Người lao động ảnh hưởng do Covid-19 được hỗ trợ
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, toàn TP có hơn 27.300 doanh nghiệp (DN) hoạt động với hơn 363.000 lao động.
Ảnh hưởng dịch Covid-19 kéo dài thời gian qua khiến 295 DN lữ hành, 16 khu điểm du lịch, 931 cơ sở lưu trú, khách sạn, 330 đơn vị xe vận chuyển và 19 đơn vị vận chuyển du lịch đường thủy đang tạm ngưng hoạt động, nhất là các đơn vị lữ hành hầu như 100% các tour du lịch đều phải hủy. Việc này đã kéo theo hàng chục nghìn lao động mất việc làm, số lao động tạm hoãn hợp đồng lao động là hơn 12.030 người, chấm dứt hợp đồng lao động là hơn 27.600 người.
Số lượng lao động bị mất việc làm, thất nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là đối tượng lao động tự do, theo ước tính có hơn 58.000 người bị mất việc làm, thất nghiệp, đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn.
Một số người lao động đã quay trở lại làm việc. Ảnh" Hồ Giáp |
Thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng triển khai các gói hỗ trợ của Trung ương và TP đến người dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19 trên địa bàn.
Với chính sách hỗ trợ riêng của TP, riêng người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (lao động tự do). Đến ngày 8/12, TP đã ban hành quyết định hỗ trợ cho 26.297 người, với số tiền hơn 38,8 tỷ đồng.
Với đối tượng hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ, tính đến ngày 8/12, Đà Nẵng đã hỗ trợ 1.718 lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương của 150 đơn vị với tổng số tiền hơn 7 tỷ đồng.
Đồng thời, chi trả hỗ trợ 227 lao động ngừng việc với tổng số tiền 295 triệu đồng; Hỗ trợ 389 người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng số tiền hơn hơn 1,6 tỷ đồng đồng; Hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch đã thực hiện chi cho 2.605 người, với số tiền hơn 9,6 tỷ đồng…
BHXH TP Đà Nẵng đã thực hiện giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho hơn 9.000 đơn vị với gần 180.000 người, tổng số tiền hơn 25 tỷ đồng. Đồng thời, tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất cho 23 đơn vị với hơn 4.000 người, tổng số tiền hơn 32 tỷ đồng..
Nhiều doanh nghiệp ở Đà Nẵng cần lao động cuối năm
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Thanh Diệp, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Đà Nẵng cho biết, thời gian qua để giải quyết việc làm cho người lao động ảnh hưởng dịch Covid 19, cũng như tình trạng thiếu hụt lao động của các DN sau giãn cách, trung tâm đã tăng cường mời gọi DN đăng ký tuyển dụng.
Bên cạnh đó, phối hợp với phòng LĐ-TB&XH các quận, huyện tổ chức hội nghị chuyên đề tư vấn giới thiệu việc làm học nghề cho người lao động, đem việc làm xuống tận cơ sở.
Nhiều doanh nghiệp tại Đà Nẵng đang thiếu lao động. Ảnh: Hồ Giáp |
“Hiện nay, sau thời gian giãn cách xã hội các doanh nghiệp đã đi vào sản xuất cho các đơn hàng cuối năm, vì vậy họ đang rất cần lao động. Mỗi phiên giao dịch việc làm tại trung tâm luôn có khoảng 60-70 doanh đăng ký tham gia với 3.000-4.000 vị trí.
Trong đó nhiều nhất là các doanh nghiệp ở lĩnh vực may mặc. Tuy nhiên số lượng người đến ứng tuyển không nhiều, có lẽ người lao động vẫn còn e ngại dịch, hoặc chờ qua Tết mới xin việc làm”, ông Diệp thông tin.
Tổ chức phiên giao dịch trực tuyến với các tỉnh để tìm kiếm người lao động
Để giải quyết bài toán lao động cho các DN trên địa bàn TP, ông Diệp cho biết, đơn vị đang tăng cường các phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối với các Trung tâm Dịch vụ việc làm của những tỉnh thành khu vực miền Trung và Tây nguyên.
“Chúng tôi kết nối để tìm nguồn lao động từ miền Nam về quê tránh dịch như Thanh Hóa, Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế cho các doanh nghiệp.
Đồng thời, cử cán bộ xuống các phường, xã, tổ dân phố để thu thập, khảo sát nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động nhằm kết nối việc làm với các doanh nghiệp”, ông Diệp nói thêm.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng Nguyễn Đăng Hoàng nhìn nhận, dịch Covid-19 kéo dài thời gian qua khiến các doanh nghiệp và người lao động ở TP gặp vô vàn khó khăn.
“Khi dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 4/2021, do TP đã triển khai nhiều giải pháp phòng chống dịch hiệu quả tại các doanh nghiệp nên việc làm của người lao động tại các khu công nghiệp vẫn được duy trì tương đối ổn định.
Riêng đối với các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp, nhất là doanh nghiệp thương mại, du lịch, khách sạn, dịch vụ, thương mại… dịch bệnh làm cho tình hình lao động, việc làm chịu ảnh hưởng đặc biệt nặng nề”, ông Hoàng thông tin.
Người lao động đang ở một công ty may mặc. Ảnh: Hồ Giáp |
Theo ông Hoàng, để hỗ trợ người lao động, thời gian đến Sở tiếp tục triển khai kế hoạch, nắm bắt thông tin về tình hình tuyển dụng, nhu cầu sử dụng lao động tại các DN quy mô từ 100 lao động trở lên để cung cấp cho người lao động được biết.
Bên cạnh đó, thực hiện và nâng cao chất lượng các phiên giao dịch việc làm, định kỳ, tại 3 địa điểm của Trung tâm Dịch vụ việc làm; đồng thời khẩn trương tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các quận, huyện, các trường cao đẳng, đại học, các cơ sở đào tạo nghề…
Tổ chức các phiên giao dịch việc làm online với các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên vào cùng các phiên giao dịch việc làm định kỳ. Giải quyết tốt các chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chú trọng tiêu chí đào tạo lại để đưa lao động sớm trở lại thị trường lao động. Tiếp tục phát huy và nâng cao chất lượng hệ thống dịch vụ việc làm có đủ năng lực và điều kiện tư vấn cho 25.000 - 30.000 lao động/năm.
Đồng thời, phát triển nguồn vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cho vay giải quyết việc làm, giảm nghèo. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp với DN, các cơ sở sản xuất kinh doanh vừa và nhỏ hỗ trợ đào tạo lao động phù hợp với nhu cầu, chuyển đổi ngành nghề phục vụ phục hồi sản xuất kinh doanh, có kế hoạch tiếp nhận các lao động sau khi được đào tạo.
Bên cạnh đó, phối hợp với công đoàn các cấp chủ động nắm tình hình quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động tại các doanh nghiệp, xử lý hài hòa các tranh chấp lao động xảy ra, nhất là thời điểm vào cuối năm dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2022…
Hồ Giáp