Hưởng lợi kép?
Anh Trần Thanh Quang ở Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, gần đây có một nhân viên ngân hàng quen, gọi điện mời vay tiêu dùng thế chấp sổ tiết kiệm. Nhân viên này tư vấn, hiện ngân hàng có gói cho vay tiêu dùng với lãi suất thấp. Nếu anh có sổ tiết kiệm gửi ở ngân hàng khác có thể mang thế chấp để vay vốn. Khách hàng sẽ được vay 90% giá trị của sổ tiết kiệm, được giải ngân nhanh. Sau đó, có thể sử dụng số vốn này theo nhu cầu hoặc có thể mang đến gửi tại ngân hàng khác với lãi suất tiết kiệm cao hơn để hưởng lợi.
Anh Quang kể, nhân viên của ngân hàng này cho hay đang có gói cho vay tiêu dùng với lãi suất chỉ 6,5%/năm. Khách hàng có sổ tiết kiệm ở ngân hàng khác, có thể mang đến cầm cố để vay.
Chẳng hạn, với sổ tiết kiệm 10 tỷ đồng khách hàng gửi ở một ngân hàng khác, kỳ hạn 12 tháng, lãi suất 7,5%/năm, mới gửi được 3 tháng. Nếu cần tiền đột xuất để mua nhà, mua xe,... mà thế chấp sổ tiết kiệm tại ngân hàng gửi để vay sẽ bị tính lãi suất cho vay bằng lãi suất gửi tiết kiệm cộng với biên độ từ 1,5-2,5%/năm nữa, tính ra tới 9% trở lên.
Liệu có hiện tượng khách hàng cầm cố sổ tiết kiệm vay lãi suất thấp rồi đem gửi ngân hàng khác có lãi suất cao để hưởng lợi kép? |
"Nếu mang sổ tiết kiệm này sang ngân hàng chúng em cầm cố để vay tiêu dùng, sẽ được vay tối đa 9 tỷ đồng với lãi suất 6,5%/năm cho kỳ hạn 9 tháng, đúng bằng thời gian còn lại của số tiết kiệm", nhân viên này chào mời.
Như vậy, khách hàng sẽ chịu lãi suất vay thấp hơn hẳn so với vay ngay tại ngân hàng mình gửi tiết kiệm. Nếu không cần tiền gấp, khách hàng vẫn có thể mang sổ tiết kiệm đến cầm cố và mang số tiền này đi gửi ở một ngân hàng khác với lãi suất kỳ hạn 9 tháng cao nhất hiện nay là 7,2% /năm, như vậy sẽ được hưởng lợi một khoản không hề nhỏ.
Ngoài lãi suất 7,5%/năm của 10 tỷ đồng gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng còn được hưởng lãi suất 7,2% của 9 tỷ đồng với kỳ hạn 9 tháng. Sau đó trừ đi lãi suất vay tiêu dùng 6,5%/năm vẫn được hưởng 0,7 điểm phần trăm/năm nữa.
Theo anh Quang, nếu lãi suất cho vay tiêu dùng cầm cố bằng sổ tiết kiệm mà chốt ở mức thấp như vậy cho cả kỳ hạn vay thì tính ra sẽ rất có lợi. Có thể mang sổ tiết kiệm đi cầm cố để vay tiêu dùng với lãi suất thấp. Khi vay xong, chỉ cần chọn một ngân hàng có lãi suất cao nhất, gửi kỳ hạn bằng đúng thời gian còn lại của sổ tiết kiệm, gửi online càng tốt, như vậy sẽ được hưởng lợi kép.
Tuy nhiên, anh Quang băn khoăn không biết có đúng như vậy không, bởi cho vay tiêu dùng thì lãi suất thấp thường chỉ ưu đãi cho kỳ hạn đầu khoảng 3-6 tháng, sau đó sẽ thả nổi, bằng lãi suất huy động cộng thêm biên độ.
Nhưng nhân viên ngân hàng này lại cho biết, vay cầm cố sổ tiết kiệm là gói chuyên biệt của “ngân hàng chúng em”, và chỉ chấp nhận những sổ còn thời hạn tính đến ngày tất toán từ 12 tháng trở xuống nên lãi suất vay được chốt cố định, chứ không thả nổi về sau.
Các ngân hàng đang trong tình trạng thừa tiền, đang đẩy mạnh cho vay tiêu dùng. |
Có dễ thực hiện?
Phải chăng nhiều ngân hàng trong tình trạng thừa tiền đang quyết tâm đẩy mạnh cho vay tiêu dùng để đạt tăng trưởng tín dụng cao vào cuối năm, vì vậy, tìm mọi cách để thu hút người vay? Với cách làm này cả ngân hàng và khách hàng đều có lợi?
Trên mạng có rất nhiều lời quảng cáo, giới thiệu về vay thế chấp sổ tiết kiệm. Đây là hình thức vay thế chấp tài sản tại ngân hàng, khi khách hàng có sẵn một sổ tiết kiệm trong ngân hàng thì có thể sử dụng sổ tiết kiệm đó để vay một nguồn vốn nhất định. Lãi suất vay thế chấp sổ tiết kiệm tùy vào quy định của từng ngân hàng. Đây cũng chính là ưu điểm nổi bật của hình thức vay thế chấp sổ tiết kiệm bởi ngân hàng đã được bảo đảm khoản vay bằng tài sản của khách hàng.
Hiện nay, rất nhiều ngân hàng có các chương trình khuyến mãi hấp dẫn dành cho khách hàng có nhu cầu vay thế chấp sổ tiết kiệm. Có ngân hàng còn nhận cầm cố cả sổ tiết kiệm của ngân hàng khác, thay vì trước đây chỉ chấp nhận sổ tiết kiệm do chính mình phát hành.
Theo các chuyên gia ngân hàng, cầm cố sổ tiết kiệm để vay vốn nhằm giải quyết nhu cầu gấp của khách hàng được nhiều ngân hàng trên thế giới triển khai. Tuy nhiên, các ngân hàng cũng rất hạn chế bởi có thể gây ra tín dụng “ma”, tín dụng “ảo”. Với tình hình hiện nay, rất dễ xảy ra tình trạng ngân hàng đẩy vốn vào cho vay tiêu dùng để tăng tín dụng “ảo”.
Cuối tháng 9/2019, Ngân hàng Nhà nước đã cảnh báo về việc các ngân hàng dễ dàng cho khách hàng cầm cố sổ tiết kiệm dưới hình thức đăng ký vay thấu chi mà không quan tâm đến mục đích sử dụng của khoản vay. Tuy nhiên, với việc chuyển sang cho vay tiêu dùng, có vẻ sẽ không còn bị ảnh hưởng.
Các ngân hàng cho rằng, hầu hết khách hàng cầm cố sổ tiết kiệm để vay vốn do nhu cầu đột xuất, việc tính toán chuyển tiền qua ngân hàng khác để gửi lãi suất cao hơn là khó. Nhưng với việc ngân hàng nhận cầm cố cả sổ tiết kiệm của ngân hàng khác và chốt lãi vay tiêu dùng thấp cho cả kỳ hạn thì điều này có thể làm được.
Trần Thủy