Thực hiện Đề án Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết số 10-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030, năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp và phát triển thương mại điện tử trong tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy chuyển đổi từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, góp phần phát triển kinh tế số nông nghiệp của địa phương.
Một trong những vấn đề cơ bản, trọng tâm trong thực hiện chuyển đổi số nông nghiệp, đó chính là công tác số hóa cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp. Việc số hóa các quy trình sản xuất, quy trình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật được triển khai bằng nhiều hình thức, mang lại nhiều kết quả tích cực.
Trong trồng trọt và bảo vệ thực vật, số hóa các quy trình sản xuất trồng trọt đối với cây ăn quả, cây chè, lúa, rau theo tiêu chuẩn VietGAP, Hữu cơ, và theo chu trình thực hiện sản phẩm OCOP; thực hiện quản lý mã số vùng trồng, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang thực hiện hướng dẫn, quản lý, giám sát 64 mã vùng trồng (trong đó có: 45 mã vùng trồng chè, 13 mã vùng trồng lúa, 04 mã vùng trồng cây ăn quả, 01 mã vùng trồng rau và 01 mã vùng trồng măng tre Lục Trúc), các vùng trồng được cấp mã số tuân thủ tốt các tiêu chí theo quy định; công tác điều tra dự tính, dự báo sâu bệnh hại trên cây trồng được triển khai thực hiện ngay khi bước vào vụ.
Chăn nuôi thú y tiếp tục được quan tâm phát triển theo hướng tập trung quy mô trang trại, ứng dụng các tiến bộ KHCN về giống năng suất cao, chuồng lạnh, tự động hóa vận hành thức ăn, nước uống, sát trùng, xử lý môi trường và xây dựng chuỗi liên kết giá trị trong chăn nuôi; tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, không để các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tái bùng phát trở lại; tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện chăn nuôi an toàn dịch bệnh, tiêm phòng bổ sung các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm theo đúng quy định.
Đồng thời, Sở tăng cường quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, số hóa các quy định về an toàn thực phẩm và hướng dẫn quản lý chất lượng các sản phẩm nông nghiệp an toàn cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã.
Trong lĩnh vực lâm nghiệp, số hóa quy trình trồng cây lâm nghiệp, cây dược liệu và quy trình hướng dẫn các điều kiện, thành phần, hồ sơ cấp chứng chỉ rừng FSC. Với lĩnh vực thủy lợi, số hóa các thông tin cảnh báo thiên tai, video cảnh báo các điểm ngập tại các tràn, cống, đường dân sinh.
Trong cải cách thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, Sở tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch trong tiếp nhận và giải quyết TTHC, bảo đảm 100% TTHC được công bố, công khai đầy đủ, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp thuận lợi giao dịch; 100% các hồ sơ TTHC tiếp nhận, giải quyết tại các đơn vị, địa phương được theo dõi trạng thái xử lý trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh, đồng bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia để người dân, doanh nghiệp có thể giám sát, đánh giá quá trình thực hiện.
Duy trì vận hành Hệ thống thông tin ngành Nông nghiệp và PTNT; tiếp tục triển khai liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu trang thông tin điện tử của đơn vị với Hệ thống thông tin hoạt động ngành Nông nghiệp và PTNT. Xác định thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu, Sở tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành, đến nay, nhiều phần mềm, ứng dụng đã được vận hành và đưa vào sử dụng, như: Phần mềm “Quản lý chất lượng nông sản - Thái Nguyên”; phần mềm quản lý cây xanh trên bản đồ số “Thái Nguyên Smart Tree”; Hệ thống thông tin mã số vùng trồng; phần mềm “Nhận biết sinh vật gây hại trên cây trồng”; phần mềm quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Thuỷ lợi Việt Nam (thuyloivietnam.vn); hệ thống thông tin dịch bệnh động vật trực tuyến (VAHIS); phần mềm “Đánh giá, phân hạng và cơ sở dữ liệu sản phẩm OCOP”; phần mềm “Quản lý, đánh giá và cơ sở dữ liệu các xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu”; Chuyển giao khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, giải đáp thắc mắc trực tuyến; Ứng dụng số Nông nghiệp Thái Nguyên.
Để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, cần phải ứng dụng khoa học – công nghệ vào nông nghiệp, do đó, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi tất yếu. Tỉnh triển khai xây dựng các mô hình, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHKT; thúc đẩy thử nghiệm các dự án, mô hình sản xuất kinh doanh liên kết theo chuỗi giá trị ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số, tiến bộ khoa học - công nghệ mới đồng bộ từ khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản đến tiêu thụ sản phẩm, tạo ra bước ngoặt, phát triển kinh tế nông nghiệp dựa trên khoa học - công nghệ, khuyến khích, thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức, cá nhân đầu tư thực hiện các dự án, mô hình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; các mô hình thuộc các chương trình chuyên đề phục vụ xây dựng nông thôn mới.
Hằng năm, Sở NN&PTNT tổ chức các lớp tập huấn, tập trung đào tạo các kỹ năng số, kỹ năng sử dụng các phần mềm ứng dụng, thương mại điện tử cho cán bộ, người dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, qua đó, giúp nâng cao nhận thức chuyển đổi số cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, thương mại sản phẩm nông nghiệp. Cùng với đó, tỉnh cũng đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Hoạt động của các hợp tác xã đã góp phần chuyển dịch và cơ cấu lại kinh tế theo định hướng chung của tỉnh, giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội tại khu vực nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.
Nhận thấy, chuyển đổi số là công cụ hữu hiệu tạo ra giá trị gia tăng mới cho nông sản, tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, kết nối giữa người sản xuất với tiêu dùng, giữa doanh nghiệp với nông dân, ngành nông nghiệp của tỉnh đã và đang thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, qua đó, mở rộng được thị trường, giúp nông sản tiêu thụ dễ dàng; cùng với đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã tận dụng các nền tảng số và các trang mạng xã hội để quảng cáo, giới thiệu, bán sản phẩm, tìm thị trường cho sản phẩm, hình thành nên chuỗi liên kết giá trị bền vững. Có thể thấy rằng, việc ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp ngày càng góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, giúp sản phẩm nông nghiệp Thái Nguyên khẳng định thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế.
Bằng nhiều hình thức, cách thức với nội dung đa dạng khác nhau, qua các phương tiện truyền thông đại chúng và ưu thế của mạng xã hội, các hoạt động tuyên truyền, vận động thực hiện chuyển đổi số trong ngành Nông nghiệp được lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, góp phần quảng bá kịp thời, đầy đủ về tầm quan trọng, ý nghĩa, lợi ích và những giá trị to lớn, thiết thực mà chuyển đổi số mang lại trong lĩnh vực Nông nghiệp và PTNT, từng bước thay đổi nhận thức, hành động của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tích cực tham gia xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số tại địa phương.
Theo TM (Trang thông tin điện tử chuyển đổi số Thái Nguyên)