Mỗi chúng ta đều có quyền chọn một cách sống cho riêng mình. Chỉ có điều nếu đã im lặng, nếu đã không dám ngăn cản những cái xấu vụn vặt thì cũng thôi than vãn và chê trách là được rồi.

Con trâu bị xe tải đụng chết tại đường Mỹ Phước – Tân Vạn, phường Bình Chuẩn (thị xã Thuận An, Bình Dương) vào khoảng 3h sáng cách đây vài hôm. Rạng sáng cùng ngày, người tham gia lưu thông qua địa phận ấy dùng dao xẻ thịt trâu, mang đi. Một ai đó dùng điện thoại quay lại hình ảnh ấy và tung lên mạng Internet.

Con trâu không phải động vật vô chủ, nó là sở hữu của ông Nguyễn Thành Ngọc (50 tuổi, ngụ phường Bình Chuẩn). Tuy nhiên, khi ông Ngọc nhận được tin báo chạy đến nơi thì thứ duy nhất còn sót lại chính là cái đầu trâu.

Bổ béo hay sung sướng gì một miếng thịt trâu trên đường để lại xuất hiện thêm một vụ hôi của (chắc từ chính xác là “hôi thịt”).

1. Đã không còn xa lạ những vụ hôi của khi người không may xảy ra tai nạn, cao trào là vụ hôi bia ở Đồng Nai, sau đó cứ kéo dài, loan đi. Chuyện hôi của phổ biến đến mức một vụ tai nạn giao thông khiến hàng hóa đổ tràn mặt đường, người dân ở khu vực xe gặp tai nạn không nhào vào giành giật hàng hóa ngay lập tức trở thành một thông tin trên báo. Trong lúc, đây lại là chuyện hết sức bình thường.

Có rất nhiều điều bình thường đang trở nên bất thường trong đời sống hiện nay, tôi chỉ đang nhắc đến những chuẩn mực đạo đức thông thường, hoàn toàn không có ý lạm bàn sang những vấn đề khác.

{keywords}

Hình ảnh người tham gia lưu thông dùng dao xẻ thịt trâu. (ảnh từ clip)

Một cậu thiếu niên phóng xe đạp điện va quệt với ôtô, cậu thiếu niên chờ hoài không thấy chủ ôtô nên viết giấy để lại số điện thoại liên lạc cùng lời xin lỗi. Đó là hành động rất văn minh, đó là ứng xử rất con người. Phút chốc, hành động đó trở thành cơn bão ấm áp thổi vào tận tâm can của triệu triệu người.

Một cậu bé con đang là học sinh tiểu học, điều khiển xe đạp đến trường thì va quệt phải chiếc taxi đang dừng đỗ. Cậu bé đứng lại xin lỗi, anh tài xế taxi kể lại câu chuyện ấy và nhanh chóng biến thành một làn sóng thông tin.

Nếu tôi nhớ không nhầm, cách đây áng hơn hai mươi lăm năm, khi tôi còn học tiểu học thì bài học đạo đức mà tôi được dạy chính là, đi thưa về chào, có lỗi phải biết xin lỗi, gặp người lớn khoanh tay cúi đầu vấn an.

Tại sao những bài học đạo đức hết sức thông thường ấy, hết sức phổ thông ấy hiện tại lại biến thành những điều kỳ lạ, những sự tích cực, những động thái đáng khen ngợi. Tôi thật sự không thể nào lý giải nổi đến tận tường.

Trở lại câu chuyện con trâu chết giữa đường, cá nhân tôi không nghĩ những người tham gia xẻ thịt trâu mang về nhà là những người tham lam, ích kỷ, vụ lợi hay vụn vặt nhỏ nhen. 

Tôi thiên về nhận định có lẽ họ không kìm chế được bản năng bộc phát trong một khoảnh khắc nào đó. Và bản năng này lại được cổ vũ động viên thêm từ những cá nhân khác cũng đang hăm hở lao vào chia phần thịt trâu. Tâm lý mình có làm gì sai đâu, ai cũng vậy mà khiến người ta không còn đủ thời gian suy xét rằng mình đang thực hiện hành vi đúng hay sai.

Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là không có lời cảnh tỉnh nào cho hành vi ấy vào đúng thời điểm ấy, ngoại trừ ánh mắt bàng quan của người qua đường, người đứng chứng kiến và một đoạn clip quay lại toàn bộ vụ việc.

Những năm tháng còn ấu dại, lũ trẻ nhà quê chúng tôi có niềm vui là mỗi lúc tan trường là xông vào những lớp kế bên để tìm giấy vụn. Giấy vụn được mang về xếp mo, những cái mo được dùng trong trò chơi tạt mo bằng dép lào. Kiểu trẻ con nhà quê thích chơi gì thì chơi thôi, thứ gì cũng thiếu thốn ngoài tiếng cười.

{keywords}

Lực lượng chức năng phong tỏa hiện trường vụ tử vong do đuổi theo kẻ trộm chó ở Bình Dương. Ảnh: B.Sơn.

Thi thoảng, lũ trẻ chúng tôi nhặt được hộp mực, cây bút bi Hồng Hà hay cây thước kẻ bằng nhựa của ai đó để sót trong ngăn bàn. Không ai bảo ai, chúng tôi tìm đến thầy Phụ trách Đội để nộp lại và thông báo vị trí nhặt được. Thông báo xong lại tiếp tục chạy về xóm làm mo chơi cùng nhau, hoàn toàn không nghĩ đến những thứ mình nhặt được nữa.

Là làm sao, nhỉ? Là chẳng làm sao cả đâu, bởi chúng tôi được các thầy cô dạy rằng, vật không phải của mình thì không lấy, vật nhặt được phải trả lại cho người đánh mất. Không tìm được người đánh mất thì phải nộp lại cho người có trách nhiệm để người có trách nhiệm tìm cách thông tin nhằm trả lại vật ấy.

Chúng tôi được các thầy cô giáo dục kỹ đến mức, thấy viên đá to trên đường làng không ai bảo ai đều khuân viên đá đặt vào vệ đường để xe cộ qua lại không bị vấp, thấy một cành cây đổ rạp rủ nhau xếp tém lại cho gọn gàng. Thực hiện xong lại bỏ đi thôi, không nghĩ ngợi gì cả đâu, cũng không nhớ gì cả đâu.

Đó không phải là điều tốt, đó đơn giản chỉ là điều cần phải làm, cho đến giờ tôi vẫn tin là như vậy.

Năm tôi học lớp bốn, mải chơi đá bóng tôi để quên hết cặp sách, quần dài áo trắng ở một góc sân trường. Cứ lững thững quần đùi đi bộ một mạch về nhà, tính tôi hậu đậu hay quên từ bé. Ba má tôi giận lắm, đánh cho một trận còn đau đến giờ. Sáng hôm sau, tôi đến trường thì nhận lại được toàn bộ đồ hôm qua để quên từ thầy Phụ trách Đội. Có lẽ, bạn nào đó nhặt được đồ của tôi để quên cũng đã hành xử như tôi trước đó vậy.

Những thứ đơn giản thuần khiết ấy, chúng ta đã đánh rơi ở đâu đó trong cuộc đời đầy vội vã và bận rộn này rồi chăng?.

2. Vài tuần trước, ở xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên xảy ra vụ nhốt kẻ trộm chó vào chuồng chó, cạnh bên là con chó nằm bất động. Tôi hiểu vì sao những người bị trộm chó lại ghét những kẻ trộm chó đến vậy, đã có đánh tử vong tại chỗ, đã có đánh tử vong trên đường đến bệnh viện, đã có đánh bật máu miệng, đã có hành hạ đủ trò. Kẻ trộm chó cũng có hiền lành gì đâu, đã có chủ chó phát hiện ra trộm chó truy đuổi và bị quay ngược lại tấn công đến mất mạng.

Gần nhất là vụ việc ở Bình Dương vừa xảy ra, chủ chó đuổi theo kẻ trộm chó vào buổi tối và đến trưa hôm sau gia đình mới phát hiện ra thi thể của ông dưới mương nước cạnh nhà. Người thân nghi ngờ ông bị những kẻ trộm chó tấn công bằng súng bắn điện.

{keywords}

Lá thư cậu bé học sinh để lại xin lỗi chủ xe sau khi va quệt với ôtô.

Tôi không biết mình đã viết bao nhiêu bài về vấn đề này nữa, tôi chỉ băn khoăn vì cho mãi đến giờ vẫn chưa có một sự điều chỉnh nào từ luật để ngăn chặn sự xung đột này. Bất chấp, sự xung đột ấy đã kéo dài nhiều năm với những hậu quả, những thảm kịch như mọi người đã chứng kiến. Tuy nhiên, đây là điều tôi không bàn trong bài viết này, tôi bàn về một điều khác.

Tại sao trong rất nhiều clip quay lại cảnh những người tấn công các đối tượng nghi là trộm chó, gần như không phát hiện ra được bất cứ một sự can ngăn hay phân tích đúng sai nào? Thay vào đó, chỉ là những tiếng chửi bới, kích động hoặc cùng nhau lao vào để tấn công thêm. Đó y như là một cơn lên đồng đầy bạo lực, thật sự rất dễ khiến người xem hốt hoảng.

Rất nhiều người hay trách bọn trẻ đánh nhau không thấy người can thiệp, chỉ thấy sự vổ vũ. Người lớn cũng vậy đấy thôi, người lớn thấy cảnh người hành hạ người cũng đâu có nhu cầu hay bật lên ý nghĩ phải can thiệp.

Cốt yếu nhất của vấn đề này tôi cho rằng chính là thái độ của cá nhân trước những hiện tượng, sự việc xảy ra xung quanh mình. Đừng nghe các chuyên gia tâm lý hay chuyên gia xã hội học cứ suốt ngày phân tích này kia kia nọ, toàn giáo điều và sách vở.

Con trâu gặp tai nạn bị đám đông hôi thịt và những đoạn clip hành hạ kẻ trộm chó, nữ sinh đánh nhau, đánh ghen cắt tóc xé quần áo… ngày càng xuất hiện nhiều, lan truyền nhiều chính là vì sự dửng dưng của người xung quanh.

Ai cũng thấy đó nhưng lờ đi, tự nhủ đó không phải là việc của mình. Ai cũng hiểu đó nhưng ngoảnh mặt đi, tự nhủ ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng làm gì. Ai cũng biết đó là sai quấy nhưng lại tìm cách thoái thác, thân ai nấy giữ phận ai nấy lo. Một số ít còn lại thì hào hứng rút điện thoại ra quay phim và nghĩ về độ nóng của thông tin mà họ sắp cập nhật trên mạng Internet với sự thú vị cao độ.

3. Khi tôi viết một bình luận ngắn liên quan đến vụ tai nạn giao thông rất thương tâm ở Hà Nội với đại ý, khi tai nạn xảy ra đã không có chiếc xe nào dừng lại để đưa nạn nhân đi cấp cứu. Rất nhiều ý kiến phản hồi lại cho rằng họ bận việc, họ sợ làm ơn mắc oán, họ ngại phiền phức với cơ quan chức năng, họ không muốn phải giải thích với người nhà nạn nhân… Thế nhưng, tựu trung thì cũng chỉ là sự giải thích cho câu hỏi: “Vì sao anh (chị) lại dửng dưng?”.

Tôi có đọc một đoạn luận về chuyện của con người: “Thấy hạt cơm rơi dưới đất, không nhặt lên để đặt lại trên bàn thì không yên tâm. Nhặt lên không phải để ăn tiếp, nhặt lên vì làm người thấy hạt cơm rơi thì phải nhặt lên, có vậy thôi”.

Sẽ có rất nhiều anh chị cười cợt tôi sau khi đọc xong bài viết này, bởi các anh chị sẽ viện dẫn ra nhiều hoàn cảnh khác nhau khiến anh chị cảm thấy an lòng khi thốt lên: “Thây kệ thiên hạ, mình làm tròn phận sự của mình là tốt rồi”.

Không sao cả, mỗi chúng ta đều có quyền chọn một cách sống cho riêng mình. Chỉ có điều nếu đã im lặng, nếu đã không dám ngăn cản những cái xấu vụn vặt thì cũng thôi than vãn và chê trách là được rồi.

Ngô Kinh Luân/ theo ANTG cuối tháng
Tiêu đề do Tuần Việt Nam đặt.