Khánh kiệt vì bạo bệnh
Băng qua cầu Đakrông hùng vĩ, chúng tôi dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh tìm đến với xã đặc biệt khó khăn Húc Nghì (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) vào những ngày cuối tháng 5 gió Lào bỏng rát.
Người dân sống ở đây đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều. Quanh năm bám víu vào những ruộng sắn, ruộng ngô, rừng tràm nên cuộc sống ở nơi đây còn rất nghèo khó. Đã vậy, họ lại luôn bị bệnh tật bủa vây.
Ở tổ 3, 4 thôn Húc Nghì (xã Húc Nghì) hiện có 174 hộ nhưng có đến 4 hộ đang gặp phải hoàn cảnh “chạy thục mạng” vì bệnh thận.
Căn nhà nhỏ xập xệ, được ghép vội bằng những tấm gỗ tạp của gia đình chị Hồ Thị Hinh (SN 1983, thôn Húc Nghì) nằm ẩn mình trong thôn từ lâu vắng tiếng cười đùa bởi cuộc sống gia đình khó khăn, kinh tế khánh kiệt vì bệnh tật đeo bám.
Gia đình phát hiện bệnh của chị từ năm 2017. Ngày đó, trong một lần ra vườn ngô làm lụng, cho ngan, vịt ăn, chị Hinh bất ngờ thấy choáng váng, đau 2 bên mạn sườn rồi gục xuống đất và ngất lịm đi.
Chồng chị là anh Hồ Văn Cực đi rẫy về thấy vợ vậy thì bế vào nhà, gọi cán bộ y tế địa phương đến nhà xem tình hình.
Sau đó, chồng liền đưa chị trên con xe máy cà tàng để về TP Đông Hà khám bệnh. Sau thời gian khám, chị được chẩn đoán là hư cả 2 quả thận, cần phải điều trị lâu dài. Trời như sụp xuống đầu 2 vợ chồng gầy gò ốm yếu này.
Hiện nay, cứ mỗi tháng, anh Cực phải đưa vợ về bệnh viện 8 lần để chạy thận.
Cùng chung hoàn cảnh với chị Hinh, chị Hồ Thị Đông (SN 1986, trú thôn Húc Nghì) cũng đang ngày đêm chống chọi với căn bệnh suy thận.
Trước đó, sau nhiều lần xuất hiện triệu chứng bị đau liên tục 2 bên mạn sườn, chị Đông được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị để thăm khám. Tại đây, do triệu chứng chưa rõ ràng nên các bác sĩ không phát hiện được bệnh tình.
Năm 2017, trong một lần cơn đau xuất hiện dữ dội, chị Đông được chồng đưa vào Bệnh viện Trung ương Huế để cấp cứu. Qua thăm khám, các bác sĩ kết luận chị bị suy thận, chưa đến mức phải can thiệp chạy thận nhưng phải uống thuốc và thăm khám thường xuyên.
Sau nhiều năm điều trị, một người phụ nữ với thân hình khỏe khoắn, mập mạp ngày nào giờ chị Đông chỉ còn lại thân hình gầy gò, tiều tụy vì những đợt thuốc kháng sinh thay cơm.
Thận suy, chồng bỏ
Rời nhà chị Đông, chúng tôi tìm đến căn nhà lụp xụp của hộ gia đình chị hồ Thị Phăn (38 tuổi) - một người phụ nữ nghèo khó, bất hạnh nhưng được xóm làng nhắc đến với tình cảm nể phục bởi nghị lực sống.
Chị Phăn cho biết, năm 2018, lúc vừa sinh đứa con út thì cả cơ thể chị bỗng bị liệt nên được đưa vào Bệnh viện đa khoa Quảng Trị để điều trị.
Sau một thời gian chữa trị, chị được các bác sĩ chẩn đoán bị suy thận giai đoạn cuối.
“Đáng lẽ ra, những lúc thế thì chồng là người túc trực cạnh bên để động viên, chăm sóc. Thế nhưng, khi hay tin tôi bị bạo bệnh, chồng tôi lại bỏ nhà ra đi, để lại mình tôi vừa chống chọi với bệnh tật vừa phải nuôi 4 đứa con thơ”, chị Phăn ngậm ngùi.
Cuộc sống khó khăn chồng chất khó khăn, những đồng tiền tích góp từ làm nương, làm rẫy dần dần “đội nón ra đi” sau mỗi lần chị nhập viện điều trị.
Thương hoàn cảnh gia đình nghèo khó, mẹ mang trong mình bệnh tật, đứa con trai thứ 2 của chị phải bỏ dở giấc mơ đến trường, ở nhà chăm mẹ và các em.
Trong số những người phụ nữ vùng cao Đakrông đang mang trong mình căn bệnh suy thận, không thể không nhắc đến trường hợp chị Hồ Thị Thủy (36 tuổi).
Thời điểm chúng tôi có mặt, người phụ nữ này đang loay hoay bên vườn mía phía sau nhà. Thấy có khách đến thăm, ánh mắt chị lóe lên niềm vui nhưng sâu thẳm trong đó là sự yếu ớt, khổ đau.
Chị Thủy bị suy 2 quả thận từ năm 2016. Là một người thương vợ con, chồng chị chạy vạy khắp nơi để vay tiền chữa bệnh cho vợ.
Vào năm 2019, trong một lần chở vợ từ bản ra đường lớn để bắt xe khách về Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị, khi quay về nhà nấu cơm cho con, chồng chị Thủy không may bị tai nạn tử vong.
Tai họa bất ngờ ập đến đối với người chồng bất hạnh và nghĩ đến bệnh tật mình đang mang trong người, đã nhiều lúc chị Thủy nghĩ đến việc tìm đến cái chết để được giải thoát, đỡ gánh nặng cho người thân.
“Mỗi đêm sau ngày anh ấy mất, nước mắt tôi cứ chảy ướt hết gối vì nghĩ thương cho anh và số phận hẩm hiu của mình.
Tuy nhiên, nhìn thấy 2 đứa con thơ đang yên giấc trong vòng tay mẹ, tôi lại có thêm động lực để vượt qua giai đoạn bĩ cực của cuộc đời, nuôi nấng các con nên người”, chị Thủy nghẹn ngào tâm sự.
Ông Hồ Văn Phin - Chủ tịch MTTQ Việt Nam xã Húc Nghì cho biết, những năm vừa qua, trên địa bàn xã phát hiện nhiều phụ nữ bị mắc chứng suy thận.
Mặc dù đã được chính quyền các cấp quan tâm, giúp đỡ nhưng do đặc thù của một xã vùng cao, kinh tế còn nhiều khó khăn nên hầu hết các bệnh nhân đều rơi vào hoàn cảnh kinh tế khánh kiệt sau nhiều năm chống chọi với bệnh tật, mong nhận được sự quan tâm của cộng đồng.
Quang Thành - Bảo Lâm