Lịch sử hình thành, phát triển của xã hội và nền văn minh nhân loại, nhất là việc lý giải tốc độ diễn ra không đồng đều của sự tiến bộ theo thời gian là một chủ đề được nhiều tác giả, học giả bàn đến, đồng thời cũng là mối quan tâm của đông đảo mọi người. Bởi thế, không ít đầu sách đại chúng về chủ đề này đã được các tác giả uy tín trên thế giới viết ra, một số những cuốn sách như thế đã được chuyển ngữ và xuất bản tại Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho sự tiếp cận của độc giả.

Song một điểm khiến độc giả đại chúng ngần ngại khi tiếp cận với mảng sách này là dung lượng lớn, nhiều thông tin, khía cạnh phức tạp, đôi khi làm người đọc nản lòng. Tuy nhiên cũng có những cuốn sách có dung lượng tương đối ngắn gọn, cô đọng, thích hợp để bạn đọc đại chúng từ từ tiếp cận trong thời gian rảnh, với ngôn ngữ đủ dễ hiểu cho những người không thuộc chuyên ngành nghiên cứu sâu về lịch sử kinh tế xã hội. Một trong những cuốn sách thuộc nhóm này là Hành trình nhân loại – Nguồn gốc của thịnh vượng và bất bình đẳng (The journey of humanity – The origins of wealth and inequality) của Oded Galor, giáo sư kinh tế Đại học Brown, Mỹ.

Phần dẫn nhập Những bí ẩn trong hành trình nhân loại được tác giả sử dụng để kích thích sự tò mò của độc giả khi chỉ ra bản chất lạ kỳ của bước nhảy vọt như thể đột ngột từ con số 0 của xã hội loài người chỉ trong khoảng hai thế kỷ gần đây sau hàng chục nghìn năm dậm chân tại chỗ ở mức vất vả tranh đấu với những nhu cầu sinh tồn cơ bản nhất. Từ sự khơi gợi này, tác giả giới thiệu cách tiếp cận ông sẽ sử dụng trong cuốn sách của mình để trả lời cho hai câu hỏi quan trọng: đâu là những lực đẩy cốt lõi nằm sau quá trình phát triển của lịch sử nhân loại và tại sao những lực đẩy này lại hiện hữu và tạo ra tác động không đồng đều tại các xã hội, quốc gia khác nhau, dẫn tới sự bất bình đẳng rõ ràng chúng ta đang chứng kiến.

Phần 1 Hành trình nhân loại được Oded Galor dành để hồi cứu lại quá trình phát triển của xã hội loài người với trọng tâm là những động lực thúc đẩy quá trình này, mối liên kết giữa chúng và sự tích lũy cần thiết để các động lực này tạo nên sự thay đổi bền vững, không thể đảo ngược trong sự tiến bộ của xã hội loài người.

Chương 1 Những bước chân đầu tiên tóm lược lại lịch sử của loài người từ lúc loài Homo sapiens xuất hiện với năng lực tư duy độc nhất vô nhị vượt trội những loài động vật khác, những giả thiết lý giải sự hình thành bộ não với năng lực tư duy độc đáo của chúng ta, quá trình di cư để phân bố ra toàn cầu của loài người và những yếu tố cơ bản dẫn tới sự định cư của loài người, xuất phát điểm của xã hội văn minh.

Chương 2 Lạc bước trong trì trệ là câu chuyện về bẫy Malthus, một vòng lặp mà loài người đã không tài nào thoát ra được một cách bền vững trong suốt hàng nghìn năm  Oded Galor dành chương này để lý giải về nguyên do khiến cho loài người một thời gian dài không thể bứt ra khỏi cái bẫy đói nghèo này, nguyên do của tình trạng “đóng băng kinh tế” tưởng chừng sẽ là vĩnh cửu, buộc loài người mãi mãi phải vật lộn với sống còn như mọi loài sinh vật khác.

Chương 3 Cơn bão ngầm lần theo quá trình biến đổi của các yếu tố theo Galor đóng vai trò quyết định đến quá trình tăng trưởng, phát triển của xã hội loài người, bao gồm dân số (quy mô, cơ cấu), đổi mới công nghệ và môi trường sinh thái, cùng mối quan hệ tương hỗ liên tục như một hệ thống các bánh xe ăn khớp với nhau, mà Galor gọi chung là “bánh xe thay đổi”. Theo tác giả, chính sự vận hành ăn khớp liên tục của các yếu tố này đã dần dần cải thiện từng yếu tố, khiến cho ngay cả quá trình chìm trong “bẫy Malthus” của loài người cũng không phải là quá trình đông cứng mà liên tục phát triển, dẫn tới những tích lũy phát triển không đột phá mà chậm rãi nhưng chưa bao giờ ngừng trong lịch sử tồn tại của loài người.

Chương 4 Chạy hết công suất đi vào phân tích bước tăng tốc đột phá về phát triển của xã hội loài người từ giai đoạn Cách mạng Công nghiệp. Chỉ rõ ra phát triển công nghiệp chỉ là biểu hiện bề ngoài dễ thấy song mang tính hệ quả hơn là nguồn gốc của giai đoạn này, Oded Galor điểm qua các động lực đích thực của cuộc bứt tốc: sự tăng tốc trong phát triển công nghệ, vai trò của giáo dục, nhất là “vốn giáo dục” được tích lũy từ thời kỳ tiền công nghiệp; quá trình công nghiệp hóa và sự “vốn hóa nhân lực”, khi con người thực sự được nhìn nhận là nguồn vốn quan trọng cho nền kinh tế của kỷ nguyên mới, kéo theo những động thái tập trung nguồn lực để nuôi dưỡng, bảo tồn nguồn vốn nhân lực như phổ cập giáo dục, hạn chế tiến tới xóa bỏ lao động trẻ em... Tất cả đã tạo nên gia tốc để thoát bẫy Malthus cho nhân loại.

Chương 5 Hóa thân bàn về bước chuyển quan trọng nhất trong lịch sử loài người về mặt xã hội: Chuyển đổi Nhân khẩu học. Lần đầu tiên trong lịch sử, ở giai đoạn Cách mạng Công nghiệp, những thành quả từ sự tiến bộ công nghệ đã không bị “trung hòa” bởi sự bùng phát dân số, mà quy mô dân số được duy trì theo hướng “chất lượng thay số lượng”, cho phép thành quả từ tiến bộ công nghệ thành tiền đề cho những tiến bộ lớn hơn, nhanh chóng hơn. Đồng thời, sự gia nhập ngày càng tích cực của phụ nữ vào lực lượng lao động và sự cân nhắc kỹ lưỡng hơn, chủ động của phụ nữ trước khi quyết định sinh con cũng là một lý do nữa đẩy Chuyển đổi Nhân khẩu học thay đổi mãi mãi  Theo Galor, đây là chuyển đổi trạng thái không thể đảo ngược, là bước ngoặt để nhân loại đặt chân vào Thế giới hiện đại với tốc độ thay đổi chóng vánh như chúng ta đang thấy.

Chương 6 Miền đất hứa điểm lại ngắn gọn các đặc trưng của xã hội hiện đại: xu thế chung là mức sống ngày càng tốt đẹp, được cải thiện hơn, sự tăng trưởng về giáo dục song hành với giảm tỷ lệ sinh và tỷ lệ đói nghèo. Nhưng miền đất hứa hiện đại cũng có những thách thức riêng không dễ giải quyết của nó như hệ lụy suy thoái môi trường.

Tiểu kết Đoạn kết: Giải mã bí mật tăng trưởng tóm lược lại nội dung phần 1 với trọng tâm nhấn mạnh vào Chuyển đổi Nhân khẩu học và các yếu tố bản lề thúc đẩy nó, tiền đề và động lực cho bước phát triển nhanh chóng của xã hội loài người trong hai thế kỷ vừa qua.

Phần 2 Nguồn gốc của thịnh vượng và bất bình đẳng được Oded Galor dành cho việc phân tích các ảnh hưởng của Chuyển đổi Nhân khẩu học, nhất là sự thịnh vượng của con người, ở cấp độ cá nhân cũng như cộng đồng, xã hội, và vai trò quyết định của tốc độ Chuyển đổi Nhân khẩu học xảy ra tới sự phân phối không đồng đều sự thịnh vượng này trên thế giới.

Chương 7 Huy hoàng và khốn khổ nhìn toàn cảnh bức tranh phát triển không đều của các quốc gia, nhận điện các đặc điểm khác biệt giữa các quốc gia phát triển, giàu có và các quốc gia nghèo, chậm phát triển để từ đó nhìn nhận ra các yếu tố đích thực sâu xa ẩn sau sự khác biệt bề nổi này.

Chương 8 Dấu vân tay của thể chế bàn luận về tầm quan trọng của việc lựa chọn đúng thể chế trong thành công của một quốc gia, cũng như vận hội rất khác nhau về sự may mắn, thuận lợi trong quá trình lựa chọn, phát triển thể chế  ở các quốc gia khác nhau, dẫn tới những hệ quả rất khác biệt về mức độ phát triển.

Chương 9 Nhân tố văn hóa nhận diện mối quan hệ hai mặt rất quan trọng giữa văn hóa và phát triển. Một nền văn hóa có những đặc tính tích cực cho phát triển như thúc đẩy tâm thế chủ động, sáng tạo, v.v. sẽ là nhân tố hỗ trợ phát triển. Trái lại, sức ỳ văn hóa chính là một trong những trở ngại lớn nhất cho phát triển. Bởi vậy, một tiến trình phát triển không thể thiếu một nền văn hóa thích hợp.

Chương 10 Chiếc bóng đổ dài của địa lý nhìn nhận từ quá khứ và hiện tại những ảnh hưởng không thể bỏ qua của đặc điểm địa lý với tác động đến con đường phát triển của các quốc gia khác nhau, đặc biệt là tác động trực tiếp của địa lý tới hình thành thể chế và văn hóa, như một gốc rễ sâu xa của phát triển.

Chương 11 Di sản của cuộc cách mạng nông nghiệp nhìn nhận lại vai trò và ảnh hưởng lâu dài và chưa được nhìn nhận thống nhất của sự ra đời của canh tác nông nghiệp thay thế săn bắn hái lượm để đưa tới xã hội hiện đại ngày nay. Oded Galor nhìn nhận Cuộc cách mạng Đồ đá mới, điểm khởi đầu cho cách mạng nông nghiệp, đã để lại một di sản quan trọng, định hình toàn bộ tiến trình phát triển của loài người từ đó tới nay.

Chương 12 Xa mãi châu Phi đánh giá mối quan hệ giữa đa dạng dân cư và phát triển kinh tế, Oded Galor cho rằng, sự đa dạng dân cư, vốn đã được định hình cơ bản từ quá trình di cư ra toàn cầu của Homo sapiens từ thời xa xưa, cùng với đặc trưng địa lý bao quanh các cộng đồng dân cư đó vẫn là một trong những gánh nặng nhọc nhằn nhất nhiều quốc gia phải vượt qua trên hành trình tới tương lai thịnh vượng hơn.

Tiểu kết hai Giải mã bí ẩn bất bình đẳng tóm lược lại mối liên hệ giữa các yếu tố góp phần vào sự thành công hay thất bại của các quốc gia cũng như xu thế phát triển chung của loài người bất chấp các cách biệt chưa dễ gì san lấp. Lời bạt kết lại cuốn sách nhìn về tương lai, một tương lai nơi loài người sẽ thoát hẳn khỏi bẫy Malthus và cần tìm cách đối diện, giải quyết với với các thách thức mới của kỷ nguyên “hậu Malthus” như biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường.

Dịch giả Lê Đình Chi