Stephen Hawking là một huyền thoại khoa học của thế giới, đã qua đời ở tuổi 76 vào năm 2018. Ông thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông với vai trò là một nhà vật lý lý thuyết, vũ trụ học hàng đầu thế giới, chuyên gia về lỗ đen.

Tuy nhiên, trong cuốn sách "Hawking Hawking: Câu chuyện về một huyền thoại khoa học", tác giả Charles Seife, giáo sư báo chí tại Học viện Báo chí Arthur L. Carter của Đại học New York, đã phát hiện ra nhiều nghịch lý trong sự nổi tiếng của Hawking.

hawking 1.jpg
Cuốn sách rất hữu ích với những người quan tâm đến thế giới vật lý học, đặc biệt là vật lý lý thuyết.

Hawking là biểu tượng cuối cùng cho sự chiến thắng của trí óc. Hawking là người đàn ông thông minh nhất thế giới, một bộ óc vô song. Hawking đã trở thành nhà khoa học còn sống nổi tiếng nhất thế giới vào khoảng một phần ba cuối đời mình.

Thế nhưng sự nổi tiếng đó ít nhiều lại không liên quan đến những đóng góp khoa học thực tế của Hawking. Sự chú ý của báo chí lại thường không liên quan đến bất kỳ thành tựu nghiên cứu khoa học nào của Hawking. Rất nhiều người biết đến và yêu mến Hawking vẫn không biết chính xác ông làm gì để có được danh tiếng ấy.

Nếu như Hawking của công chúng là biểu tượng cho sự chiến thắng của trí tuệ vượt lên trên bệnh tật, thì trên thực tế, tình trạng khuyết tật của Hawking lại là điều ảnh hưởng và định hình mọi mặt trong cuộc sống của ông: Triển vọng, khoa học, cuộc sống gia đình. 

Đối với công chúng, mọi thứ Hawking làm đều phi thường, nhưng đối với Hawking, ánh hào quang đó thậm chí khiến ông không có can đảm để chỉ là chính mình.

Với nguồn tài liệu phong phú và am hiểu về truyền thông, Seife mang đến góc nhìn mới lạ, đa chiều về Hawking. 

Để làm được điều này, ông áp dụng cách viết quay ngược thời gian khác biệt với hầu hết tiểu sử thông thường. Bắt đầu từ 2018 - thời điểm Hawking được công chúng biết đến nhiều nhất, Seife đi dần về quá khứ, thời niên thiếu và thơ ấu của nhà khoa học và cho độc giả thấy những khía cạnh ít được biết đến về ông. Cuối cùng, chân dung Hawking hiện lên với những tính cách đặc trưng: "Nóng nảy, kiêu ngạo và nhẫn tâm" nhưng cũng “ấm áp, hóm hỉnh và thông minh".

Những trang sách đưa độc giả du hành trở lại thời trẻ của Hawking để có thể hiểu được cách ông thu nhận và hình thành những hiểu biết khoa học quan trọng như thế nào. 

Đặc biệt, Seife đã làm rõ những đóng góp quan trọng của Hawking cho ngành vũ trụ học - điều công chúng thường xuyên bỏ qua hoặc cảm thấy quá khó để hiểu. Khi ông bắt đầu nghiên cứu vào đầu những năm 1960, lĩnh vực vũ trụ học giống như một vũng nước tù túng, một lĩnh vực nghiên cứu không có tiến bộ đáng kể nào trong nhiều thập niên. Vào thời điểm ông qua đời, đây được cho là lĩnh vực thú vị nhất trong vật lý.

Gấp lại những trang sách, đọng lại trong tâm trí nhiều người đọc là hình ảnh của Hawking đầy bí ẩn và phi thường: Luôn phải tìm cách kiếm tiền để chi trả cho cuộc sống và sức khỏe của mình; Không thích bị đem ra so sánh với Newton nhưng lại làm việc cật lực để xứng đáng với danh hiệu đó; Phải sống với chứng xơ cứng teo cơ trong 55 năm cuộc đời, với án tử luôn treo trên đầu, nhưng đã làm được nhiều điều kỳ diệu như khám phá vật lý mới, viết sách khoa học bán chạy nhất, bay vòng quanh thế giới, nuôi dạy ba người con.

Được biết, những công trình của Stephen Hawking được đánh giá là "chiếc chìa khoá mở cửa vào vũ trụ". Ngoài hoạt động nghiên cứu, Hawking còn viết sách. Cuốn "Lược sử thời gian" của ông viết năm 1988 được liệt vào những cuốn sách bán chạy nhất thế giới với tổng số bản in lên tới 10 triệu bản, dịch ra 40 thứ tiếng, trong đó có bản dịch ra tiếng Việt.

Bộ sưu tập những giải thưởng khoa học, học vị "Tiến sĩ danh dự" và các danh hiệu khoa học mà Stephen Hawking được trao tặng có lẽ phong phú nhất hành tinh.

Đánh giá về cuốn sách "Hawking Hawking: Câu chuyện về một huyền thoại khoa học", Declan Fahy của tạp chí Science nhận xét: "Cuốn tiểu sử đã thành công trong việc giải cứu nhà khoa học phức tạp này khỏi vô số hình ảnh méo mó của sự nổi tiếng. Cuốn sách nhân bản hóa Hawking nhưng cũng bộc lộ cốt lõi bi thảm trong sự nổi tiếng của ông".

Còn Frank Wilczek ở New York Times đánh giá cuốn sách đã được nghiên cứu cẩn thận với nguồn tài liệu phong phú... Seife đã thành công trong việc đưa ra những câu chuyện hiếm hoi và khó tiếp cận, vốn là trọng tâm trong đóng góp của Hawking cho khoa học, theo cách dễ đọc với độc giả thông thường. 

"Hawking Hawking: Câu chuyện về một huyền thoại khoa học" gồm 3 phần chính. Phần I – Đổ chuông, với 5 chương: Kế tục Newton (2018); Gợn sóng (2014–2017); Mô hình (2012–2014); Bản thiết kế vĩ đại (2008–2012); Nhượng bộ (2004–2007).

Phần II – Va chạm với 7 chương: Biên giới (1998–2003); Thông tin (1995–1997); Hình ảnh (1990–1995); Tốc biến (1987–1990); Bùng nổ (1981–1988); Lạm phát (1977–1981); Thiên nga đen (1974–1979).

Phần III – Truyền cảm hứng, gồm 5 chương: Vật đen tuyệt đối (1970–1974); Lỗ đen (1965–1969); Điểm kỳ dị (1962–1966); Vật chất nguyên thủy (1942–1962); Trên đôi vai của những người khổng lồ.

Cuốn sách rất hữu ích với những người quan tâm đến thế giới vật lý học, đặc biệt là vật lý lý thuyết.

Hoài Thanh và nhóm PV, BTV