Mười ba tuổi, Vũ Linh đi theo các đoàn hát học lỏm nghệ sĩ trên sân khấu. Hai năm sau, ông chính thức gia nhập đoàn Hoa Anh Đào Kim Chưởng, trở thành học trò của NSƯT Diệu Hiền.

Vũ Linh bên ngoài nghịch ngợm, hay hát ngẫu hứng nên nhiều lần bị Diệu Hiền đuổi đánh. Dù vậy, bà nhận ra tố chất tiềm tàng trong cậu học trò nhỏ. 

Tuổi 23, Vũ Linh về đoàn danh tiếng Minh Tơ. Chỉ vỏn vẹn 3 tháng, Vũ Linh chính thức lên hàng kép chánh. Lúc này, nghệ sĩ đã nổi tiếng với vẻ điển trai. 

Đến tuổi ngoài 30, sau nhiều năm rong ruổi đi diễn, Vũ Linh về cộng tác với nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang 2. Sự nghiệp của nghệ sĩ bắt đầu tỏa sáng. 

Vũ Linh là cái tên hiếm hoi thanh sắc vẹn toàn trên sân khấu cải lương.

Giải thưởng trĩu tay của 'Thần tài sân khấu'

Từ kép tỉnh, việc gia nhập đời sống sân khấu chuyên nghiệp ở TP.HCM - nơi quy tụ nhiều nghệ sĩ tên tuổi - không dễ dàng. Dù vậy, Vũ Linh nhanh chóng bắt nhịp bởi sự tập trung cao độ, chăm chút cho nghề.

Lê Thiện, khi ấy là trưởng đoàn 2 Nhà hát Trần Hữu Trang, thấy Vũ Linh nhanh nhẹn, sáng tạo, luôn đầu tư từng vai diễn. Bà nhận xét, các gia tộc hàng đầu trong mảng tuồng cổ như Minh Tơ, Huỳnh Long chỉ thiên về diễn nhưng ca không xuất sắc. 

Trong khi đó, Vũ Linh là cái tên hiếm hoi thanh sắc vẹn toàn khi vừa điển trai, phong thái hào hoa, giọng ca, diễn xuất và vũ đạo đều đạt đến độ chín muồi, hơn hết là có tư duy đạo diễn. 

Không ngoài dự đoán của Lê Thiện, năm 1991, Vũ Linh đoạt Giải thưởng Trần Hữu Trang - danh giá nhất bộ môn cải lương - mùa đầu tiên cùng Tài Linh, Thanh Thanh Tâm, Phương Hồng Thủy, Thanh Hằng và Ngọc Huyền. 

Ban đầu, giải này vốn giới hạn đối tượng nghệ sĩ tham dự không quá 35 tuổi. Bốn năm sau, Giải thưởng Trần Hữu Trang mở thêm hạng mục Xuất sắc, Vũ Linh - ở tuổi 37 - tiếp tục trở thành nghệ sĩ đầu tiên đoạt giải.

Điều đáng nói, Vũ Linh giành huy chương Vàng không bởi vai sở trường kép đẹp mà là kép lão. Anh hóa thân tài tình thành lão tướng Nguyễn Địa Lô trong vở Bức ngôn đồ Đại Việt, chinh phục tuyệt đối hội đồng giám khảo. 

Vũ Linh (bên trái) đoạt giải Trần Hữu Trang năm 1991.

Những nghệ sĩ hàng đầu trong cải lương như Thanh Tòng, Diệp Lang, Bạch Tuyết, Diệu Hiền, Lê Thiện... đều thừa nhận tài năng của Vũ Linh. Ở thời đỉnh cao, ông là kép chánh không có đối thủ. 

Vũ Linh được mệnh danh "Ông hoàng cải lương Hồ Quảng" khi góp phần đưa sân khấu cải lương tuồng cổ trở lại giai đoạn vàng son với các vở Xa phu đi sứ, Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, Xử án Bàng Quý Phi, Ngọc Kỳ Lân, Thần Nữ dâng Ngũ Linh kỳ, Chiêu Quân cống Hồ, Tiết Đinh San cầu Phàn Lê Huê, Trảm Trịnh Ân...

Thập niên 1990, khi video cải lương thịnh hành, Vũ Linh tiếp tục ghi hình khoảng 400 sản phẩm tuồng cổ, hương xa và xã hội, giúp tên tuổi ông lan ra hải ngoại. 

Giai đoạn đó, NSƯT từ quay 2 - 3 ngày/vở đến 1,5 ngày/vở. Cường độ làm việc cao, có lúc Vũ Linh stress, mỗi ngày chỉ ngủ vài tiếng, quay kịch bản này chưa xong đã phải học kịch bản khác. Từ đây, ông có thêm danh xưng "Ông hoàng video".

Một danh xưng khác của Vũ Linh là "Thần tài sân khấu". Giai đoạn hoàng kim, Vũ Linh và Tài Linh là cặp nghệ sĩ cải lương "sóng thần". Họ đi diễn ở đâu, khán giả ùn ùn kéo tới nơi đó. 

Một đêm diễn ở Đầm Môn (Vạn Ninh, Khánh Hòa), cặp Vũ Linh - Tài Linh "hút" 12.000 khán giả - con số không tưởng thời đó. Ông "nhìn ra ngoài mà cứ tưởng rừng đuốc". 

Vũ Linh đóng góp lớn cho nghệ thuật cải lương tuồng cổ.

Vì thế, các bầu show kháo nhau đêm diễn nào có Vũ Linh thì yên tâm "cháy" vé không kể đoàn nào, có ai, thời lượng ông xuất hiện bao lâu. Nhiều đoàn chấp nhận trả ông một nửa doanh thu đêm diễn chỉ để lấy tên Vũ Linh trên băng rôn, áp phích. 

Thậm chí, NSND Bảy Nam sinh thời từng mời Vũ Linh và Tài Linh đến nhà để trò chuyện. Đại thụ của kịch nói, theo lời của NSND Kim Cương, thừa nhận là khán giả trung thành của cặp đôi.

NSND Hồng Vân nói với VietNamNet, "kịch nói có Thành Lộc thì cải lương có Vũ Linh". Bà gọi họ là "song hùng kỳ hiệp" của hai lĩnh vực sân khấu. 

Cuối đời bệnh tật của 'Ông hoàng'

Khi cải lương thoái trào, cuối thập niên 1990, Vũ Linh thử sức làm bầu show. Đoàn của ông vừa thành lập không lâu đã gặp trắc trở. Những chuyến lưu diễn liên tiếp thất bại, ông buồn bã giải tán đoàn.

Sau đó, Vũ Linh gặp loạt biến cố gia đình khi mẹ mất, con gái nuôi bỏ nhà đi. Nghệ sĩ khủng hoảng tinh thần, muốn buông xuôi, sự nghiệp cũng vì thế mà gián đoạn. 

Năm 2010, NSƯT dồn tâm huyết sản xuất chương trình Người đưa đò, góp phần nâng đỡ nhiều tên tuổi mới như Vũ Luân, Bình Tinh, Thy Trang, Lê Hồng Thắm...

Vũ Linh thời trẻ.

Thương hiệu này thực hiện được 5 năm thì dừng do thua lỗ, lép vế trước các loại hình giải trí hấp dẫn khác của thời đại. Vũ Linh từng khao khát thực hiện Người đưa đò 6 nhưng ý định này mãi mãi dở dang.

Những năm cuối đời, Vũ Linh gần như vắng bóng. Ông mắc bệnh ung thư trực tràng, bệnh khớp và cột sống. Bệnh tật khiến ông yếu, không thể đứng lâu hay biểu diễn vũ đạo. Gia đình cháu gái - ca sĩ Hồng Phượng đã dọn đến sống chung để tiện chăm ông. 

Từ năm 2019 đến nay, ông chỉ góp mặt trong các đêm diễn của Hồng Phượng, nghệ sĩ Phương Hồng Thủy, nghệ sĩ Hồng Nga, con gái nuôi - nghệ sĩ Bình Tinh, cặp nghệ sĩ Chí Linh - Vân Hà...

Mỗi lần hiếm hoi nghệ sĩ xuất hiện đều khiến đêm diễn cháy vé dù thời vàng son của cải lương hay của chính ông đều đã đi vào quá vãng. Đặc biệt, khi trở lại sân khấu Huỳnh Long diễn vở Mạnh Lệ Quân kỳ nữ cùng Bình Tinh, Vũ Linh tạo cơn sốt.

Ban tổ chức phải kê thêm ghế phụ theo yêu cầu của khán giả, một số khác chạy vào hậu trường để nhìn tận mắt "Ông hoàng" hiện tại.

Vũ Linh những năm cuối đời bên cháu gái.

Bình Tinh - đóng vai chính Mạnh Lệ Quân - nhiều khoảnh khắc quên mình là nghệ sĩ, say sưa xem cha nuôi diễn. Sau chương trình, nhiều video đối đáp xéo xắt, hài hước của Vũ Linh trong vai hoàng thượng hút lượt xem trên mạng xã hội. 

Bình Tinh nói với VietNamNet, cha nuôi Vũ Linh chưa bao giờ từ chối lời mời show do kiêu căng. Ông hạn chế xuất hiện vì tôn trọng khán giả, không muốn mang đến họ diện mạo kém sắc hay giọng ca xuống phong độ.

Tuổi cao sức yếu, Vũ Linh dồn tình yêu, tâm huyết và tinh hoa nghề nghiệp truyền cho các con nuôi Bình Tinh, Vũ Luân. Những đêm diễn hiếm hoi tham gia, ông cũng thường xuyên dạy các diễn viên cải lương trẻ. 

Cứ thế, Vũ Linh sống thầm lặng. Ông không dư dả cũng không túng thiếu, cuộc sống vẫn giản dị như gần 50 năm trong nghề. Ông vui vầy bên cháu (con trai Hồng Phượng), thỉnh thoảng đón tiếp đồng nghiệp đến thăm và trở lại sân khấu nếu đủ khỏe.

Nhờ vậy, hình ảnh của Vũ Linh luôn đẹp trong mắt khán giả, đến tận phút cuối đời. 

Vũ Linh diễn 'Mạnh Lệ Quân kỳ nữ' năm 2022