Tháng 2/2023, Ban Thường vụ Huyện ủy Quảng Ninh, Quảng Bình đã ban hành Kế hoạch về thực hiện mô hình “Dân vận khéo” giúp các bản thuộc 2 xã Trường Sơn, Trường Xuân phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh trật tự (gọi tắt là Kế hoạch số 72).
Các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền 2 xã và các bản tổ chức khảo sát, họp dân, xác định nhu cầu cần hỗ trợ. Trên cơ sở các ý kiến, kiến nghị của bà con dân bản và chính quyền địa phương đồng thuận, các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn nhận giúp đỡ xây dựng kế hoạch chi tiết với mục tiêu bảo đảm kinh tế- xã hội.
Xuất phát từ các sáng kiến cộng đồng của người dân, đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều ở các bản thuộc xã Trường Xuân và Trường Sơn đã xây dựng được khá nhiều mô hình về chăn nuôi, trồng trọt, xây dựng các thiết chế văn hóa, công trình vệ sinh, nước sạch sinh hoạt cộng đồng...
Nằm cách trung tâm xã Trường Sơn khoảng 10km theo đường sông, bản Hôi Rấy có 35 hộ đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều sinh sống với 138 nhân khẩu. Giao thông cách trở, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.
Sau khi khảo sát, nắm bắt nguyện vọng của bà con, tháng 7/2023, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Quảng Ninh hỗ trợ thực hiện mô hình sinh kế chăn nuôi lợn bản địa cho 10 hộ gia đình. Mỗi hộ được hỗ trợ 3 con lợn giống, 75kg bột thức ăn và một phần thuốc thú y. Trong quá trình thực hiện, các hộ hưởng lợi được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và được cán bộ chuyên môn trực tiếp hướng dẫn quy trình làm chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi lợn…
Sau hơn 1 năm, mô hình đã đưa lại hiệu quả kinh tế cho người dân, bà con phấn khởi nên không chỉ các hộ hưởng lợi mô hình tiếp tục phát triển tái đàn mà bà con dân trong bản cũng đã làm theo. Nhìn chung, nhận thức của bà con đã có sự thay đổi, đã chú trọng vào việc làm ăn để chăm lo cuộc sống gia đình.
Ông Hoàng Trọng Đức, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn cho biết, việc thực hiện Kế hoạch số 72 của Huyện ủy Quảng Ninh đã thực sự làm thay đổi cơ bản diện mạo các bản làng cũng như tư duy, nhận thức của đồng bào xã Trường Sơn. Cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa, các công trình phúc lợi xã hội ở các bản được đầu tư xây dựng, đời sống vật chất tinh thần của bà con ngày càng được nâng lên rõ rệt.
Ngoài ra, các đơn vị, địa phương phối hợp với xã Trường Sơn, Trường Xuân và Đồn Biên phòng Làng Mô, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho bà con dân bản. Thông qua các đoàn thể trực thuộc để vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân huy động từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đóng góp nguồn lực thực hiện các mô hình “Dân vận khéo”.
Đến nay, sau gần 2 năm thực hiện Kế hoạch số 72, các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn đã huy động được gần 2,5 tỷ đồng và hàng trăm ngày công lao động để thực hiện các mô hình “Dân vận khéo” với nhiều công trình, phần việc có ý nghĩa.
Mô hình “Dân vận khéo” bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực, làm thay đổi diện mạo bản làng, chuyển biến nhận thức của bà con về tập quán sản xuất, sinh hoạt, tạo sự gắn kết tình đồng bào miền xuôi và miền ngược.
“Thời gian tới, huyện tiếp tục đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động, đẩy mạnh việc huy động nguồn lực gắn với phối hợp, lồng ghép thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án về phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các chương trình an sinh xã hội, chú trọng phát triển các mô hình sinh kế giúp đồng bào vươn lên thoát nghèo bền vững, bảo đảm quốc phòng-an ninh”, ông Hoàng Trung Đông, Bí thư Huyện Quảng Ninh nói.