Tại tòa, đại diện ngân hàng và một số đối tác đã lên tiếng đề nghị tòa xem xét thu hồi, hủy bỏ kê biên để được nhận các tài sản "khủng" trong vụ án.

Ngày 4/8, phiên tòa xét xử "đại án" gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng tiếp tục phần xét hỏi.

HĐXX đã mời đại diện Hội đồng định giá trong Tố tụng Hình sự TP.HCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lên để hỏi xung quanh việc định giá các bất động sản và tài sản bị kê biên của bị cáo Phạm Công Danh và tập đoàn Thiên Thanh. 

Trong đó, 2 căn nhà ở cư xá Lữ Gia (TP.HCM) có giá lần lượt là 8,8 tỷ đồng và 11 tỷ đồng. Đất và tài sản trên đất thuộc khu du lịch Thùy Vân ở thị trấn Long Hải, Bà Rịa - Vũng Tàu là 34 tỷ đồng (vào tháng 7/2014) và 32,9 tỷ đồng (tháng 4/2015), chưa kể đất huyện Củ Chi, TP.HCM.

{keywords}

Các bị cáo tại tòa (Ảnh: Đinh Tuấn)

Theo hồ sơ, cả 2 căn nhà này đều thế chấp cho Ngân hàng Phương Nam (nay là Sacombank) để đảm bảo cho khoản vay 16 tỷ đồng của Công ty Phước Đại (do Danh thành lập, thuê người đứng tên Giám đốc). Tòa hỏi bị cáo Danh đã giải chấp 2 căn nhà này chưa, ông Danh nói không biết. 

HĐXX mời đại diện Sacombank lên hỏi. Vị đại diện cho biết bị cáo Danh cùng vợ là bà Quách Kim Chi đã bảo lãnh cho Công ty Phước Đại vay 16 tỷ đồng, cộng thêm tiền lãi phát sinh đến nay là 30,6 tỷ đồng. Sacombank đã khởi kiện ra về hợp đồng tín dụng ra TAND quận Phú Nhuận (TP.HCM) nhưng tài sản bảo đảm cho hợp đồng tín dụng này lại đang kê biên trong vụ án.

"Chúng tôi muốn nói tài sản này chúng tôi cho vay và đang giữ tài sản đảm bảo để đảm bảo khoản vay. Khi vụ án xảy ra, tài sản mới bị kê biên. Vì vậy, đề nghị tòa hủy bỏ lệnh kê biên, giao cho ngân hàng quản lý và xử lý theo hợp đồng tín dụng kèm theo", đại diện Sacombank đề nghị.

Ngoài 2 căn nhà trên, Sacombank còn đề nghị tòa xem xét thu hồi, hủy bỏ các quyết định kê biên, giao cho ngân hàng 2 tài sản khác là thửa đất, nhà ở quận 11 đứng tên ông Danh và bà Chi; thửa đất ở quận Tân Phú thuộc sở hữu của ông Danh. Hai tài sản này đã được Ngân hàng Phương Nam nhận thế chấp để đảm bảo cho 2 khoản vay 592 tỷ đồng và 50 tỷ đồng của Công ty quốc tế Thiên Thanh.

Tòa hỏi hiện Sacombank, Phương Nam còn liên quan đến các hợp đồng tín dụng nào nữa không? Người đại diện cho biết còn 401 tỷ đồng liên quan đến đất ở quận 10 (TP.HCM); 57 tỷ đồng liên quan đến tài sản thế chấp là nhà ở Quảng Nam; 80 tỷ đồng liên quan đến các bất động sản ở TP Đà Nẵng. Trả lời câu hỏi vậy ngân hàng có yêu cầu chung gì không? Đại diện Sacombank vẫn đề nghị xem xét và thu hồi, hủy bỏ lệnh kê biên để đảm bảo cho các hợp đồng tín dụng.

Tương tự, đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) - chi nhánh Tân Phú cũng đề nghị tòa giải tỏa kê biên và phát mãi 2 tài sản thế chấp là 29.000 m2 đất ở Bình Dương (đứng tên Công ty quốc tế Thiên Thanh) và 5.700 m2 ở huyện Củ Chi, TP.HCM. Hai lô đất trên đã được thế chấp để Tập đoàn Thiên Thanh vay 179 tỷ đồng tại Agribank. Đến nay khoản vay này còn dư nợ 159,4 tỷ đồng, tính cả lãi phát sinh là 254 tỷ đồng.

"Sau khi trả gốc, lãi phát sinh 254 tỷ đồng, còn thừa chúng tôi sẽ giao lại cho cơ quan thi hành án vụ án này", đại diện Agribank đề nghị.

Ngoài các đơn vị trên, đại diện Tổng Công ty bảo hiểm dầu khí PVI cũng được triệu tập đến tòa. Phía PVI cho biết năm 2011 đã ký hợp đồng tài chính với Thiên Thanh, Thiên Thanh thế chấp cho PVI 3 bất động sản trong vòng một năm. Do tình hình không khả quan nên sau đó đã chuyển nhượng toàn bộ tài sản. Đến 2014, vụ án bị khởi tố, toàn bộ tài sản bị kê biên. PVI và Thiên Thanh đề nghị hủy bỏ kê biên để tiếp tục thực hiện thỏa thuận, mọi vấn đề khác đã giải quyết xong.

Ngày mai, phiên tòa tiếp tục.

Phạm Công Danh xin lại kỷ vật

Cũng trong phần thẩm về tài sản bị kê biên, thu giữ trong vụ án, HĐXX hỏi bị cáo Danh khi bị bắt bị thu giữ những gì? Bị cáo khai bị thu giữ một số đồ cá nhân, đồng hồ, nhẫn, 217 triệu đồng và 621.000 USD. Có biên bản ký tên nhưng bị cáo không nhớ rõ.

Tòa hỏi tiếp số tài sản bị thu giữ này cũa ai hay của bị cáo? "Nhẫn, đồng hồ là kỷ vật của vợ chồng tôi. Vợ chồng tôi bỏ tiền ra mua", ông Danh nói và xin HĐXX xem xét.

M.Phượng