Dương Thư Xuân sinh năm 1980 tại Vô Tích, Giang Tô (Trung Quốc). Xuất thân trong gia đình không khá giả nhưng bố mẹ luôn đầu tư vào việc học của anh. Từ nhỏ, cậu bé được mọi người nhận xét là đứa trẻ thông minh và hiểu chuyện. Trong mắt thầy cô và bạn bè, Thư Xuân là học sinh đặc biệt, có tài năng thiên phú về học tập.

12 năm đi học, anh luôn đứng đầu trường, lớp. Bạn bè thường gọi nam sinh là bậc thầy hàn lâm. Không để mọi người thất vọng, năm 1998, tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học, anh xếp thứ 2 toàn tỉnh Giang Tô. Với kết quả này, Thư Xuân đỗ vào khoa tiếng Tây Ba Nha của Đại học Bắc Kinh. 

Tin tức anh đỗ đại học top 1 Trung Quốc thời điểm đó khiến cả gia đình bật khóc vì sung sướng. Thậm chí, bố mẹ Thư Xuân còn tổ chức tiệc ăn mừng. Trước mặt khách, bố mẹ Thư Xuân hãnh diện nói: "Con tôi từ nhỏ đã ngoan ngoãn, thông minh và rất chăm chỉ học tập". Nghe được những lời động viên, Thư Xuân cũng âm thầm hạ quyết tâm.

Sau khi vào trường, sự chăm chỉ và tài năng học tập của Thư Xuân được thầy cô để ý. Suốt 4 năm, anh đạt danh hiệu sinh viên xuất sắc. Cuối cùng, sự nỗ lực của chàng sinh viên nghèo được đền đáp bằng suất học bổng toàn phần của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Nam sinh được cử sang Tây Ba Nha học trao đổi vào năm 3.

Có được cơ hội đi du học, anh nhanh chóng báo tin vui cho bố mẹ. Lúc này, mọi người kỳ vọng Thư Xuân trở về Trung Quốc sẽ trở thành nhà ngoại giao. Ra nước ngoài, nam sinh tranh thủ vừa học vừa làm thêm để trang trải sinh hoạt phí. 

Trong quá trình làm thêm, anh được nghe kể về các câu chuyện khởi nghiệp. Thư Xuân bắt đầu ấp ủ dự định theo đuổi con đường này. Ông chủ còn để lại cho anh lời nhắn: "Cuộc sống cần phải thử thách mới ý nghĩa". 

Trở về từ Tây Ba Nha sau 1 năm, Thư Xuân tốt nghiệp đại học loại xuất sắc. Ngay sau đó, anh cũng vượt qua kỳ thi phỏng vấn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Ở tuổi 22, chàng cử nhân ưu tú của Đại học Bắc Kinh có được 'tấm vé' trở thành nhà ngoại giao tương lai. 

Tuy nhiên, niềm vui chưa được bao lâu, khi nhớ lại lời nhắn của ông chủ, anh quyết định nói sự thật với bố mẹ: "Con không muốn trở thành nhà ngoại giao. Con muốn khởi nghiệp". Những lời này giống như tiếng sét đánh ngang tai bố mẹ Thư Xuân.

Họ không tin đứa con trai luôn ngoan ngoãn lại có lúc nổi loạn. Theo Thư Xuân, việc trở thành nhà ngoại giao là mong muốn của gia đình: "Hơn 20 năm, tôi đã sống cho bố mẹ, chưa 1 ngày được sống cho mình. Đây là lúc tôi đưa ra lựa chọn của bản thân".

Bất chấp sự phản đối của gia đình, Thư Xuân vẫn chia sẻ dự án trồng rau hữu cơ với bạn bè. Thời gian đầu, anh thiếu kinh nghiệm canh tác nên gặp nhiều khó khăn. Lúc này, anh dành thời gian đến các trang trại lớn và ra nước ngoài học hỏi công nghệ tiên tiến.

Trải qua nhiều thất bại, cuối cùng anh cũng tìm ra phương pháp trồng rau hữu cơ. Về sau, anh còn phát triển thêm mô hình chăn nuôi gia súc khoa học. Sau khi xây dựng thương hiệu, Thư Xuân tiếp tục tìm cách để sản phẩm đến tay người tiêu dùng. 

Lúc này, nhờ sự trợ giúp của bạn bè, sau bài báo 'Sinh viên ưu tú của Đại học Bắc Kinh về quê trồng rau', sản phẩm của anh dần được nhiều người biết đến. Hơn nữa, việc áp dụng mô hình kinh doanh giao sản phẩm cho khách hàng bằng thẻ thành viên, Thư Xuân không chỉ tạo thêm các ưu đãi còn ước tính được sản lượng hàng năm. 

Sau khi 'giữ chân' được lượng khách hàng ổn định, Thư Xuân lên kế hoạch mở rộng sản xuất. Anh bắt đầu anh 'lấn sân' sang kinh doanh sản phẩm trên các trang thương mại điện tử. Hiện tại, các sản phẩm hữu cơ của anh đã có tại hơn 100 cửa hàng trực tuyến và trang thương mại điện tử Trung Quốc, cùng 29 chuỗi cửa hàng trên toàn quốc. Doanh thu hàng năm anh ước tính khoảng 25 triệu NDT/năm (86 tỷ đồng).

Từ chối cơ hội trở thành nhà ngoại giao để bắt đầu từ con số 0, sau 12 năm, Thư Xuân thành công trong lĩnh vực kinh doanh. Câu chuyện của anh truyền cảm hứng cho nhiều người, về việc dám nghĩ và dám làm: "Không phải cứ con đường bằng phẳng là sự lựa chọn tốt nhất. Ý nghĩa cuộc sống là thử thách chính mình".