Để thực hiện hiệu quả mục tiêu chuyển đổi số và xây dựng chính quyền điện tử, phường Hòa Thuận Tây xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên và liên tục. Với nhiều cách làm đồng bộ, đến nay, phường đạt nhiều kết quả ấn tượng như tỷ lệ hồ sơ được xử lý hoàn toàn trực tuyến, toàn trình đạt 687/687 hồ sơ; thủ tục hành chính được cắt giảm thông qua kế thừa dữ liệu số đạt 100%; đạt 100% tỷ lệ sử dụng biên lai/phiếu thu/hóa đơn điện tử khi thu phí dịch vụ công…
Chủ tịch UBND phường Hòa Thuận Tây Võ Lê Anh cho hay, phường chú trọng triển khai các hoạt động truyền thông, tuyên truyền cổ động trực quan về chuyển đổi số nhằm góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức, đơn vị, cá nhân về vai trò, ý nghĩa của chuyển đổi số.
Cùng với đó là chia sẻ câu chuyện, bài toán, mô hình chuyển đổi số điển hình thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Địa phương phát động đợt thi đua tạo chữ ký số công dân để thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch điện tử trên địa bàn năm 2024; xây dựng ứng dụng HOA THUAN TAY SMART trên nền tảng Zalo với nhiều tiện ích về chuyển đổi số cho người dùng.
Đặc biệt, phường tổ chức thành công ngày hội “Kinh tế xanh - Sáng tạo số” với nhiều nội dung quan trọng về chuyển đổi số như chuẩn hóa thuê bao và đăng ký chữ ký số; hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán trực tuyến; hướng dẫn người dân đăng ký tạo tài khoản ngân hàng và thanh toán trực tuyến, cài đặt và sử dụng ứng dụng VSSID; giới thiệu về Sàn thương mại điện tử FIVESS; tổ chức hội thi Rung chuông vàng tìm hiểu về chuyển đổi số… Mặt khác, UBND phường đã kiện toàn 53 tổ công nghệ số cộng đồng và Đề án 06 với 385 thành viên, mỗi tổ từ 6-9 thành viên duy trì hoạt động thường xuyên.
Qua triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, quận Hải Châu đã xây dựng, phát triển chính quyền số giúp mang lại sự hài lòng cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Theo đó, tỷ lệ hồ sơ được xử lý hoàn toàn trực tuyến, toàn trình (đến ngày 2/7/2024) đã xử lý toàn trình 3.000/3.207; tỷ lệ báo cáo của các cơ quan hành chính Nhà nước được thực hiện trực tuyến đạt 100% báo cáo được thực hiện trên môi trường mạng.
Đối với số hóa kết quả thủ tục hành chính phát sinh mới (đến ngày 30-6-2024), UBND quận đã số hóa 2.652/2.906 kết quả, đạt tỷ lệ 91,25%; đối với UBND 13 phường, đã số hóa 9.478/9.597 kết quả, đạt tỷ lệ 98,76%. Quận còn đẩy mạnh truyền thông sâu rộng đến người dân, doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, nhất là dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng số.
Cụ thể, tỷ lệ tuyến phố không dùng tiền mặt (đến 15-6-2024) tại các phường là 308/369 tuyến đường, đạt tỷ lệ 83,46%; tỷ lệ hộ kinh doanh có một tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt với 6.345/11.252 hộ, đạt tỷ lệ 56,38%.
Ngoài ra, tỷ lệ chợ thanh toán không dùng tiền mặt đạt 100% hộ tiểu thương tại 3 chợ thực hiện thanh toán trực tuyến và mỗi hộ kinh doanh có ít nhất 1 mã QR thanh toán.
Bà Phan Thị Thắng Lợi, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu đánh giá, công tác chuyển đổi số trên địa bàn đã nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Quận ủy, UBND quận, các phòng, UBND 13 phường cũng như sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị. Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, nhân dân được thực hiện thường xuyên dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú góp phần thay đổi nhận thức, thói quen của cộng đồng. Mặt khác, hệ thống hạ tầng, máy móc thiết bị hiện nay được đầu tư mua sắm, cải thiện chất lượng góp phần triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số của địa phương.
Tuy nhiên, hiện nay cán bộ phụ trách công tác chuyển đổi số tại địa phương đa số kiêm nhiệm, không bảo đảm chuyên môn nghiệp vụ nên ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng triển khai công việc. Thời gian tới, bên cạnh bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, tiêu chí trong Bộ chỉ số đánh giá chuyền đổi số; các đơn vị và UBND 13 phường trên địa bàn quận tiếp tục nghiên cứu, tham mưu UBND quận triển khai các dịch vụ ngoài một cửa, dịch vụ sự nghiệp công trên trang dichvucong.danang.gov.vn.
Đồng thời nghiên cứu thực hiện việc cấp lại, cấp đổi được thực hiện ngay trong ngày (đối với các thủ tục không tiến hành xác minh thực tế), sử dụng lại kết quả giải quyết thủ tục hành chính (số); thực hiện xây dựng và cập nhập dữ liệu theo danh mục dữ liệu mở năm 2024 sau khi thành phố ban hành chính thức.
Các đơn vị và UBND 13 phường tiếp tục nghiên cứu về hỗ trợ, khuyến khích sử dụng dịch vụ bưu chính công ích, thanh toán trực tuyến, giảm thời gian xử lý hồ sơ trực tuyến; tổ chức tập huấn về thương mại điện tử, chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt cho các doanh nghiệp và hộ kinh doanh trên địa bàn quận…
Theo Trần Trúc (Báo Đà Nẵng)