Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (VJC) của nữ tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo vừa công bố giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, Quỹ đầu tư Chính phủ Singapore (GIC) đã không còn là cổ đông lớn của Vietjet sau khi bán hơn 70 ngàn cổ phiếu.

Số lượng cổ phiếu bán ra không nhiều nhưng đủ để GIC giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 4,99%, không còn là cổ đông lớn của hãng hàng không tư nhân lớn nhất Việt Nam. Sau khi không còn là cổ đông lớn, GIC không cần phải báo cáo nếu bán cổ phiếu VJC.

Trên thực tế, Vietjet là hãng hàng không hồi phục mạnh nhất sau khi nhiều lệnh cấm bay được bãi bỏ. Tuy nhiên, nỗi lo về hoạt động của hãng còn lớn trong bối cảnh ngành hàng không thế giới gặp khó, còn tại Việt Nam hoạt động vận chuyển hàng không đình trệ trong 2 tuần đầu tháng 4 và cho tới nay các hãng hàng không vẫn “đi một chân”, mất gần như hoàn toàn doanh thu vận chuyển khách quốc tế.

Trong một báo cáo của BVSC, CTCK này dự báo ngành hàng không sẽ còn "ngấm đòn" nặng hơn trong quý 2, khi mà đại dịch Covid-19 khiến Việt Nam phải thực hiện giãn cách xã hội trong tháng 4.

Trong quý 1, VietJet lỗ sau thuế hợp nhất lên tới gần ngàn tỷ đồng. Trong khi đó, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (HVN) ghi nhận lỗ 2,6 ngàn tỷ đồng. Tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết (chủ hãng hãng không Bamboo Airways cũng ghi nhận lỗ hơn 1,2 ngàn tỷ đồng.

Trong khoảng 10 phiên gần đây, áp lực lên các cổ phiếu hãng không vẫn còn lớn. VJC giảm 6 trên 10 phiên, chỉ ghi nhận 2 phiên tăng nhẹ. Cổ  phiếu VJC giảm gần 20% trong 4 tháng qua và vốn hóa của VietJet mất cả chục ngàn tỷ đồng.

{keywords}
Hàng không Việt gặp khó vì Covid-19.

Theo BVSC, Covid-19 có ảnh hưởng rõ rệt bắt đầu từ cuối quý 2/2020, tác động lên cả du khách nước ngoài cũng như nhu cầu nội địa. Việc dừng toàn bộ các đường bay quốc tế từ giữa tháng 3 và duy trì cầm chừng các đường bay nội địa ở mức tối thiểu từ đầu tháng tư với quy định giãn các hành khách, khiến số lượng chuyến bay khai thác của các thương hiệu trong tập đoàn đều ghi nhận sự sụt giảm so với cùng kỳ quý trước.

Tới thời điểm này, các hãng hàng không Việt gần như mất hoàn toàn doanh thu vận chuyển hành khách bay quốc tế, vốn chiếm khoảng 50%. Theo số liệu từ Cục hàng không, trong tháng 5, lượng khách di chuyển trên các đường bay quốc tế của hàng không Việt đã giảm 97,6% so với cùng kỳ 2019.

Về thị trường nội địa, số lượng khách tăng mạnh trở lại nhưng vẫn chưa thể bù đắp được cho các hãng hãng không.

Theo đánh giá của BVSC, các hãng hàng không Việt sẽ chứng kiến sự hồi phục từ tháng 7 khi mà Việt Nam có thể mở cửa cho khách quốc tế. BVSC ước tính lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2020 sẽ sụt giảm khoảng 69% so với năm 2019 và dần phục hồi từ 100.000 lượt khách/tháng vào tháng 7 đến mức 600.000 lượt khách/tháng vào tháng 12.

Trên thế giới, Thai Airways đã chính thức nộp đơn phá sản từ 26/5 trong bối cảnh mọi công ty hàng không đều chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19 gây ra. Trước đó, hãng hàng không lâu đời thứ 2 thế giới - Avianca  đã tuyên bố phá sản.

Trong tháng 4, nhà đầu tư huyền thoại - tỷ phú Warren Buffett đã bán hết cổ phiếu hàng không, phần lớn là 4 hãng hàng không Mỹ, trị giá khoảng 6,5 tỷ USD. Theo tỷ phú này, ngành hàng không đã "thay đổi cơ bản" vì Covid-19, khi là ngành chịu tác động nặng nề nhất từ dịch bệnh do các biện pháp giới hạn đi lại trên toàn cầu.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 27/5, chỉ số VN-Index tăng nhẹ và dao động quanh ngưỡng 870 điểm. Các cổ phiếu blue-chips tiếp tục phân hóa. Nhóm cổ phiếu ngân hàng, tài chính... tiếp tục xu hướng tăng điểm.

Nhiều công ty chứng khoán có các dự báo sáng sủa hơn.

Theo MBS, thị trường đã tận dụng được cơ hội để vượt đỉnh cũ 863 điểm một cách thuyết phục, xu hướng tăng của thị trường càng được củng cố. Sự luân chuyển của dòng tiền ở các nhóm cổ phiếu dẫn dắt và ở các trụ là những dấu hiệu cho thấy thị trường mạnh, xu hướng đi lên chậm chắc và mặt bằng cổ phiếu cũng được nâng dần lên. Cho đến thời điểm này yếu tố tác động bên trong và bên ngoài đang có dấu hiệu chuyển biến tích cực, trong khi giới đầu tư đang kỳ vọng triển vọng kinh tế thế giới khi ngày càng nhiều quốc gia tiến tới tái mở cửa. VN-Index đã vượt mốc 860 điểm một cách thuyết phục, thị trường hoàn toàn có thể hướng tới mốc 880 điểm trong các phiên sắp tới cùng sự hỗ trợ tích cực của các chỉ báo kỹ thuật.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/5, VN-Index tăng 10,09 điểm lên 869,13 điểm; HNX-Index tăng 1,35 điểm lên 110,49 điểm. Upcom-Index tăng 0,39 điểm lên 55,33 điểm. Thanh khoản đạt khoảng 6,4 ngàn tỷ đồng.

V. Hà