Xem lại bài 1: Việt Nam đang mắc kẹt với năng lực R&D
“Đội thuyền thúng” khiến chúng ta gặp bất lợi, thất thế ngay trên sân nhà chứ chưa nói đến chuyện tiến ra toàn cầu.
Bởi vậy, cần tận dụng lợi thế của thể chế chính trị tập trung quyền lực để nhanh chóng thiết lập chiến hạm với các nhà vô địch quốc gia về công nghệ tiên tiến để làm chủ trên “sân nhà” và tiên phong ra thế giới.
Cụ thể, cần tiến hành cuộc đại cải cách đột phá trên ba trụ cột chính là cơ chế chính sách, đầu tư tài chính và nhân tài.
Đột phá cơ chế chính sách
Sắp xếp lại hệ thống Viện nghiên cứu với ba cấu phần chính là Viện nghiên cứu công lập, Viện nghiên cứu đại học, Viện nghiên cứu doanh nghiệp. Từ đó, phân nhiệm vụ rõ ràng theo thế mạnh.
Sáp nhập các Viện nghiên cứu công. Hình thành những Viện nghiên cứu quy mô lớn để có đủ nguồn lực và năng lực tiến hành những nghiên cứu, dự án tầm cỡ, có giá trị. Phương án lý tưởng nhất là hợp nhất toàn bộ Viện nghiên cứu công lập hiện thời với các Viện nhỏ, sáp nhập 170 tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp tỉnh vào 2 Đại học quốc gia, 2 Viện hàn lâm...
Hợp nhất các doanh nghiệp nhà nước, hình thành những doanh nghiệp quy mô lớn để có đủ nguồn lực đầu tư phát triển R&D, ứng dụng công nghệ tiên tiến. Đồng thời, giảm tối đa doanh nghiệp nhà nước để nguồn lực được sử dụng hiệu quả hơn. Từ đó, giảm bớt cơ hội tham nhũng, tiêu cực và tăng cơ hội, không gian phát triển cho doanh nghiệp tư nhân.
Hậu thuẫn một số “đại bàng” công nghệ để tiên phong tiến ra toàn cầu như hỗ trợ bằng ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính trực tiếp, nới lỏng các rào cản quy định, thủ tục… Có chính sách khuyến khích hấp dẫn với các tiêu chí rõ ràng cũng như đẩy nhanh tốc độ phát triển Viện nghiên cứu ở doanh nghiệp.
Đột phá đầu tư tài chính
Tăng nhanh ngân sách chi cho hoạt động R&D. Đồng thời, có chính sách thiết thực, sát sườn thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư mạnh tay cho phát triển R&D.
Thực hiện cách tiếp cận “Cây gậy và củ cà rốt” trong đầu tư nhằm tạo động lực và áp lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển R&D. Thiết lập các mục tiêu chiến lược với các chỉ số KPI rõ ràng cùng với xây dựng một hệ thống đánh giá hiệu quả trong đánh giá đầu tư cho R&D nhằm kịp thời phát hiện, xử lý những dự án đầu tư “chi phí cao nhưng hiệu quả thấp”, đề xuất được các giải pháp thay thế hiệu quả.
Cần lựa chọn kỹ lưỡng và tập trung cao độ trong đầu tư tới ngưỡng để tạo đà cho R&D phát triển bứt phá. Tập trung vào ngành công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, các ngành KH&CN mới như trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu để bắt kịp với xu thế thế giới.
Thành lập Quỹ phát triển R&D vì một Việt Nam hùng cường trong thời đại 4.0. Nguồn quỹ từ ngân sách nhà nước, đóng góp của doanh nghiệp, ủng hộ của các cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước hay thậm chí là tiền thu hồi từ tham nhũng, từ bán các doanh nghiệp nhà nước…
Đột phá nhân tài
Cơ chế thuận lợi, đầu tư lớn là rất quan trọng song nhân tài chính là nhân tố quyết định sự thành bại trong phát triển R&D.
Với xuất phát điểm thấp, tích lũy tri thức mỏng, bề dày kinh nghiệm hoạt động R&D còn khiêm tốn nên cần biết “Đứng trên vai người khổng lồ”, đi nhờ các chuyến “tàu nhanh” của các nước phát triển. Tiến ra toàn cầu học từ những bậc thầy giỏi nhất, kết nối toàn cầu để phát triển R&D.
Mặt khác, xây dựng môi trường làm việc thuận lợi và tạo động lực để nhân tài R&D bất kể là người trong nước hay nước ngoài đều muốn đến sống, làm việc và cống hiến.
Đặc biệt, do hoàn cảnh lịch sử, chúng ta có đội ngũ nhân tài là người Việt Nam ở nước ngoài dồi dào nên tạo động lực hấp dẫn và không gian rộng lớn để họ chung tay trong phát triển R&D.
Giáo dục đại học cần được tạo cú hích đủ mạnh trên ba trụ cột là tài chính, cơ chế, nhân tài để tăng tốc chuyển hóa tiềm năng to lớn của giáo dục phổ thông thành nguồn nhân lực kỹ năng và trình độ cao. Nhanh chóng đưa các trường Đại học trở thành Đại học tinh hoa tầm cỡ thế giới.
Tóm lại, phát triển R&D tạo động lực tiếp sức cho Việt Nam bắt kịp các nước phát triển trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0 là đòi hỏi cấp bách, không thể trì hoãn.
Đây là việc khó và khổ, không phải một sớm một chiều mà có được. Nó đòi hỏi tầm nhìn chiến lược và quyết tâm chính trị mạnh mẽ.
Chúng ta đã đi muộn và chậm, nếu tiếp tục chần chừ vừa đi vừa dừng chỉ khiến Việt Nam hụt hơi, bị bỏ lại phía sau.
Thời gian còn lại cho sự phát triển bứt phá không nhiều. Hơn bao giờ hết, lúc này cần có cuộc đại cải cách đột phá trên ba trụ cột tài chính, cơ chế, nhân tài với quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng để nhanh chóng xây dựng năng lực R&D vững chắc đưa Việt Nam văn minh và thịnh vượng.
Đây cũng là phép thử cho thế hệ chúng ta có hoàn thành sứ mệnh lịch sử giao phó hay không?
Phạm Mạnh Hùng