Phút nghẹn lòng của phi công 14 năm ngồi sau buồng lái
Thời khắc vợ vượt cạn trong bệnh viện, phi công Bùi Thái Sơn vẫn đang... trên trời với chuyến bay từ Việt Nam sang Hàn Quốc. Khi máy bay hạ cánh, anh mới nhận được tin nhắn con đã chào đời.
Tốt nghiệp chuyên ngành Ngôn ngữ Tây Ban Nha, Trường Đại học Hà Nội, Nguyễn Thị Lan Anh (SN 1992) trở thành nhân viên Đại sứ quán Chile tại Việt Nam với vị trí trợ lý lãnh sự - một công việc mơ ước của bất cứ sinh viên mới ra trường nào.
Nhưng làm được một thời gian, cô nhận ra công việc bàn giấy an toàn và ổn định không phù hợp với mình. Khao khát được bay nhảy, khám phá thế giới của cô gái 22 tuổi đã thúc đẩy cô thoát ra khỏi vùng an toàn để tìm đến với công việc tiếp viên hàng không.
Lan Anh không ngại ngần thừa nhận: “Tôi đến với nghề tiếp viên hàng không không hẳn vì đam mê, mà vì muốn trải nghiệm những gì mà tôi cho rằng cơ hội nghề nghiệp này sẽ mang tới cho mình. Ai đến với nghề cũng sẽ có những lý do riêng”.
Lần đầu tiên đến TPHCM thi tuyển vào hãng hàng không Emirates (hãng hàng không quốc gia Dubai), cô trượt trong sự ngỡ ngàng. Không nản lòng, 6 tháng sau, Lan Anh thi tiếp lần 2 và trúng tuyển.
Bài học đầu tiên về sự đa dạng văn hóa
“Tại sao tôi lại chọn Emirates? Bởi vì đây là hãng hàng không quốc tế. Họ có những chuyến bay đi khắp 5 châu. Cộng thêm lý do, ngày đó, các hãng hàng không trong nước rất ít tuyển dụng và cũng rất khó để trúng tuyển”.
Giống như bất kỳ cô gái trẻ nào, nghề tiếp viên hàng không mang đến cho Lan Anh nhiều thứ. Một trong những thứ đáng kể nhất là “hiểu biết của tôi về thế giới”. “Mặc dù khi học ở trường ngoại ngữ - cũng là một môi trường đa văn hóa và cởi mở, tôi đã được tiếp xúc nhiều với văn hóa nước ngoài, nhưng khi tận mắt chứng kiến và tiếp xúc, tôi mới thực sự cảm nhận được sự rộng lớn và đa dạng của thế giới ngoài kia. Những thứ mà chúng ta nhìn và nghĩ về họ, chưa chắc họ đã nghĩ như vậy”.
Một câu chuyện mà Lan Anh còn nhớ như in khi cô đang trong quá trình đào tạo tiếp viên ở Emirates. Trong một lần cả nhóm cùng ngồi trò chuyện, các thầy cô khuyến khích các tiếp viên tương lai chia sẻ những cảm nhận, sự hòa hợp, những khó khăn của mình trong thời gian ở Dubai.
Đến lượt Lan Anh, cô nói rằng cô cảm thấy rất may mắn khi sinh ra và lớn lên ở Việt Nam – nơi có văn hóa rất cởi mở về chuyện trang phục, ví dụ như khi ra đường, bạn có thể ăn mặc quần soóc, áo dây… theo ý thích của mình mà không hề bị phán xét. Nhưng với phụ nữ ở Dubai, họ không có nhiều sự tự do khi phải mặc trang phục truyền thống abaya che kín từ đầu đến chân.
“Tôi nói rằng, mặc như thế sẽ không thoải mái vì phải che giấu đi những phần đẹp nhất trên cơ thể người phụ nữ. Phụ nữ mất đi quyền được diện những bộ cánh thời trang…”.
“Điều tôi nói dường như rất đúng với suy nghĩ thông thường của người ngoài khi nhìn vào. Nhưng lúc ấy, cô giáo mới nói với tôi một điều mà tôi cũng cảm thấy ngỡ ngàng.
Cô hỏi ‘bạn có bao giờ đặt mình vào vị trí của họ không? Ngay từ khi sinh ra, họ đã sống trong một môi trường như vậy và nó cứ thế ảnh hưởng đến họ cho tới khi trưởng thành’. Cô nói, cách mà tôi nhìn họ cũng giống như cách mà họ nhìn tôi. Họ tin rằng mặc abaya là cách để bảo vệ phụ nữ khỏi những cám dỗ. Theo niềm tin của người theo đạo Hồi, những thứ như mái tóc, đường cong cơ thể của người phụ nữ là nơi khởi nguồn của tội lỗi.
Điều mà cô giáo của tôi muốn nói ở đây là mỗi người sinh ra trong một môi trường khác nhau sẽ có quan điểm, cái nhìn khác nhau. Cho nên, điều chúng ta luôn cần là duy trì một suy nghĩ rộng mở để đón nhận những nền văn hóa đa dạng ấy. Đó là bài học đầu tiên của tôi trước khi bước chân vào nghề”.
Đằng sau những hào nhoáng
Hiện tại, Lan Anh đã nghỉ công việc tiếp viên hàng không sau 3 năm làm việc cho Emirates. Cô quyết định trở thành cô giáo chuyên đào tạo ứng viên thi tuyển vào các hãng hàng không.
Cô giáo sinh năm 1992 khẳng định, công việc này mở ra cho các bạn trẻ rất nhiều cơ hội khám phá và trải nghiệm để phát triển bản thân. Tuy nhiên, nó không chỉ toàn “màu hồng” như nhiều người hình dung.
Suốt quãng thời gian đầu, Lan Anh đã bị “sốc” vì sự thay đổi môi trường làm việc. “Trước đây, khi còn làm ở sứ quán, tôi ở tâm thế người ta cần mình nhiều hơn, còn khi làm tiếp viên hàng không, tôi ở thế phục vụ khách hàng. Hơn nữa, trong môi trường làm việc ở sứ quán, tôi được tiếp xúc với những người rất lịch sự. Còn trên các chuyến bay, tôi phải tiếp xúc với đủ tầng lớp, đủ các tôn giáo, nền văn hóa với đủ tính cách, trạng thái khác nhau của khách hàng”.
“Mọi người chỉ hay nhìn thấy, hoặc chính các tiếp viên cũng chỉ hay khoe những cái hay, cái đẹp như được đi du lịch nước ngoài, quần áo là lượt… Đó là những thứ hào nhoáng của công việc. Còn những khi bị khách mắng mỏ, coi thường, những khi phải dọn bãi nôn, dọn rác của khách để lại thì không ai kể cả.
Thời điểm đầu khi chưa thích nghi được, có những hôm về nhà sau một chuyến bay, tôi chỉ muốn nộp đơn xin nghỉ việc”.
Lan Anh còn nhớ trong một chuyến bay sang Ảrập Xê-út, sau khi phục vụ xong, cả nhóm ngồi ăn ở khu vực bếp. Đặc thù của Ảrập là người giàu rất nhiều. Mỗi gia đình thường có 1-2 giúp việc trong nhà và thường là người Đông Nam Á như Philippines, Indonesia, Việt Nam.
Khi Lan Anh đi từ phía bếp lên khoang hàng khách, cô đi qua một cặp mẹ con thì vô tình nghe thấy cậu bé quay sang nói với mẹ: “Mom, the maids are eating” (Mẹ ơi, mấy người giúp việc/người hầu đang ăn).
Cảm xúc lúc ấy của Lan Anh hay bất cứ tiếp viên nào nghe thấy câu nói đó chắc chắn đều không thoải mái. Tất nhiên, vì đang “làm dâu trăm họ” nên cô chỉ coi như chưa từng nghe thấy gì.
Một lần khác, cô được một người mẹ nhờ dắt con chị đi vệ sinh. Dù không phải là nhiệm vụ của tiếp viên nhưng cô cũng vui vẻ nhận lời. Cô cẩn thận dặn người mẹ nhớ vào đón bé về chỗ vì cô còn phải phục vụ rất nhiều hành khách khác.
Nhưng một lúc sau, bà mẹ tức giận tìm cô để mắng sa sả: “Ai cho phép cô để con tôi ở một mình trong nhà vệ sinh?”.
“Tôi giải thích với chị ấy là tôi đã dặn trước chị phải ra đón bé, vì tôi rất bận cho những công việc khác nhưng chị vẫn không chấp nhận lời giải thích đó và còn đòi kiện hãng. Tất nhiên, vì tôi không làm sai nên không bị làm sao cả”.
Vì làm việc cho một hãng bay quốc tế, mỗi chuyến bay kéo dài từ tám tới mười mấy tiếng đồng hồ nên có rất nhiều tình huống xảy ra cần tiếp viên phải giải quyết.
“Có những vị khách uống rượu say, cầm chiếc điều khiển tivi đứng lên hát giữa khoang. Những hành khách khác lại gọi tiếp viên để xử lý, mà người say thì đâu biết gì – người ta chửi bậy, cư xử bất lịch sự… đủ cả”.
Những thiên thần ‘thắp lửa’
Bên cạnh áp lực từ phía khách hàng, bất cứ tiếp viên nào cũng phải trải qua nỗi kinh hoàng mang tên chênh lệch múi giờ. “Sự thay đổi nào cũng có thể thích nghi được trừ sự thay đổi về múi giờ. Có những tuần tôi bay đủ 5 châu lục. Lệch múi giờ khiến tôi mất ngủ, thậm chí liên tục 2 ngày trời không ngủ được”.
Lan Anh còn nhớ một chuyến bay sang Australia, khi cô đang trong trạng thái vô cùng thiếu ngủ, mệt mỏi thì bỗng nhiên một cậu bé 5-6 tuổi rất đáng yêu mở tấm rèm khu bếp, khẽ khàng hỏi: “Con có thể giúp gì cho cô không?”.
“Trong đầu tôi thầm thốt lên: ‘Ủa, thiên thần đáng yêu này từ đâu bước vào cuộc đời tôi thế này?’. Sau đó, tôi tặng cậu bé kẹo sô-cô-la rồi chúng tôi ngồi nói chuyện. Nói chuyện được một lát thì cậu bé dừng lại, nhìn vào tôi và hỏi ‘hình như cô bị thiếu ngủ phải không?’. Cậu bé bảo: “Cháu thấy mắt cô có quầng thâm kia kìa! Cô phải ngủ nhiều vào nhé, phải giữ gìn sức khỏe nhé. Công việc này vất vả lắm đúng không?’. Cảm xúc của tôi lúc ấy như muốn vỡ òa”.
Một trong những yếu tố giúp Lan Anh thích nghi và vượt qua cú “sốc” thời điểm đó chính là những vị khách dễ thương, tử tế như cậu bé kia.
Một lần khác, cô gặp người đồng nghiệp lớn tuổi vô cùng tốt bụng. Khi nghe cô tâm sự về việc bị khách hàng coi thường, đối xử bất lịch sự, người này đã nói một câu khiến cô nhớ mãi.
“Thực ra đã làm ngành dịch vụ thì bạn phải chấp nhận tất cả những việc đó. Nhưng tôi cũng muốn chia sẻ một mẹo nhỏ giúp bạn đối mặt với những tình huống đó dễ dàng hơn. Đó là mỗi khi bị mắng, bạn hãy coi khách hàng đang mắng bộ đồng phục mà bạn đang mặc trên người. Bởi vì nếu bạn không mặc bộ đồng phục ấy thì không ai có quyền mắng bạn cả. Và việc chúng ta bị mắng chỉ xảy ra trong khoảng thời gian đó thôi”.
Đó thực sự là bí quyết giúp Lan Anh ‘sống sót’ suốt những năm làm việc ở Emirates.
“Có lần, tôi bị mệt trong chuyến bay. Cô tiếp viên trưởng cũng quan tâm, chăm sóc tôi như mẹ ở nhà. Máy bay hạ cánh, cô đưa tôi tới phòng khám và đợi tôi khám xong mới về, mặc dù lúc đó đã khá muộn rồi.
Những con người ấy khiến tôi cảm thấy thực sự yêu công việc này. Nếu không có họ thì sẽ không có tôi ngày hôm nay”.
Lan Anh một lần nữa khẳng định, đây là công việc đã mang lại cho cô trải nghiệm phong phú nhất từ trước đến nay. Nếu ai đó hỏi rằng được lựa chọn lại thì có chọn nghề tiếp viên hàng không không, thì câu trả lời chắc chắn của cô vẫn là giữ nguyên sự lựa chọn đó.
Ảnh: NVCC
Thời khắc vợ vượt cạn trong bệnh viện, phi công Bùi Thái Sơn vẫn đang... trên trời với chuyến bay từ Việt Nam sang Hàn Quốc. Khi máy bay hạ cánh, anh mới nhận được tin nhắn con đã chào đời.
Mở đầu câu chuyện, cơ trưởng Tô Ngọc Giang (Hãng hàng không Vietnam Airlines) thú nhận, cơ duyên đến với nghề bay của anh khá bất ngờ.
Trở thành phi công là công việc mà cách đây 5 năm Hà Thu Hường - cơ phó Đội bay A321 không từng nghĩ là mình sẽ làm và có thể làm được.