Một người bán giày ở vỉa hè cho biết: “Kể cả đại gia đi xe hơi sang trọng
cũng dừng mua giày của chúng tôi dù giá họ mua bị chém gấp 3 – 5 lần so với
người khác”.
TIN BÀI KHÁC
Nữ công nhân với những rình rập ở quãng vắng
Xuất hiện loại pháo điện giống như mìn
Kỳ án hiếp dâm: Chúng tôi chết thêm lần nữa
Hoảng hồn hổ dữ vượt ngục tại sở thú HN
Lê Hoàng: Nghề giám khảo nguy hiểm như cưa bom
Tháng 1/2012 sẽ xét xử Lê Văn Luyện?
Dạo một vòng quanh Hà Nội có thể thấy, khu vực vỉa hè dọc đường Láng (phía bờ sông Tô Lịch), đường Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Xã Đàn, Hoàng Minh Giám, hay đoạn đường Bưởi (phía ven bờ sông Tô Lịch) …đâu đâu cũng chật ních người mua giày “đại hạ giá” hoặc giày “siêu rẻ”. Mặt hàng chủ yếu được bày bán trên khắp các vỉa hè là giày thể thao, giày vải và giày da.
Ăn ngủ với giày, kiếm sống nhờ… thời tiết
Minh (27 tuổi) – chủ một “quầy” bán giầy vỉa hè nói: “Giờ mới là thời điểm chúng tôi làm ăn được. Găm hàng gần nửa năm, ăn ngủ với giày tại một phòng trọ chật hẹp, giờ mới có cơ hội tung ra, nhưng bán giày cũng có nhiều rủi ro lắm. Có thể nói chúng tôi sống dựa vào thời tiết. Trời càng lạnh, hàng bán càng chạy thì chúng tôi mới có đồng mà chi tiêu. Các shop thì họ bán quanh năm, còn chúng tôi chỉ chộp giật được một vài tháng vậy thôi”.
Giày đại hạ giá được bày bán la liệt trên các vỉa hè ở Hà Nội (Ảnh: K.V) |
Ở nội thành, giày “đại hạ giá” được bày bán gần như cả ngày, từ sáng sớm tới đêm khuya do lượng người lưu thông trên đường khá tấp nập. Trong khi đó, ở ngoại thành, những người bán giầy vỉa hè chỉ bày hàng vào lúc tan ca hoặc chỉ bán vào ban ngày do buổi tối hiếm người đi lại.
Duy, 25 tuổi, một người được thuê bán giày vỉa hè ở ngoại thành Hà Nội nói: “Riêng ở mặt hàng giày, tôi xin đảm bảo là giày Việt Nam hơn hẳn giày Trung Quốc.
Theo kinh nghiệm chọn giày của cá nhân tôi, do lớp cao su ở đế giày của Trung Quốc là thứ cao su được tái chế nên khi cầm ngửi, dễ dàng nhận thấy mùi hắc trong khi đó, hàng thanh lý của Việt Nam khi ngửi vẫn còn thơm mùi cao su”.
Trong khi đó, anh Dương, chủ nhiều điểm bán giày "đại hạ giá" trên vỉa hè ở ngoại thành Hà Nội tiết lộ: “Tôi lấy hàng từ nhiều nguồn. Năm nay, tôi nhập hàng thanh lý có hoá đơn đỏ của Công ty cổ phần cao su Hà Nội. Dạo trước, tôi hay đặt mua các lô hàng nhập lậu từ Trung Quốc, nhưng do lợi nhuận không được nhiều lại nhiều rủi ro nên giờ tôi đặt mua ngay hàng thanh lý tại các nhà máy hoặc các cơ sở sản xuất ở Việt Nam.
Nhà trọ tràn ngập giày của một chủ giầy vỉa hè (Ảnh: K.V) |
Ví dụ như đặt mua giày theo lô từ làng nghề ở Cầu Giẽ. Nhiều khi đang bán giày ở vỉa hè, những người môi giới cho các cơ sở sản xuất giày thủ công ở Hải Dương chẳng hạn, họ tự tìm đến mình rồi chào hàng và từ đó tôi lại có thêm mối làm ăn".
Cũng theo anh Dương, ngày nhiều nhất, 1 điểm bán được khoảng 2 triệu tiền hàng với loại giày có giá từ 60 nghìn đồng trở lên. Trừ chi phí đi rồi, người làm chủ chỉ còn lãi được khoảng 2 trăm rưỡi chưa kể tiền trả công nếu thuê người bán hay các rủi ro khác xảy ra như “nộp thuế đường”.
Đôi khi ế ẩm thì theo anh Dương chẳng bán được đôi nào lại thêm khoản nộp phạt vì lấn chiếm vỉa hè. Hay có hôm trời mưa bất chợt, chạy không kịp, giầy bị dính nước mưa bong hết cả.
"Năm ngoái tôi bỏ ra 100 triệu, thu về lãi được khoảng hơn 40 triệu đồng. Tuy nhiên, năm nay, nhiều khả năng sẽ chịu lỗ thảm hại do thời tiết nắng nóng kéo dài khiến hàng bị hỏng, người mua cũng ít. Phải vào nội thành bán hàng mới chạy hoặc có nhiều người cùng bày bán ở khu này thì người mua mới đông hơn được", anh Dương than thở.
Nếu thời tiết nắng nóng kéo dài, hàng loạt giày đại hạ giá sẽ bị bong keo (Ảnh: K.V) |
Chia sẻ cùng PV, một chủ bán giày vỉa hè cho biết, người tiêu dùng giờ cũng rất sành mua. Họ biết ướm chừng được giá trị của sản phẩm do vậy rất khó để nói thách. Ngoài ra, cận Tết, dù có phải bán dưới giá nhập, chấp nhận chịu lỗ, cũng phải bán do những loại giầy này nếu để lâu, keo sẽ bị bong ra. Một khi giày đã bị hỏng như vậy chỉ có nước bỏ đi.
"Chém" đại gia
Theo chị L, một người bán giầy vỉa hè dọc đường Bưởi, nhược điểm của giày đại hạ giá là chúng lỗi mốt, hoặc bị lỗi “kĩ thuật” như may lệch đường chỉ… Mặc dù biết rõ điều này, nhưng nhiều người Việt Nam đặc biệt là các sinh viên, công nhân - những người chưa có thu nhập hoặc thu nhập thấp vẫn đổ xô đi mua giày đại hạ giá.
Khi được hỏi về lý do chọn mua hàng vỉa hè, Trung (22 tuổi), một khách đang chọn mua giày đại hạ giá ở đường Láng chia sẻ: “Nếu vào shop mua, thường thì sẽ có nhiều loại giày để chọn hơn, thậm chí chúng đẹp và tốt hơn hẳn so với hàng vỉa hè, nhưng trên thực tế mà nói, nếu so tương quan về mặt giá cả với chất lượng thì mua hàng vỉa hè hợp lý hơn hẳn.
Nhiều loại giày vỉa hè chất lượng cũng rất tốt mà giá cả lại hợp lý, vừa túi tiền của người lao động. Nếu vào shop, giầy có thể sẽ bị đội giá lên gấp vài lần, trong khi nếu khéo mặc cả khi mua hàng vỉa hè, tôi có thể sẽ được sở hữu một đôi giày tương tự như ở shop, nhưng có giá cả phải chăng, thậm chí phải nói là cực rẻ”.
Đối tượng mua giày đại hạ giá rất đa dạng (Ảnh: K.V) |
Trong khi đó, Hải Yến, cô bạn đi cùng Trung cho hay: “Tôi chọn mua giày đại hạ giá tặng bạn trai mình vì kiểu dáng của chúng cũng khá đa đạng, giá mềm mà chất lượng cũng tạm ổn, hợp với túi tiền của tôi. Giày giờ đi theo năm, năm nay hết mốt là bỏ nên cũng không quan tâm chất lượng phải bền".
Chị Trang (31 tuổi), một người được thuê bán giày vỉa hè cho biết: “Chuyện mua giày vỉa hè cũng tuỳ quan điểm mỗi người. Đối tượng tới mua giày đại hạ giá của chúng tôi rất đa dạng, thậm chí gồm cả các đại gia – những người siêu giàu có.
Không có gì bất ngờ nếu một đại gia đi xe hơi sang trọng cũng dừng mua giày của chúng tôi dù giá họ mua bị chém gấp 3 – 5 lần so với người khác. Không phải họ mua để dùng đâu. Với nhiều người ở quê, thời bây giờ cho nhau vài ba trăm đâu có quý bằng những món quà như đôi giày, vừa ấm chân, vừa khó đoán giá trị thực. Vậy nên thường thì các đại gia hay mua giày đại hạ giá về làm quà cho người thân, họ hàng của mình ở quê”.
Người phụ nữ này cho biết thêm: “Tâm lý của nhiều khách hàng khi đi mua giày đại hạ giá là họ chỉ cần một đôi giầy để đi qua mùa đông hoặc để thay đổi hàng ngày. Do vậy, họ tìm tới các hàng bán giày vỉa hè để chọn mua thay vì vào shop.
Một điều rất dễ nhận thấy là hầu hết người Việt Nam khi đi mua sắm thường thích mặc cả. Do vậy, thường thì chúng tôi hay đội giá lên gấp 2 – 3 lần để họ mặc cả xuống là vừa. Đấy là với những khách hàng bình dân để “thuận mua vừa bán”, chứ với những khách “sộp” bảo bao nhiêu trả bấy nhiêu thì có khi chúng tôi đội giá lên gấp 4 – 5 lần.
Nói chung là mức giá bán có nhiều biến động và chúng tôi cũng tuỳ khách mới “chém”. Trung bình, chúng tôi lãi khoảng 30 – 50%/1 đôi giày”.
Và họ thường chỉ để ý đến kiểu dáng giầy và giá cả mà quên đi chất lượng giày (Ảnh: K.V) |
Ông Lâm, người bán giày vỉa hè ở Sài Đồng, (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: “Về chất lượng giày chúng tôi bán, có loại rất tốt, nhưng cũng có loại thực sự rởm. Người tiêu dùng giờ chuộng hàng Việt Nam hơn hàng nhập khẩu. Chính ra hàng Trung Quốc chỉ hơn hàng Việt Nam ở chỗ có nhiều mẫu mã, kiểu dáng thời trang hơn, chứ về mặt giá cả cũng tương đương nhau, thậm chí, hàng Trung Quốc đôi khi còn đắt hơn nên chúng tôi chủ yếu bày bán hàng “made in Vietnam” thanh lý mà thôi”.
(Theo VTC News)