- Sửa luật Bầu cử phải để dân biết mình bầu cho ai, nếu chỉ có thông tin ngày tháng năm sinh, cơ quan công tác, chức vụ đã qua, cứ thấy 2 người gạch 1 thì không thực chất - ý kiến của Phó Chủ tịch UB TƯ MTTQ VN Phạm Xuân Hằng.


Ông Phạm Xuân Hằng góp ý cho dự thảo luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu HĐND sửa đổi tại hội nghị đoàn Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam sáng nay.
{keywords}
Phó Chủ tịch UB TƯ MTTQ VN Phạm Xuân Hằng
Phó chủ tịch UB TƯ MTTQ VN Phạm Xuân Hằng cho rằng, trong quá trình giới thiệu, hiệp thương phải làm sao thể hiện bản lĩnh của MTTQ.

“Chúng ta phải làm thế nào để thể hiện hết trách nhiệm với dân, ý chí nguyện vọng của dân, không phải giới thiệu những người chúng ta không biết. Như Hà Nội vừa qua có ĐBQH bị bắt. Trách nhiệm thuộc về ai chứ cứ bảo họ lừa dối tập thể là chuyện bình thường, không thể được!”, ông Hằng nói.

Vì vậy ông đề nghị sửa luật sắp tới phải làm thế nào để dân phải biết mình bầu cho ai, nếu chỉ có thông tin ngày tháng năm sinh, cơ quan công tác, chức vụ đã qua, cứ thấy 2 người gạch 1 thì không thực chất.

Tăng tính cạnh tranh trong bầu cử?

Góp ý về tỉ lệ đảng viên trong QH, nguyên Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt cho rằng Đảng lãnh đạo nhưng không nên 93%, 92% ĐBQH là đảng viên.
{keywords}

Nguyên Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt

"Đến lúc này mà trong QH lúc nào cũng gần 100% đảng viên. Các bộ trưởng đều đủ cả như thế thì còn lâu mới dân chủ được", ông Duyệt nêu.

Theo ông, hiện nay tỉ lệ đảng viên trong Mặt trận còn 50%, vì vậy trong QH cũng nên cố gắng làm sao đổi mới cho thực chất.

“Khóa I có tới 43% không phải đảng phái và chỉ có 36% là mặt trận Việt Minh (tức Đảng) nhưng Bác vẫn lãnh đạo giỏi như thế. Muốn phát huy dân chủ thì cần mở rộng, phát huy vấn đề này chứ đừng nên gò bó như trước giờ. Đừng nên hiểu lầm. Đây là vì sự lãnh đạo của Đảng”, ông Duyệt nhấn mạnh.

Vì vậy ông cho rằng vai trò của MTTQ trong bầu cử ĐBQH phải thực chất, trước hết là thực chất trong giới thiệu, hiệp thương, đừng mang tính hình thức.

Trong khi đó, GS. Trần Ngọc Đường cho rằng nếu có điều kiện đổi mới thì phải tăng tính tranh cử trong bầu cử. “Chừng nào không có tranh cử trong bầu cử thì chừng đó không thể tìm ra người xứng đáng. Muốn tranh cử trong bầu cử thì không chỉ đơn thuần tranh cử ở các cuộc tiếp xúc cử tri trong giai đoạn bầu cử mà phải gắn thế nào việc bầu cử với cử tri đơn vị bầu cử” - ông nêu ý kiến.
{keywords}

GS. Trần Ngọc Đường

Theo GS Đường, nên chăng bầu cử ĐBQH 500 người thì chia thành 500 đơn vị bầu cử. Mỗi đơn vị có 2-3 ứng viên tranh luận với nhau để người dân thấy ai là người xứng đáng về năng lực, phẩm chất. Vị đại biểu đó phải gắn với đơn vị bầu cử đó chứ bầu xong cử tri không kiểm soát được, giữa ĐB và cử tri không có quan hệ gì.

“Tôi làm ĐBQH hai khóa, tôi rút ra nhận xét làm ĐBQH rất khó vì quyền hạn lớn lắm nhưng cũng rất dễ vì chẳng ai kiểm soát cả. Làm thế nào ĐBQH gắn cử tri để cử tri giám sát”, ông Đường nói và cho rằng hai cuộc bầu cử ĐBQH và HĐND tính chất khác nhau nên phải tách riêng.

Một chiều dân nghe nhưng lòng không nghe

Tại hội nghị, góp ý cho luật MTTQ, ông Phạm Thế Duyệt lưu ý vấn đề tập hợp đoàn kết nhân dân để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Để làm việc này, theo ông, phải làm rõ vấn đề dân chủ và làm rõ vai trò MTTQ (bao gồm tất cả các thành viên của MT).

Ông Hằng thắc mắc luật nêu phương thức tập hợp khối đại đoàn kết dân tộc có 6 khoản nhưng không thấy từ dân chủ. “Tuyên truyền vận động nhân dân nếu như chỉ một chiều thì dân nghe nhưng lòng thì không nghe. Vì vậy tôi đề nghị thực hành dân chủ trên thực tế để tạo sự đồng thuận, khối đại đoàn kết trong toàn dân tộc. Đây phải là vấn đề số một, là nền tảng rồi muốn tuyên truyền gì thì tuyên truyền”, ông Hằng nhấn mạnh.

Thúc giục vấn đề giám sát, phản biện, ông Duyệt cho rằng: “tình hình lúc này trong Đảng khác hẳn rồi. Càng hội nhập, càng mở rộng, càng tư nhân hóa thì tham nhũng quan liêu, mất dân chủ, tranh giành quyền lực càng nhiều. Cho nên muốn giữ vai trò lãnh đạo của Đảng cho tốt thì vấn đề phản biện và giám sát phải rất rõ ràng”.

Thu Hằng - Ảnh: Minh Thăng