫu hứng, tùy nghi của những tư duy nhiệm kỳ bấy lâu còn đeo bám?
Đất nước đổi mới! Nhưng chính mỗi bộ, ngành hình như chưa chịu soi vào chính mình để đổi mới thật sự chăng? Có hay không chuyện ai cũng cho mình giỏi mình tài, không chịu phục ai, nên phát ngôn trái chiều, “nói ngược”.
Những tiếng nói trí tuệ, thông minh, có tầm quốc sách “cao kiến”, cho dù không thuận tai, lại chính là những tiếng nói cần lắng nghe. Còn những tiếng nói ngược, thiếu tâm huyết, không vì lợi ích chung của đất nước, ngại khó, sợ khổ, sao có thể chấp nhận? Nếu quan điểm còn gì chưa thống nhất, phải bàn cho kỹ, tranh luận phản biện, mổ xẻ đến cùng để có tiếng nói chung. Nhưng khi đã tán thành, nhất trí, không thể “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”? Kỷ cương phép nước là ở đó. Niềm tin của người dân nhìn vào lãnh đạo từ vĩ mô cũng là ở đó.
Trong các bộ, ngành có còn không tư duy cố níu kéo, còn có những “so đo” cấn cá, những cách nghĩ lỗi thời? Phải chăng “lợi ích nhóm” chen vào, hay cái vấn nạn “xin - cho” còn nặng nề đeo bám nên còn nuối tiếc chi mà không chịu rời ra?
Quy hoạch tổng thể quốc gia không thể ôm đồm cái gì cũng cần cũng phải có như ô thuốc bắc! Bộ, ngành nào, địa phương nào cũng “cát cứ” co kéo cái lợi riêng, sao có được cái chung tổng thể?
Phải dũng cảm vứt bỏ đi những cái không cần thiết. Phải “lao tâm khổ tứ” dồn sức xây dựng cho được quy hoạch tổng thể chuẩn mực. Đó mới là tư duy tỉnh táo, thức thời khi hội nhập.
Rõ ràng đất nước đang quá cần một quy hoạch tổng thể quốc gia. Các bộ, ngành cần ngồi lại với nhau để có tiếng nói chung. Còn cứ tình trạng dự thảo luật trình ra QH mà còn nói ngược, “phản pháo” giữa các bộ, ngành, thiết nghĩ “tư lệnh” các bộ, ngành cần nhìn lại để sớm chấn chỉnh!
Hà Phương/ theo Đại biểu Nhân dân
*Tiêu đề bài viết do Tuần Việt Nam đặt