Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho biết, tại Việt Nam chưa có văn bản luật quy định cụ thể về bản dạng giới, chuyển đổi giới tính nên chưa có nghiên cứu, khảo sát một cách toàn diện, đầy đủ về bản dạng giới và người chuyển giới.

Hiện cũng chưa có bộ tiêu chí để thống kê số liệu chính xác về người chuyển giới dẫn đến việc thu thập số liệu về người chuyển giới tại Việt Nam gặp khó khăn.

Chính sách thể hiện giá trị nhân bản, nhân văn và nhân đạo

Do đó, theo ông Trí, việc xây dựng luật thể hiện rõ các chính sách, giá trị nhân bản, nhân văn và nhân đạo cao cả của Nhà nước; bảo vệ cộng đồng yếu thế và không để ai bị bỏ lại phía sau.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho biết, phạm vi điều chỉnh của luật chỉ tập trung vào 2 dạng giới nam và nữ.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng

Theo đó, luật quy định về quyền và nghĩa vụ của người chuyển đổi giới tính từ nữ sang nam hoặc từ nam sang nữ; cơ quan có thẩm quyền, thực hiện xác nhận giới tính của người chuyển đổi giới tính; điều kiện, hồ sơ, thủ tục đối với người có nguyện vọng chuyển đổi giới tính; điều kiện, hồ sơ, thủ tục đối với tổ chức, cá nhân thực hiện can thiệp y học.

Các chính sách được thể hiện rõ là quyền chuyển đổi giới tính của công dân; quyền được công nhận giới tính mới khác giới tính khi sinh theo yêu cầu của công dân và quyền được lựa chọn hình thức can thiệp y học để chuyển đổi giới tính của công dân.

Báo cáo thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật và Thường trực Ủy ban Xã hội đánh giá cao sự nỗ lực, tâm huyết của đại biểu Quốc hội trong việc chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng luật. Việc ban hành luật để quy định về vấn đề chuyển đổi giới tính là cần thiết nhằm cụ thể hóa quy định của Bộ luật Dân sự, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Đại biểu Quốc hội đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các cơ quan thẩm tra, xác định lại phạm vi điều chỉnh của luật, tập trung vào vấn đề chuyển đổi giới tính; một số chính sách đã được tiếp thu làm rõ hơn, phù hợp với yêu cầu cụ thể hóa quy định của Bộ luật Dân sự về chuyển đổi giới tính; điều chỉnh tiến độ trình Quốc hội lần đầu tại kỳ họp thứ 8.

Do đó, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật cơ bản thống nhất việc đưa dự án luật này vào chương trình năm 2024, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ sớm có ý kiến về đề nghị xây dựng luật và phân công Bộ Y tế, Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với đại biểu trong quá trình xây dựng dự án luật này.

Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp hỗ trợ đại biểu trong việc hoàn thiện hồ sơ theo quy định.

Điểm nhấn trong nhiệm kỳ

Bên cạnh đó, ông Hoàng Thanh Tùng cũng cho biết, vẫn còn một số ý kiến băn khoăn đây là dự án luật khó, nhạy cảm, còn nhiều ý kiến khác nhau; hồ sơ đề nghị xây dựng luật chưa làm rõ cơ sở chính trị và cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng, ban hành luật.

Ngoài ra, phạm vi điều chỉnh trùng lặp với dự án Luật Chuyển đổi giới tính đang được Chính phủ nghiên cứu, đề xuất và Chính phủ cũng chưa có ý kiến chính thức.

Do đó, một số ý kiến đề nghị đại biểu Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng để hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng luật, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung vào chương trình khi đủ điều kiện.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng băn khoăn, xây dựng luật này thì Luật Chuyển đổi giới tính có xây dựng nữa không hay Bộ Y tế thống nhất với đại biểu để làm một luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định

Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, việc đại biểu trình sáng kiến xây dựng luật là quý, thể hiện sự tâm huyết. Đại biểu Nguyễn Anh Trí là người có chuyên môn sâu và vấn đề này được nghiên cứu từ lâu.

“Các đồng chí xem xét góp ý để đại biểu hoàn thiện thêm, nếu trình Quốc hội thông qua đưa vào chương trình thì đây cũng là điểm nhấn trong nhiệm kỳ này”, ông Định nói.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường bày tỏ ủng hộ đại biểu Quốc hội có sáng kiến lập pháp. Sau khi tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan, nhìn chung phạm vi điều chỉnh cũng như sự cần thiết của luật tương đối rõ.

Tổng thư ký Quốc hội cho rằng, không nên vì dự án luật khó, nhạy cảm mà né tránh. Vấn đề này hiện nay cũng tương đối cởi mở rồi. Nếu không sớm xây dựng hành lang pháp lý thì vướng cả về thể chế và thực tiễn.

Ngày 9/4/2023, Chính phủ có văn bản tham gia ý kiến về đề nghị xây dựng Luật Bản dạng giới của đại biểu Quốc hội.

Chính phủ cho rằng việc nghiên cứu, đề xuất xây dựng văn bản luật về chuyển đổi giới tính là cần thiết để góp phần thể chế hóa một số nội dung liên quan đến quyền con người đã được ghi nhận tại Hiến pháp năm 2013 và Bộ luật Dân sự năm 2015.

Từ năm 2016 đến nay, Chính phủ đã giao Bộ Y tế nghiên cứu, đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về chuyển đổi giới tính. Tuy nhiên, đây là vấn đề khó, cần có sự tập trung về thời gian và nguồn lực.

Việc đại biểu Quốc hội thực hiện quyền đề nghị xây dựng luật là rất đáng trân trọng và khuyến khích. Đồng thời, Chính phủ giao Bộ Y tế cung cấp kết quả nghiên cứu để đại biểu Quốc hội thực hiện tốt vai trò của mình.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ ủng hộ và trân trọng đề xuất của đại biểu Quốc hội về việc xây dựng Luật Bản dạng giới. Tuy nhiên, do còn nhiều ý kiến khác nhau nên Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại biểu cùng các cơ quan chuẩn bị thêm để trình tại phiên họp sau.

Trước đó, năm 2015, đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh cũng từng đề xuất xây dựng Luật Hành chính công. Nhưng đến năm 2018, đề xuất này không được Quốc hội thông qua để đưa vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh.

Theo Điều 29 Luật Tổ chức Quốc hội, đại biểu Quốc hội có quyền trình dự án luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh trước Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.