Nhiều năm nay, bối cảnh chính trị Mỹ được định hình bởi các cuộc chiến khốc liệt giữa những hệ tư tưởng khác nhau. Cuộc chiến chủ yếu diễn ra giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, với những quan điểm về xã hội Mỹ ngày càng khác xa nhau.

Tuy nhiên, việc ông Kevin McCarthy bị phế truất khỏi ngôi vị Chủ tịch Hạ viện, và cuộc đua giành quyền lãnh đạo cơ quan này sau đó đã cho thấy những xung đột ngay trong chính nội bộ đảng Cộng hòa. Hai ứng cử viên, Hạ nghị sĩ Jim Jordan và Steve Scalise, cũng là hai gương mặt đại diện cho những quan điểm khác nhau về tương lai của đảng Cộng hòa và chủ nghĩa bảo thủ tại Mỹ. 

reuter epa.jpg
Nghị sĩ Jim Jordan (trái) và Steve Scalise. Ảnh: Reuters/ EPA

Những diễn biến trong tuần này cho thấy thử thách lớn nhất đối với đảng Cộng hòa có lẽ không phải từ đảng Dân chủ, mà từ chính các phe phái nội bộ. Sự việc cũng cho thấy một đảng Cộng hòa đang phải vật lộn với linh hồn và tương lai của nó.

Trong các hệ thống dân chủ phương Tây, tư tưởng được phân bổ dựa trên phổ chính trị, với một bên là chủ nghĩa bảo thủ và bên kia là chủ nghĩa tự do xã hội. Hệ tư tưởng bảo thủ gồm trung hữu, cánh hữu, cực hữu, trong khi nhóm tự do xã hội gồm trung tả, cánh tả và cực tả.  

Tại các nền dân chủ ở châu Âu, mỗi phe thường sẽ trở thành một đảng phái riêng, còn ở Mỹ, chính trị lại rẽ theo lối khác, với hai đảng bao quát đại diện cho mọi giá trị của hai nhóm tư tưởng lớn.

Cả đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ đều đã từng vượt qua nhiều thử thách để có được sự đoàn kết ở cấp liên bang. Điều này đã giúp Mỹ duy trì được một hệ thống chính trị lưỡng đảng cân bằng và ổn định nhiều năm, khi những thành viên của một phe thường có thể thống nhất để chống lại phe bên kia. 

Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, đảng Cộng hòa đã gặp phải những thách thức lớn đối với các nguyên tắc này, như làn sóng chủ nghĩa dân túy, lòng nhiệt thành của nhiều thành viên đối với cựu Tổng thống Donald Trump, sự xuất hiện của các nhóm cực hữu chống chính quyền. 

Đảng Dân chủ cũng phải đối mặt với những xung đột nội bộ tương tự, giữa giới tinh hoa truyền thống và các phe cực tả, nhưng mâu thuẫn chưa bao giờ lên tới mức nghiêm trọng như ở đảng Cộng hòa. Cuộc chiến giành quyền lãnh đạo cơ quan này của các thành viên Cộng hòa là ví dụ sâu sắc về sự chia rẽ tư tưởng và chiến lược trong nội bộ đảng này. 

Sự sụp đổ của ông McCarthy

Việc phế truất ông Kevin McCarthy không chỉ là một ván bài chính trị, mà còn cho thấy sự bất mãn đang lan rộng khắp phe cánh hữu của đảng Cộng hòa. Từng được coi là nhân vật kiên định chính trị và cầu nối giữa phe bảo thủ truyền thống và phe ông Trump, ông McCarthy đã phải đi trên một sợi dây ngày càng mỏng manh để giữ được sự cân bằng này. 

kevin mccarthy 975.jpg
Ông Kevin McCarthy mất chức Chủ tịch Hạ viện Mỹ sau cuộc bỏ phiếu ngày 3/10. Ảnh: CTV

Sự lãnh đạo của ông McCarthy tại Hạ viện, dù khôn ngoan về mặt chiến thuật, nhưng vẫn thường gặp phải sự chỉ trích từ cả hai phe của đảng Cộng hòa.

Đối với những nghị sĩ cánh hữu, ông thường bị chỉ trích là quá sẵn sàng thỏa hiệp, nhượng bộ trước áp lực của đảng Dân chủ. Đối với những nghị sĩ bảo thủ truyền thống ở trung hữu, việc ông chiều chuộng những người ủng hộ ông Trump và miễn cưỡng không chỉ trích cựu Tổng thống hay những lời lẽ gây chia rẽ của ông được coi là các lý do chính.

Việc lật đổ ông McCarthy được dẫn đầu bởi Matt Gaetz, một hạ nghị sĩ cánh hữu trẻ tuổi đầy tham vọng, với sự tham gia của 7 hạ nghị sĩ Cộng hòa khác.

Ông Gaetz tuyên bố, lý do của mình là “không ai còn tin tưởng ông McCarthy” nữa, cáo buộc ông McCarthy “đưa ra các lời hứa trái ngược với nhau" và "đã mất sự tín nhiệm". Hạ nghị sĩ Gaetz cũng tố ông McCarthy thực hiện một “thoả thuận bí mật” với phe Dân chủ để cung cấp thêm tiền cho Ukraine mà không phải thông qua dự luật chi tiêu. 

Có lẽ sự ra đi của ông McCarthy sẽ là lời nhắc nhở rằng, trong môi trường chính trị chia rẽ nhiều rủi ro như Mỹ hiện nay, việc duy trì vị trí cân bằng là gần như không thể. Các nhà lãnh đạo Mỹ ngày nay được kỳ vọng là sẽ chọn một phe, và thể hiện một tầm nhìn rõ ràng.

Sự ủng hộ của ông Trump

Khi cựu Tổng thống Donald Trump sử dụng mạng xã hội Truth Social để tuyên bố ủng hộ Hạ nghị sĩ Jim Jordan, ông đã làm nhiều hơn là chỉ đơn thuần chọn một người mà ông ưa chuộng trong cuộc đua này. Ông đã gửi một thông điệp rõ ràng về thương hiệu của ông trong đảng Cộng hòa.

kevin mccarthy 976.jpg
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Trong nhiều năm kể từ cuộc bầu cử Tổng thống 2016, ảnh hưởng của ông Trump đối với đảng Cộng hòa là điều khó có thể phủ nhận. Phong cách chính trị của ông – sự đối đầu, thẳng thắn và thường gây chia rẽ - đã để lại một dấu ấn khó phai trong đảng. 

Bằng cách ủng hộ Hạ nghị sĩ Jim Jordan, ông Trump dường như báo hiệu rằng đảng Cộng hòa cần phải tiếp tục bám chặt vào tầm nhìn của ông, cả khi ông không còn là tổng thống.

Ngoài tình bạn cá nhân giữa ông Trump với Hạ nghị sĩ Jordan, thì đây cũng là một tính toán chiến lược. Sự trỗi dậy của ông Jordan cho thấy một sự thúc đẩy rộng lớn hơn trong nội bộ Cộng hòa hướng tới cách tiếp cận chính trị dân túy, có tính chiến đấu hơn trước. Hạ nghị sĩ Jim Jordan không chỉ là người bảo vệ di sản của ông Trump, mà còn là ví dụ rõ ràng nhất của các giá trị này trong một cá nhân. 

Sự thiếu tin tưởng của ông Jim Jordan đối với cơ chế quản trị liên bang tại Mỹ, các quan điểm cứng rắn của ông, và phong cách chính trị “không biết giới hạn” đã thu hút được sự ủng hộ từ một nhóm đáng kể trong đảng Cộng hòa. 

Tuy nhiên, sự ủng hộ của ông Trump không chắc sẽ giúp cho Hạ nghị sĩ Jordan có thể chiến thắng ngay lập tức. Sự lãnh đạo của ông Jordan cũng có thể khiến đảng Cộng hòa rạn nứt hơn nữa, với những thành viên trung hữu và truyền thống bị xa lánh. 

Không loại trừ khả năng một cuộc đấu tranh quyền lực lớn hơn sẽ diễn ra trong đảng Cộng hòa. Và khi đảng Cộng hòa tìm cách thu hút sự ủng hộ của cử tri, cũng như đương đầu với những thách thức ở cuộc bầu cử 2024 sắp tới, sự chia rẽ này có thể sẽ quyết định sự thành công hay thất bại của đảng.