Chiều nay 10/11, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đã trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội về nhiều lĩnh vực thuộc ngành. Trong đó, có lĩnh vực đào tạo nghề.

{keywords}

Trả lời các câu hỏi về thực trạng thiếu hụt lao động ở các vùng trọng điểm công nghiệp, Bộ trưởng thừa nhận đại dịch tác động mạnh đến lực lượng lao động, dẫn đến thiếu hụt. Theo Tổ chức lao động thế giới (ILO) đại dịch gây ra khoảng trống về việc làm cho 205 triệu lao động. Cho nên việc đào tạo nghề, đào tạo lại lực lượng lao động là rất cần thiết.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cần đẩy mạnh điều chỉnh lao động theo 3 mô hình để học sinh học nghề ngay năm thứ 2, được tham gia sản xuất, được trả một phần chi phí. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng là đơn vị trước hết cần tham gia việc đào tạo người lao động, là trường học thứ 2.

Vấn đề lao động gián đoạn, Bộ trưởng nêu giải pháp điều tiết để giảm thiểu tác động. Bộ LĐTB&XH đã xây dựng 3 kịch bản, theo đó, giữ chân lao động, thu hút lao động, giải pháp cuối cùng điều tiết lao động.

“Chúng tôi tính toán kịch bản xấu nhất thì phải sử dụng sinh viên trường nghề để thực hiện 3 mô hình; tăng cường bồi dưỡng kỹ năng để có thể sử dụng bộ phận thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự ở một số công việc đặc thù, địa phương cần gấp ngay”- ông Dung nói.

Cần nhanh chóng xây dựng công cụ dự báo cung - cầu lao động

Trả lời 3 câu hỏi của ĐB Vũ Tiến Lộc về dòng người về quê, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đồng tình với ý kiến của ông Lộc khi Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào, nhưng phải giải quyết 2 bài toán: chăm lo, nâng cao chất lượng lao động nhưng tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp; xu hướng thay đổi.

Theo dự báo, thời gian tới, 30% công việc, lao động phải lao động, yêu cầu kỹ năng lao động phải nâng lên. Mục tiêu đề ra đến hết 2025 có 30% lao động có bằng cấp chứng chỉ, đến năm 2030 con số này là 40-45%. Bộ trưởng nhận định đây là chỉ tiêu rất khó mà phải quyết liệt thực hiện, tập trung vào việc đào tạo tại doanh nghiệp mới làm được.

Bộ trưởng cũng trình bày về chủ trương đào tạo lao động chất lượng cao. Trung ương đã đồng ý chủ trương lập 80 trường đào tạo chất lượng cao trong nhiệm kỳ này. Tập trung vào những ngành, lĩnh vực đang thiếu lao động, phân bố ở 3 khu vực trọng tâm ở 3 miền. Đào tạo nghề cũng thiết kế theo hướng mở, liên thông linh hoạt, bao trùm gắn với học tập suốt đời.

Ngoài ra là việc hợp tác công tư trong đào tạo nghề. Việc này có ý nghĩa quan trọng khi nhà nước xác định con người là trung tâm, là động lực cho phát triển.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, hiện nay việc liên kết đào tạo nghề còn lỏng lẻo. Các quốc gia phát triển, sự gắn kết giữa doanh nghiệp với nhà trường đã diễn ra hàng trăm năm. Bộ trưởng dẫn chứng, ở Đức, mỗi doanh nghiệp đều phải là một trường nghề, mỗi trường nghề đều có đủ máy móc, thiết bị cho học sinh học.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng, ở các nước phát triển, doanh nghiệp cho rằng đào tạo người lao động là bắt buộc, còn ở Việt Nam, hiện một số doanh nghiệp đã bắt đầu xúc tiến việc này, nhưng chủ yếu vẫn là trông chờ kết quả đào tạo nghề của trường lớp. Vậy nên việc liên kết này vẫn chưa đưa lại hiệu quả.

Bộ LĐTB&XH đã yêu cầu các trường nghề lớn hiện nay ký kết cụ thể với doanh nghiệp, từ khâu đặt hàng đào tạo tới chỗ làm để sinh viên chưa ra trường đã biết bản thân mình về đâu.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thị trường lao động nước ta muốn phát triển theo hướng đồng bộ, lành mạnh, hiện đại, tuy nhiên thực tiễn chưa đạt được mức độ cho phép. Ông nêu, đào tạo chưa gắn với nhu cầu thị trường, lực lượng lao động chất lượng còn thấp dẫn đến năng suất thấp, so với mặt bằng chung còn thấp. Nguyên nhân quan trọng do dự báo cung cầu hạn chế.

Ngọc Linh