Ở Tây Ninh, bên cạnh những đặc sản quen thuộc được nhiều người biết đến như bánh tráng cuốn phơi sương, bánh canh Trảng Bàng, bò tơ, nem bưởi,... còn có một món ngon không kém phần nổi tiếng. Đó là thằn lằn núi. Chúng hiện mới chỉ được tìm thấy ở khu vực núi Bà Đen, thuộc xã Thạnh Tân - cách thành phố Tây Ninh khoảng 8km.

Thằn lằn núi có nhiều ở núi Bà Đen, Tây Ninh. Loài vật này có vẻ ngoài xấu xí khiến nhiều thực khách dè chừng, sợ hãi (Ảnh: Nguyễn Bích Phương Linh)

Thằn lằn núi thuộc họ tắc kè, được phân biệt với các loài khác bởi những vạch trắng trên lưng và chiếc đuôi có màu nâu nhạt. Không giống với những loại tắc kè khác, sinh vật này chỉ ăn quả sung chín, chuối hoặc những loại cây cỏ, thảo dược trong tự nhiên chứ không ăn côn trùng. Vì vậy, thịt chúng dai, thơm và bổ dưỡng, được xem như bài thuốc quý để chữa chứng chán ăn, mệt mỏi hay các bệnh về đau nhức xương khớp.

Đặc biệt, chỉ có địa hình, khí hậu ở vùng núi Bà Đen mới có thể tạo điều kiện lý tưởng để thằn lằn núi sinh sôi, phát triển, đạt chất lượng thơm ngon nhất. Loài vật có hình thù kỳ dị này hiện cũng chỉ có thể tìm thấy ở nơi đây, chưa thể nhân giống sang các vùng miền khác hay nuôi theo phương pháp công nghiệp.

Thằn lằn núi tuy có vẻ ngoài xấu lạ nhưng là món nhậu khoái khẩu của người dân Tây Ninh và du khách thập phương (Ảnh: Lê Huy)

Anh Văn Tiến - chủ một nhà hàng chuyên phục vụ đặc sản ở Tây Ninh cho biết, vì thằn lằn sống ở núi cao, chỉ tìm thấy trong tự nhiên nên việc săn bắt chúng không hề đơn giản. Muốn bắt được chúng, người dân địa phương phải lặn lội trò lên các mỏm đá, hốc núi cheo leo. Sau đó, người ta dùng mồi hoặc trái sung chín, nhử thằn lằn ra khỏi hang rồi sử dụng dụng cụ chuyên biệt giống như cần câu để bắt sống chúng.

“Thằn lằn sống trong các hốc núi cheo leo với độ cao khoảng 100 - 500m. Muốn bắt được chúng phải là những người dân địa phương có kinh nghiệm, khéo léo trèo lên những mỏm núi cao để “câu”, dụ chúng ra. Nếu trời mưa, thời tiết xấu thì khó có thể bắt được thằn lằn núi”, anh Tiến nói.

Người đàn ông này cũng tiết lộ, trung bình mỗi tuần, anh gom được khoảng 25-30kg thằn lằn, riêng lúc cao điểm có thể đạt 50kg. Mỗi suất thằn lằn chế biến sẵn có giá 150.000 - 200.000 đồng, tùy số lượng. 

Không chỉ săn bắt khó khăn mà quá trình chế biến thằn lằn núi cũng đòi hỏi kỳ công (Ảnh: Dương Quốc Thi)

Đối với những thực khách sành ăn, thằn lằn núi là nguyên liệu chế biến nhiều món ngon nức tiếng. Việc săn bắt khá khó, không phải lúc nào cũng có để ăn nên loài sinh vật này được bán với giá thành khá cao, khoảng 1 triệu đồng/kg, lúc cao điểm lên tới 1,3 triệu đồng.

Thằn lằn núi Bà Đen có thể chế biến thành nhiều món như chiên giòn, xào, rang lá lốt, nấu cháo đỗ xanh,... Mỗi món lại được nấu và thưởng thức theo các cách khác nhau, mang hương vị riêng, khó hòa lẫn.

Quá trình chế biến thằn lằn núi đòi hỏi sự kỳ công, tỉ mỉ. Sau khi bắt về, thằn lằn được mổ bụng và bỏ ruột rồi rửa sạch với nước, để ráo.

Món thằn lằn chiên xù thường được phục vụ cùng ốc núi. Đây là hai món ăn nổi tiếng ở Tây Ninh (Ảnh: Thy Thy)

Với món chiên xù, thằn lằn sau khi làm sạch được giữ nguyên cả con, đem tẩm ướp bột rồi cho lên chảo dầu nóng để chiên trực tiếp. Món ăn nhậu khoái khẩu này có phần thịt dai mềm, còn xương giòn rụm. Tuy nhiên, nhiều thực khách lần đầu thưởng thức không khỏi “rùng mình”, dè chừng vì hình thù kỳ dị của thằn lằn núi.

Với món thằn lằn xào lá lốt, thịt chúng được đem băm nhuyễn, tẩm ướp với các gia vị như hạt tiêu, mắm, mì chính rồi xào chung với lá lốt cho dậy mùi thơm. Món ăn này thưởng thức kèm bánh tráng nướng thơm phức. 

Món thằn lằn núi chiên giòn rụm, khách thưởng thức kèm rau sống, nước mắm chua cay rất hấp dẫn (Ảnh: @Pakitugo)

Cầm bánh tráng, xúc thịt thằn lằn xào rồi đưa vào miệng. Thực khách nhai chậm, từ từ cảm nhận độ giòn tan của bánh tráng, vị đậm đà xen lẫn chút dai dai của thịt thằn lằn. 

Cháo đậu xanh thằn lằn cũng là món ngon nức tiếng được cả người dân địa phương và du khách yêu thích khi du lịch Tây Ninh. Món cháo nóng hổi có vị bùi của đỗ xanh, vị thơm ngon của xương, thịt thằn lằn,... khiến ai ăn một lần đều nhớ mãi.

Vì thằn lằn núi hiện chỉ có ở Tây Ninh nên nhiều thực khách từ xa không ngại vượt trăm cây số về đây thưởng thức đặc sản “hiếm có khó tìm” này (Ảnh: Nguyễn Hoàng Vinh)

Anh Phùng Mạnh - một thực khách đến từ TPHCM chia sẻ, món ăn chế biến từ thịt thằn lằn núi Bà Đen rất ngon, nhưng không phải ai hay lúc nào cũng có cơ hội thưởng thức. 

“Mỗi khi có dịp ghé thăm Tây Ninh, tôi đều phải liên hệ nhà hàng từ trước xem ngày đó có món thằn lằn núi hay không. Mặc dù nhiều khi phải chờ đợi khá lâu, chi phí cũng không hề rẻ nhưng tôi thấy món ăn khoái khẩu này rất đáng để thưởng thức, nhất là với cánh mày râu thích nhậu như tôi”, anh Mạnh hài hước nói.

Mặc dù thằn lằn núi là đặc sản được nhiều người yêu thích và chưa nằm trong danh mục cấm săn bắt tại Việt Nam nhưng người dân và du khách được khuyến cáo không săn bắt, mua bán loài động vật này.

Theo ông Trần Văn Trạch - Trưởng phòng Thanh tra pháp chế, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh cho biết, thằn lằn núi là động vật chưa nằm trong danh sách cấm săn bắt tại Việt Nam. Tuy nhiên, số lượng cá thể thằn lằn núi ở núi Bà Đen hiện còn rất ít nên người dân và du khách được khuyến cáo không săn bắt, mua bán loài vật này.

Ông Trạch cho hay, lực lượng chức năng tại địa phương luôn tiến hành tuần tra, giám sát thường xuyên để kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi săn bắt thằn lằn núi. Những cá nhân vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo mức tương ứng.

Hiện quanh khu vực núi Bà Đen đều có các bảng ghi chú cấm săn bắt thằn lằn núi. Về phía chính quyền địa phương và các ngành chức năng tỉnh Tây Ninh cũng ra sức tuyên truyền, động viên người dân và du khách không săn bắt, không mua bán hay ăn thịt thằn lằn núi để bảo vệ loài vật quý hiếm này.

Phan Đậu