Mới đây Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 15/2022/TT-BKHCN về Quy định quản lý Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng, sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030. Chương trình này được phê duyệt tại Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020.

Đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia thuộc Chương trình, Thông tư 15 quy định về việc xác định nhiệm vụ; tuyển chọn, giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ; ký hợp đồng, kiểm tra, điều chỉnh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ; quy định về yêu cầu và trách nhiệm đối với tổ chức chủ trì, chủ nhiệm nhiệm vụ cấp quốc gia.

Bên cạnh đó là các yêu cầu đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Chương trình như: có tính cấp thiết, phù hợp với mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ và giải pháp của Chương trình; có khả năng duy trì, nhân rộng kết quả sau khi kết thúc.

Ảnh minh họa: Anh Hào.

Một yêu cầu nữa là kết quả, sản phẩm được áp dụng thực tiễn hoặc giải quyết các vấn đề về lý luận, khoa học trong lĩnh vực năng suất, chất lượng; có tác động tới thúc đẩy năng suất, chất lượng doanh nghiệp, địa phương, ngành và quốc gia.

Doanh nghiệp được hỗ trợ từ Chương trình là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa chủ lực của quốc gia, ngành, lĩnh vực và địa phương.

Ở Sóc Trăng mới đây cũng có đề tài “Đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp tại tỉnh Sóc Trăng”. Đề tài nhằm khảo sát, đánh giá thực trạng hoạt động cải tiến năng suất, các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đề xuất những giải pháp thúc đẩy các hoạt động nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; xây dựng bộ công cụ hướng dẫn hoạt động đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp.

Anh Hào