Cuốn sách 'Người Việt gọi tôi là cha Đắc Lộ - Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ' giúp độc giả hiểu được chữ viết Tiếng Việt ra đời như thế nào, tại sao chúng ta lại đang dùng thứ văn tự Latinh, khác hẳn với các nước xung quanh.
Nhà xuất bản Kim Đồng cùng Viện Pháp tại Hà Nội vừa tổ chức buổi giới thiệu cuốn sách Alexandre de Rhodes và hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ (Người Việt gọi tôi là cha Đắc Lộ - Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ).
Sách được thực hiện bởi tác giả Phạm Thị Kiều Ly (phụ trách nội dung, cốt truyện) và họa sĩ Tạ Huy Long (ảnh minh họa). Đây là một trong những nguồn tham khảo thú vị để độc giả Việt Nam hiểu rõ hơn về tiếng Việt, qua đó truyền thêm ngọn lửa tình yêu với ngôn ngữ đất nước mình.
Cuốn tranh truyện bán hư cấu kể lại cuộc đời nhiều thăng trầm của giáo sĩ Đắc Lộ - Alexandre de Rhodes, một vị linh mục, người của Tòa thánh Vatican, đã tới Việt Nam từ thế kỷ XVII và có công rất lớn trong việc in cuốn từ điển đầu tiên của tiếng Việt (Từ điển Việt - Bồ - La) năm 1651.
TS. Phạm Thị Kiều Ly cho biết, là nhà nghiên cứu về sử học, khi được lời mời viết cuốn truyện tranh cho trẻ em về lịch sử, chị rất lưỡng lự bởi sẽ trích dẫn như thế nào cho hợp lý.
“Tôi cảm thấy vô cùng tội lỗi khi viết ra mà không trích dẫn được đầy đủ, nhưng truyện về lịch sử cho trẻ em cần rõ ràng, dễ hiểu. Lúc đầu thấy khó, nhưng khi bắt tay vào viết, thấy hạnh phúc thực sự bởi được sáng tạo, chia sẻ những hiểu biết khiêm tốn của mình với độc giả”, chị Kiều Ly nói.
Để ra được cuốn sách này, tác giả đã trải qua một hành trình dài đi tìm tài liệu trong các văn khố ở Lisboa, Vatican, Roma, Madrid, Aliva, Lyon, Hà Nội với mong muốn phác thảo lại một cách trọn vẹn nhất có thể về lịch sử ngữ pháp và chữ viết hệ Latinh của tiếng Việt.
Từ bản thảo đầu tiên dày đặc con chữ, sau 7-8 lần thay đổi, những lần phải cắt câu chữ cho phù hợp với truyện tranh, cuối cùng phiên bản hài lòng nhất đã tới tay độc giả sau 2 năm miệt mài chỉnh sửa. Khi thực hiện cuốn sách, chị tôn trọng tuyệt đối những mốc lịch sử, sự kiện chính trong hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ của vị linh mục, chỉ thêm thắt các đoạn hội thoại có lồng cảm xúc của nhân vật để làm “mềm” câu chuyện, giúp nhân vật trở nên đời thường hơn, tác phẩm hấp dẫn hơn và hợp lý hóa những khoảng trống trong lịch sử.
“Chữ Quốc ngữ mà các bạn đang dùng không phải là sản phẩm sáng tạo duy nhất của các thừa sai người nước ngoài. Vào giữa thế kỷ XIX, các vị linh mục người Pháp đã tìm ra con đường lên Kon Tum và bắt tay vào học tiếng nói của người Bah-nar, Jơ-rai, Xê-Đăng… Họ cũng tạo ra chữ viết hệ Latinh cho khoảng chục ngôn ngữ tại Tây Nguyên. Tôi đang tiếp tục nghiên cứu lịch sử sáng tạo phát triển của các chữ viết này”, TS. Phạm Thị Kiều Ly cho biết.
Khi được hỏi về việc lựa chọn bối cảnh, màu sắc cho tác phẩm, họa sĩ Tạ Huy Long cho hay: "Màu sắc với tôi là cảm xúc của câu chuyện, không hẳn nương theo những gì thực tế mô tả. Tôi rất cân nhắc khi chọn hai màu với sắc độ đậm, nhạt. Màu xanh cây già - màu của cây lá nhiệt đới, của áo thầy tu bạc màu. Màu nâu sepia - màu của đất đai màu mỡ và da người cháy nắng".
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình vẽ minh họa cho cuốn sách, họa sĩ Tạ Huy Long bộc bạch: “Hiện nay, Internet và các phương tiện kỹ thuật số phát triển mạnh, nên làm sao để có một cuốn sách tranh thu hút được các bạn nhỏ không phải dễ dàng, đặc biệt là từ một công trình dành cho các nhà nghiên cứu, chuyển sang cho tất cả đối tượng độc giả. Do đó, tôi chọn cách đơn giản, dễ dàng nhất để trẻ em có thể đọc hiểu và thêm yêu lịch sử nước nhà”.
Người Việt gọi tôi là cha Đắc Lộ - Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ
Cuốn sách có sự kết hợp hài hòa giữa hai phần: Đắc Lộ ký sự và Chữ Quốc ngữ ký sự.
Trong đó, Đắc Lộ ký sự được đặc biệt thể hiện bằng hình thức truyện tranh, giúp độc giả dễ theo dõi hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ của các thừa sai phương Tây, qua lời kể của Alexandre de Rhodes.
Phần Chữ Quốc ngữ ký sự mang độc giả đi ngược dòng lịch sử, tìm hiểu về hành trình chữ Quốc ngữ đi vào đời sống của người dân Việt Nam. Phần này kể sâu hơn về vai trò, đóng góp của những người Việt và người Pháp trong việc biên soạn từ điển hay dịch sách sử dụng chữ Quốc ngữ, thái độ của giới trí thức Việt Nam trước sự lan rộng của chữ Quốc ngữ, cùng chặng đường chông gai để chữ Quốc ngữ được công nhận là văn tự chính thức của Việt Nam.
Nhóm tác giả còn lập nên một đoạn phỏng vấn đặc biệt với ba nhân vật tiêu biểu trong quá trình sáng tạo chữ Quốc ngữ: Alexandre de Rhodes, Francisco de Pina và Gaspar do Amaral, bàn luận về quá trình sáng tạo chữ viết Latinh của tiếng Việt.
Bộ sách 'Mật ngọt cho tâm hồn'Đại diện Tân Việt Books cho biết, đơn vị chị bắt đầu mua bản quyền và thực hiện làm bộ sách 'Mật ngọt cho tâm hồn' từ mùa hè 2021, khi dịch Covid-19 đang bùng phát.