Cựu cán bộ ở TPHCM lập bàn thờ tại gia, đi xe lăn tới viếng Tổng Bí thư

Sáng sớm nay, bà Trần Thị Kim Hiến (68 tuổi, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12) là người đầu tiên đến Hội trường Thống Nhất. Bà Hiến đến đây trên chiếc xe lăn.

“Đêm hôm qua, tôi không ngủ được, sớm nay dậy từ 3 giờ rồi bảo con gái đưa đi vì nóng lòng, mong nhanh đến thắp nén hương cho Tổng Bí thư” - bà bùi ngùi chia sẻ.

anh 6.jpg
Sáng nay, bà Trần Thị Kim Hiến là người đến viếng Tổng Bí thư sớm nhất. Ảnh: H.V.

Là cựu cán bộ phong trào, bà Hiến tham gia hoạt động từ ngay sau ngày giải phóng miền Nam. Nhiều năm nay, bà bị căn bệnh suy tim hành hạ, đôi chân cũng đã yếu, không thể tự đi lại.

Ngày 19/7, khi nghe tin Tổng Bí thư qua đời, bà Hiến bủn rủn cả chân tay nhưng dặn lòng phải bình tĩnh, kìm nén cảm xúc vì mang nhiều bệnh trong người.

“Tôi bàn và được con cháu trong nhà đồng ý lập bàn thờ Tổng Bí thư vào ngày 20/7. Cả nhà đã làm di ảnh và mua hoa, in dòng chữ “Đồng bào cả nước khóc thương Tổng Bí thư” để đặt lên bàn thờ. Tôi sẽ thờ bác đến 49 ngày và ngày nào cũng thắp nhang đèn cầu nguyện” - bà Hiến nói với niềm tiếc thương.

"Vì sao tôi lập bàn thờ bác Nguyễn Phú Trọng?" - bà tự hỏi rồi trả lời. "Vì bác Trọng là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là người lãnh đạo vì dân, vì nước, cả một đời thanh bạch cống hiến cho Tổ quốc, nhân dân. 

Tôi bị bệnh nên mới phải nghỉ công tác, chứ tâm nguyện vẫn muốn noi theo bác Trọng suốt đời làm việc vì mọi người” - bà Hiến bày tỏ.

Nữ giáo viên về hưu làm thơ viếng Tổng Bí thư

Trong dòng người sáng nay, có một phụ nữ mang di ảnh Tổng Bí thư cùng một bài thơ tự sáng tác. Bà tên là Nguyễn Thị Tuyết (66 tuổi, ngụ TP Bến Cát, Bình Dương), cựu giáo viên đã nghỉ hưu.

Bà Tuyết cho biết vì nhà ở xa hơn 40km nên dậy từ nửa đêm, chuẩn bị mọi thứ để sáng sớm bắt xe lên TPHCM kịp giờ viếng Tổng Bí thư.

dianh 4.jpg
Bà Nguyễn Thị Tuyết mang theo bài thơ mình sáng tác đến viếng Tổng Bí thư. Ảnh: CTV

Người cựu giáo viên này cho biết khi hay tin Tổng Bí thư ra đi, ngoài sự tiếc thương, bà cũng nghĩ phải làm một việc nào đó để thể hiện nỗi niềm.

“Với dòng cảm xúc vô tận, tôi đưa tình cảm của mình với Tổng Bí thư vào bài thơ mới làm chiều hôm qua (25/7).

Bài thơ có tựa đề “Ngậm ngùi nhớ bác”. Trong thơ, tôi đưa vào những phẩm chất cao cả, sự đóng góp lớn lao của vị lãnh đạo cao nhất của Đảng cũng như tỏ lòng tôn kính của mình với ông” - bà Tuyết chia sẻ.