Covid-19 đã trở thành đại dịch toàn cầu, khiến hàng ngàn người chết, chuỗi cung ứng đứt đoạn, kinh tế suy giảm, nhà máy đóng cửa và thành phố bị phong tỏa. Trong thảm họa này, Trung Quốc là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Tuy nhiên, nhờ tận dụng mọi nguồn lực và ứng dụng công nghệ hiện đại, Trung Quốc đã từng bước khống chế được dịch bệnh và từng bước đưa cuộc sống trở về bình thường.

Từ lâu, chính phủ Trung Quốc luôn nhấn mạnh tiến bộ công nghệ là một trụ cột tăng trưởng quan trọng và Bắc Kinh đã chi hàng tỷ USD để tài trợ, cho vay nhằm đẩy nhanh sáng kiến trong trí tuệ nhân tạo, xe tự lái và các lĩnh vực khác để ngành công nghệ có thể cạnh tranh với Silicon Valley.

Ngay từ đầu tháng 2/2020, Chủ tịch Tập Cận Bình đã khẳng định: “Cuộc chiến chống dịch bệnh không thể đạt được nếu thiếu sự hỗ trợ của khoa học và công nghệ”. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng kêu gọi lĩnh vực công nghệ trợ giúp, gợi ý robot, máy đo thân nhiệt giúp giảm tiếp xúc con người nên được triển khai.

Mã màu QR

 

Cùng với mạng lưới giám sát tinh vi và rộng khắp, chính phủ Trung Quốc bắt tay với các hãng công nghệ lớn như Alibaba, Tencent phát triển hệ thống đánh giá sức khỏe bằng màu sắc. Ứng dụng được triển khai lần đầu tiên tại Hàng Châu với sự giúp đỡ của Alibaba trước khi mở rộng sang các khu vực khác. Nó cấp ba màu sắc khác nhau cho mọi người tùy theo điều tra dịch tễ học. Trong khu công nghiệp Thâm Quyến, phần mềm tương tự do Tencent tạo ra.

Một người sẽ được tự do đi lại hay bị cách ly tùy thuộc vào mã màu này. Công dân phải đăng nhập ứng dụng bằng các dịch vụ ví điện tử như Alipay của Alibaba. Chỉ những ai có mã màu xanh mới được đến khu vực công cộng sau khi đã trình mã QR tại các trạm tàu điện ngầm, văn phòng, nhà ga. Ngoài ra, còn có các điểm kiểm tra mã QR và thân nhiệt ở gần như mọi nơi. Hơn 200 thành phố đang sử dụng hệ thống này và sẽ sớm triển khai trên toàn quốc.

Robot

 

Từ chuẩn bị bữa ăn tại bệnh viện, thay thế phục vụ nhà hàng, xịt khử trùng, vệ sinh cho đến phân phát nước rửa tay, robot đang cùng với con người ở tuyến đầu chống Covid-19. Tại nhiều bệnh viện, robot còn thực hiện chẩn đoán, đo ảnh nhiệt. Công ty Multicopter dùng robot để vận chuyển mẫu bệnh phẩm.

Theo báo cáo của Reuters, robot Little Peanut chuyển đồ ăn cho hành khách trên chuyến bay từ Singapore tới Hàng Châu đang bị cách lay trong khách sạn.

Drone

 

Tại một số khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng, drone được triển khai để vận chuyển vật tư y tế và mẫu bệnh phẩm. Điều này sẽ tiết kiệm thời gian, tăng tốc độ chuyển phát, ngăn chặn rủi ro bệnh phẩm bị nhiễm độc. Drone còn có thể được dùng để phun thuốc khử trùng ở nông thôn.

Drone cùng công nghệ nhận diện gương mặt sẽ phát đi cảnh báo, yêu cầu người dân ở trong nhà, nhắc nhở nếu họ không đeo khẩu trang.

Nhận diện gương mặt, big data

 

Nhiều bảng dữ liệu (data dashboard) được tạo ra để theo dõi virus liên tục nhờ được phép tiếp cận thông tin công khai. Các tổ chức đã phát triển nhiều dashboard như vậy sử dụng big data. Hệ thống nhận diện gương mặt và đo nhiệt độ hồng ngoại lắp đặt tại nhiều thành phố lớn. Các công ty trí tuệ nhân tạo (AI) như SenseTime, Hanwang Technology khẳng định sáng tạo được công nghệ nhận diện gương mặt đặc biệt, có thể nhận diện chính xác ngay cả khi họ đeo khẩu trang.

Ứng dụng smartphone cũng được dùng để theo dõi chuyển động của mọi người và xem họ có tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 hay không. China Mobile được cho là gửi tin nhắn cho mọi cơ quan thông tấn, thông báo về các ca nhiễm bệnh. Tin nhắn còn bao gồm tất cả chi tiết về lịch sử di chuyển của người ấy. Camera an ninh CCTV được lắp tại hầu như mọi nơi để bảo đảm người cách ly không ra khỏi nhà.

Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc còn dùng big data để quản lý dòng người hồi hương ồ ạt thời gian gần đây. Hơn 1 triệu dữ liệu di chuyển của người Trung Quốc đã được Cục Xuất nhập cảnh chia sẻ với các cơ quan chức năng có thẩm quyền trên khắp cả nước.

Trung Quốc cũng giới thiệu nền tảng có tên “phát hiện tiếp xúc gần”, sử dụng big data dựa trên hành trình của mọi người và hồ sơ từ nhà chức trách để xem trong vòng 2 tuần, người dân có làm việc, sống hay di chuyển cùng một người nhiễm/nghi nghiễm virus Covid-19 không. Người dân có thể truy cập nền tảng qua các ứng dụng di động phổ biến như Alipay, WeChat, QQ.

Trí tuệ nhân tạo

AI đang đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực y tế. Nhờ mô hình dự báo và phân tích dữ liệu, các chuyên giay tế có thể hiểu được nhiều hơn về dịch bệnh.

Baidu cung cấp thuật toán Lineatrfold cho các nhóm đang chiến đấu với Covid-19. Nó nhanh hơn nhiều các thuật toán khác trong việc dự đoán cấu trúc của virus. Baidu cũng phát triển công cụ để quét hiệu quả lượng người lớn. Công ty còn xây dựng hệ thống hồng ngoại AI để phát hiện thay đổi trong thân nhiệt của một người. Hệ thống đang được dùng tại nhà ga Thanh Hà (Bắc Kinh) nhằm xác định các hành khách có nguy cơ lây nhiễm. Nó có thể kiểm tra tới 200 người mỗi phút mà không cần dừng hành khách lại.

Xe tự lái

 

Vào thời điểm nhân viên y tế thiếu hụt và nguy cơ lây nhiễm từ người sang người, các phương tiện không người lái trở nên hữu ích khi vận chuyển các hàng hóa thiết yếu như thuốc, đồ ăn. Apollo, nền tảng xe tự lái của Baidu, đã chung tay với startup Neolix để chuyên chở vật tư, thực phẩm cho bệnh viện lớn ở Bắc Kinh. Apollo còn chế tạo các bộ kit micro-car và dịch vụ đám mây xe tự lái để các công ty sử dụng miễn phí trong cuộc chiến chống Covid-19.

Idriverplus, công ty chuyên về xe vệ sinh đường phố, cũng góp một phần sức lực. Những chiếc xe hàng đầu của Idriverplus được dùng để khử trùng bệnh viện.

Du Lam (tổng hợp)