HĐQT CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) vừa thông qua Nghị quyết tạm ứng cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt tỷ lệ 20% (tương đương 2.000 đồng/cp). Nguồn vốn trả cổ tức sẽ lấy từ lợi nhuận giữ lại chưa phân phối đến 31/12/2019.

Với gần 182 triệu cổ phiếu đang lưu hành, dự kiến VHC sẽ chi hơn 360 tỷ đồng để trả cổ tức.

Đây là một tín hiệu khá tích cực đối với VHC. Vĩnh Hoàn của bà Trương Thị Lệ Khanh là một doanh nghiệp thủy sản chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 với kết quả kinh doanh giảm khá mạnh trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, thời điểm khó khăn nhất đã qua đi và doanh nghiệp này có thể sẽ chứng kiến hoạt động kinh doanh sẽ khởi sắc trong nửa cuối năm.

Theo báo cáo mới nhất, doanh thu xuất khẩu sang châu Âu trong tháng 8 của VHC tăng ấn tượng 40% sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực kể từ đầu tháng 8.

Trong khi đó, doanh thu xuất khẩu sang Mỹ duy trì ổn định. Ngược lại, doanh thu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sụt giảm đáng kể.

Trong tháng 8, tổng doanh thu của VHC giảm nhẹ 5% so cùng kỳ, chủ yếu do sự sụt giảm doanh số của các sản phẩm cá tra. Tuy vậy, việc kinh doanh tích cực của các dòng sản phẩm tốt cho sức khỏe, sản phẩm giá trị gia tăng cao bù lại phần nào sự đi xuống của mảng chủ lực cá tra.

Theo CTCK BSC, dây chuyền mở rộng Collagen và Gelatin (tăng 75% công suất lên 3.500 tấn thành phẩm/năm) sau khi hoàn thành vào cuối tháng 8/2020 có thể đóng góp doanh thu và lợi nhuận từ cuối năm 2020 trở đi.

{keywords}
Bà Trương Thị Lệ Khanh.

Nhu cầu phục hồi khi dỡ bỏ giãn cách và kênh HORECA (nhà hàng, khách sạn, quán ăn…) hoạt động trở lại

BSC kỳ vọng nhu cầu của thị trường sẽ hồi phục sau khi các lệnh giãn cách xã hội được dỡ bỏ. Đồng thời, do mức tồn kho cá tra tại các thị trường ở mức thấp do gián đoạn thương mại trong 6 tháng đầu năm sẽ kích thích các nhà nhập khẩu thủy sản tăng cường nhập hàng trong thời gian đầu sau khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa.

Cũng theo BSC, việc Vĩnh Hoàn đã có kinh nghiệm vận hành nhà máy Collagen và Gelatin trong 5 năm và nhu cầu Collagen hiện vượt quá công suất sẽ giúp việc dây chuyền mới đi vào hoạt động nhanh hơn, cũng như ít gặp rủi ro khi mới đi vào vận hành hơn.

Trên thị trường, giá cổ phiếu VHC hiện đang giao dịch ở mức gần 44.000 đồng/cp.

VHC là một trong các doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt dồi dào, kết quả của những năm tháng ăn nên làm gia.

Mặc dù gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19 nhưng nhiều doanh nghiệp Việt vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh khá tốt và trả cổ tức cao.

Nhựa Bình Minh vừa công bố tạm ứng cổ tức tiền mặt đợt 1/2020 tỷ lệ 28,4%, dự kiến chia trong tháng 10. Với gần 82 triệu cổ phiếu đang lưu hành, số tiền công ty dự chi để tạm ứng cổ tức là hơn 232 tỷ đồng. Trong năm 2020, Nhựa Bình Minh đặt mục tiêu doanh thu tăng 5% đạt 4.560 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế tăng 10% lên 465 tỷ đồng.

CTCP Meinfa (MEF) gần đây gây bất ngờ khi trả cổ tức cao gấp đôi thị giá. MEF trả cổ tức tỷ lệ 35%, tương đương 3.500 đồng/cp, cao gấp đôi thị giá 1.600 đồng/cp khi công bố thông tin.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 25/9, chỉ số VN-Index giảm nhẹ và quay ngưỡng 910 điểm.

Theo BSC, VN-Index sẽ nhận được sự hỗ trợ từ vùng 900-905 điểm trong phiên cuối tuần. Chỉ số có thể lùi về kiểm định vùng hỗ trợ này trước khi hồi phục tăng điểm trở lại. Về tổng thể, BVSC vẫn duy trì đánh giá tích cực với xu hướng thị trường trong thời gian tới với đích đến kỳ vọng nằm tại 930-940 điểm. Diễn biến thị trường giai đoạn này sẽ tương đối khó chịu với sự phân hóa mạnh giữa các nhóm cổ phiếu. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn sẽ tạo được sự quan tâm của dòng tiền và sẽ luân phiên tăng điểm để hỗ trợ cho thị trường trong ngắn hạn.

Mặc dù vậy, BVSC cũng lưu ý rằng, thị trường vẫn đang nằm trong trạng thái quá mua nên việc xuất hiện các phiên rung lắc, điều chỉnh mạnh vẫn đang hiện hữu trong quá trình đi lên của thị trường.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/9, VN-Index giảm 3,92 điểm xuống 908,58 điểm; HNX-Index giảm 0,93 điểm xuống 131,71 điểm. Upcom-Index tăng 0,04 điểm lên 61,00 điểm. Thanh khoản đạt 7,3 nghìn tỷ đồng.

V. Hà